"Theo chương trình vũ khí nhà nước, các đơn vị quân đội hiện đại và khí tài đặc biệt không thua kém nước ngoài hoặc thậm chí vượt trội sẽ được biên chế trong giai đoạn 2020-2027. Tổ hợp hàng không tương lai cho không quân tầm xa (PAK-DA), tàu ngầm tên lửa chiến lược Borei-A cùng các hệ thống tên lửa chiến lược cố định và di động sẽ được biên chế vào lực lượng hạt nhân chiến lược", Thứ trưởng Quốc phòng Nga Aleksey Krivoruchko nói trong cuộc phỏng vấn ngày 18/12.
PAK-DA là dự án oanh tạc cơ tàng hình do tập đoàn Tupolev phát triển từ năm 2009, nhằm chế tạo mẫu máy bay thay thế cho oanh tạc cơ Tu-95 trong không quân Nga, cũng như đảm nhận một phần nhiệm vụ của Tu-160 và Tu-22M3.
Thiết kế sơ bộ của PAK-DA được thông qua hồi tháng 2, thông số kỹ thuật của oanh tạc cơ được thông qua vào tháng 8 và dự án bước sang giai đoạn thiết kế chuẩn bị. Bộ Quốc phòng Nga từng thông báo oanh tạc cơ PAK-DA dự kiến bay thử năm 2025-2026 và được sản xuất hàng loạt từ năm 2028.
Oanh tạc cơ PAK-DA có nhiều thay đổi đáng kể so với Tu-160, nổi bật là thiết kế cánh bay (flying wing) để tăng khả năng tàng hình và đạt tốc độ cận âm, có khả năng bay 30 tiếng liên tục.
PAK-DA có tầm bay khoảng 15.000 km, mang theo các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa diệt hạm, vũ khí siêu vượt âm, bom thông minh và vũ khí phòng không. Tạp chí National Interest của Mỹ đánh giá PAK-DA "là mẫu oanh tạc cơ thế hệ mới nguy hiểm nhất của không quân Nga".
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik, Zvezda)