Đại sứ Mỹ William Burns (trái) và giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Nga Sergei Kiriyenko trao đổi văn kiện tại lễ ký. Ảnh: AP. |
Thỏa thuận được ký giữa đại sứ Mỹ William Burns và giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử Nga Sergei Kiriyenko ngay trước thời điểm tân tổng thống Nga Dmitry Medvedev làm lễ nhậm chức vào hôm nay. Đây là dấu hiệu đảo chiều trong chính sách của Mỹ về hợp tác hạt nhân với Matxcơva. Hợp tác song phương trong lĩnh vực này bị lạnh nhạt trong những năm gần đây, chủ yếu là do vấn đề Iran.
Đại sứ Mỹ William Burns đánh giá: "Mỹ và Nga từng là đối thủ hạt nhân của nhau. Hôm nay, chúng ta trở thành đối tác hạt nhân với những năng lực và trách nhiệm đặc biệt trong việc lãnh đạo vấn đề hạt nhân toàn cầu".
Tuy nhiên, ngay lập tức Quốc hội Mỹ có ý kiến phản đối hiệp ước. Hai thượng nghị sĩ tuyên bố họ sẽ chống lại văn bản này vì nó có thể làm tổn hại nỗ lực ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Họ cho rằng, việc Nga xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy điện của Iran và phản đối lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc nhằm vào Tehran khiến hiệp ước trở nên đáng ngờ.
Hiệp ước hạt nhân sẽ tạo điều kiện cho Mỹ được tiếp cận với công nghệ hạt nhân dân sự rất phát triển của Nga. Điều này có ý nghĩa quan trọng với Washington, do chương trình hạt nhân dân sự của họ bị đình trệ sau tai nạn năm 1979 tại nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island của Mỹ và vụ nổ hạt nhân ở nhà máy Chernobyl Liên Xô năm 1986.
Đổi lại, thỏa thuận sẽ giúp Nga thực thi nỗ lực thiết lập một tổ hợp cất trữ nhiên liệu hạt nhân quốc tế để sinh lợi, bằng cách nhập khẩu và lưu trữ những nguồn nhiên liệu đã qua sử dụng. Matxcơva sẽ không thể thực hiện được kế hoạch này nếu thiếu một hiệp ước với Mỹ, nước đang kiểm soát một lượng lớn nhiên liệu hạt nhân của thế giới.
Tuy nhiên kế hoạch cất trữ nhiên liệu nói trên đã khiến các nhà môi trường và người dân Nga kịch liệt phản đối, do lo ngại nước Nga trở thành bãi rác hạt nhân của thế giới. Nhưng Matxcơva khẳng định họ sẽ tìm cách vượt qua quan điểm này để thực hiện dự án đã ấp ủ từ lâu.
Việc ký kết hiệp ước hạt nhân dân sự giữa hai nhà khổng lồ của thế giới được xúc tiến, kể từ khi tổng thống mãn nhiệm của Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ George Bush cam kết gia tăng hợp tác trong lĩnh vực này tại Hội nghị thượng đỉnh G8, diễn ra ở St. Petersburg năm 2006.
Đình Chính (theo AP, Reuters)