Nhận định này được nhà đàm phán hàng đầu về kiểm soát vũ khí của Mỹ, ông John Rood, đưa ra hôm qua.
"Tôi cho là người Nga có ý định thử thách lòng can đảm của chính quyền mới và tân tổng thống", Rood, Thứ trưởng ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế của Mỹ, nói.
"Thời gian sẽ cho thấy chính quyền mới chọn cách đáp lời như thế nào trước thách thức đó", Rood nói với các phóng viên sau khi trở về từ cuộc hội đàm ở Matxcơva về vấn đề lá chắn tên lửa và kiểm soát vũ khí.
Tên lửa đánh chặn của Mỹ vút lên không trong cuộc bắn thử ở California ngày 5/12. Ảnh: AP. |
Tổng thống đắc cử Mỹ Obama chưa từng cam kết sẽ theo đuổi kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) ở Đông Âu, bởi còn hoài nghi về tính khả thi của công nghệ.
Theo kế hoạch mà Tổng thống Bush chủ trương, Mỹ sẽ triển khai các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan, nối với hệ thống radar ở Cộng hòa Czech. Washington cho hay kế hoạch này nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công từ các nước như Iran. Tuy nhiên Matxcơva cho rằng lá chắn của Mỹ gây nguy hại đến an ninh của Nga.
Hồi tháng 11 Rood cho biết Mỹ đã đưa ra một số đề xuất với Nga, theo đó các sĩ quan liên lạc của Nga có thể tới thị sát hiện trường tên lửa của Mỹ. Matxcơva đã tỏ "chút ít quan tâm" đến ý kiến này.
Tuy nhiên, thứ trưởng Mỹ hôm qua nhận định rằng người Nga "đã dừng lại - tôi nghĩ là do cuộc bầu cử chính quyền mới ở Mỹ, và họ đang xem xét một cách thận trọng về quan điểm trong thời kỳ mới".
Phía Nga vẫn muốn đàm phán, nhưng "theo một cách nào đó, quan điểm của họ đã kém linh hoạt hơn trước kia, và tôi nghĩ điều này dẫn đến kết luận là họ muốn dò xét thái độ của chính quyền mới (ở Mỹ)", Rood nhận định.
Thứ trưởng nói thêm rằng Nga còn muốn thử phản ứng của chính quyền Obama trong nhiều vấn đề khác ngoài lá chắn tên lửa, nhưng ông không nói rõ đó là vấn đề gì.
Mai Trang (theo AP)