Mỹ thử nghiệm tên lửa đánh chặn. Ảnh: AFP. |
"Với việc đồng ý cho đặt lá chắn tên lửa, Ba Lan đang tự biến họ thành mục tiêu. Điều này là chắc chắn 100%. Hệ thống đó sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công", hãng thông tấn Nga Interfax dẫn lời đại tướng Nogovitsyn nhấn mạnh.
Đây là lời đe dọa mạnh mẽ nhất của Nga từ trước đến nay về kế hoạch đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại hai nước Đông Âu là Ba Lan và Czech, những quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng của Liên Xô trước đây. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì cho rằng, thỏa thuận triển khai hệ thống chống tên lửa nói trên là nhằm chống lại nước Nga.
Phó tổng tham mưu trưởng Nogovitsyn nói thêm rằng, học thuyết quân sự do Nga đưa ra năm 2000 cho phép họ sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đồng minh của những quốc gia có loại vũ khí hủy diệt này. "Học thuyết đó viết rất rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ dùng vũ khí hạt nhân để chống lại những nước có loại vũ khí đó cùng đồng minh của họ, nếu họ giúp đỡ nhau", tướng Nogovitsyn nói.
Hôm 14/8 vừa qua, Ba Lan và Mỹ ký thỏa thuận cho phép Washington đặt 10 quả tên lửa đánh chặn tại một căn cứ quân sự cũ ở bờ biển Baltic của Ba Lan. Trước đó vào tháng 7, Mỹ cũng đạt thỏa thuận với Czech về việc xây dựng một trạm radar phục vụ cho hệ thống lá chắn tên lửa tại nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski tuyên bố nước này sẽ cho phép các thanh sát viên Nga vào làm việc, bởi họ muốn chứng tỏ với Matxcơva rằng căn cứ đó không nhằm vào Nga. Còn Washington luôn khẳng định hệ thống phòng thủ chỉ để bảo vệ Mỹ và châu Âu khỏi nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa từ một số quốc gia như Iran.
Tuy nhiên Nga luôn phản đối gay gắt kế hoạch trên và coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Matxcơva từng cho rằng hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ sẽ làm mất cân bằng về quân sự ở châu Âu. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã hủy chuyến thăm tới Ba Lan, ngay sau khi thỏa thuận tên lửa nói trên được công bố.
Bên cạnh đó, thỏa thuận mới giữa Washington và Warsaw sẽ càng đốt nóng căng thẳng song phương Mỹ - Nga, vốn đang rất quyết liệt vì cuộc chiến ở Gruzia.
Ngọc Sơn (theo AP, Reuters)