Một nhóm hải tặc tấn công tàu viễn dương ở Somali. Ảnh: AP. |
Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp của các bộ trưởng các nước thuộc liên minh hôm qua. Phát ngôn viên của NATO James Appathurai cho biết lực lượng đặc nhiệm nói trên sẽ có mặt ở vùng biển Somali trong vòng vài tuần tới. "Họ sẽ dùng tới vũ lực (chống lại cướp biển) nếu cần thiết", ông nói.
Appathurai nhận định hải tặc không có đủ sức mạnh để chống lại tàu chiến của NATO. "Nếu là cướp biển, tôi sẽ không mạo hiểm giao tranh với khu trục hạm của NATO", ông nói.
Ngoài nhiệm vụ chống hải tặc, lực lượng đặc nhiệm nói trên sẽ hộ tống tàu chở hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc tới Somali. Quốc gia châu Phi này có khoảng một nửa dân số đang thiếu thực phẩm.
Căng thẳng tại vùng biển Somali ngày càng tăng, nhất là sau khi tàu chở xe tăng của Ukraina bị cướp hai tuần trước. Hải tặc đòi 22 triệu USD tiền chuộc để thả con tàu và thủy thủ đoàn. Liên Hợp Quốc tuần này đã ra một nghị quyết, cho phép sử dụng vũ lực chống cướp biển.
Trong một diễn biến khác, tàu chở hóa chất của Nhật, bị bắt hồi tháng 8, đã được trả tự do hôm qua. Có thông tin cho rằng số tiền chuộc con tàu này lên tới 1,6 triệu USD.
Somali không có một chính phủ hoạt động hiệu quả trong vòng 17 năm nay, dẫn tới luật pháp không được đảm bảo ở đất liền cũng như ngoài khơi. Mỹ có một đơn vị chống khủng bố ở nước láng giềng Djibouti và thường mở các cuộc không kích chiến binh Hồi giáo Somali vì cho rằng họ hỗ trợ mạng Al-Qaeda.
Hải Ninh (theo BBC)