Ông Khánh, chủ hộ 203B kể, ông và em gái ngụ hộ 101 cùng chung cư, được duyệt mua nhà 61 và nhận giấy chủ quyền nhà cách nhau 6 tháng. Thế nhưng người anh được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) còn cô em lại có sổ hồng, tức giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.
"Như vậy là thế nào, liệu quyền lợi có khác nhau không? Tại sao cùng một chung cư mà lại có sự khác biệt về giấy tờ nhà đất như vậy", ông Khánh trở nên hoang mang.
Cũng với tâm trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, đang sở hữu giấy hồng của căn hộ 204B cho biết: "Tôi làm sổ mất đứt một năm, đã 10 lần chạy đi chạy lại bổ sung hồ sơ. Khi nhìn sang hàng xóm, lại thấy giấy đỏ khác mình. Thật khó hiểu".
Mỗi lần làm giấy tờ nhà đất là một lần khó khăn, mất thời gian và tiền bạc. Bà Hồng lo sắp tới lại điều chỉnh thống nhất một loại giấy tờ nhà đất, phải đổi sổ nữa.
Ông Trịnh Tân (80 tuổi) ngụ ở hộ 301B chìa sổ đỏ của mình ra nói với VnExpress: "Tôi không cần biết sự khác nhau của giấy tờ nhà đất, miễn là Nhà nước đã xác nhận tài sản và quyền của người dân thì mọi thứ đều phải có giá trị".
Người dân sốt ruột chờ công chứng giấy tờ nhà đất. Ảnh: Vũ Lê. |
Ngoài hai loại chủ quyền đỏ và hồng, nhiều chung cư thuộc diện nhà sở hữu nhà nước còn có thêm hợp đồng thuê lại căn hộ theo giá ưu đãi có màu xanh (người dân thường gọi là giấy xanh). Với hợp đồng này, về sau, người thuê có thể được xét hóa giá nhà theo Nghị định 61 nếu đủ điều kiện.
Từ năm 1993 đến nay, TP HCM hết thay giấy đỏ lại đến giấy hồng, theo từng Nghị định 60, 181, 95 và 90. Có nơi vẫn tồn tại loại giấy chủ quyền trắng cho bất động sản như: quyết định cấp đất, cấp nhà, văn tự đoạn mãi, bằng khoán điền thổ từ thời Pháp...
Trao đổi với VnExpress, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Đỗ Phi Hùng cho biết: "Sổ đỏ hay sổ hồng đều không có sự khác biệt về quyền lợi đối với chủ sở hữu".
Ông Hùng giải thích, giấy đỏ theo mẫu mới, gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng bên trong có mục xác nhận tài sản gắn liền với đất, vẫn có sơ đồ nhà và được Bộ Tài nguyên môi trường công nhận tài sản này.
Còn sổ hồng có tên đầy đủ là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, theo ông Hùng, đã xác nhận cụ thể hai loại quyền trên bìa sổ.
Nguyên nhân của sự khác biệt này, theo Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM là do sự khác biệt về đối tượng quản lý của luật Đất đai hay luật Nhà ở. Quản lý theo đất sẽ cấp sổ đỏ; theo nhà được cấp sổ hồng. Vì sổ hồng ra đời sau nên tùy vào thời điểm nộp hồ sơ mà người dân sẽ nhận được một trong hai loại giấy xác nhận chủ quyền khác nhau.
Sở Xây dựng khẳng định, sự khác nhau về hình thức hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. "Ai đã có sổ đỏ hay hồng thì cứ yên tâm giữ sổ vì nhà và đất đều được xác nhận đầy đủ", ông Hùng nói.
Ngày 7/3, trong buổi lấy ý kiến các tỉnh thành phía Nam tại TP HCM để sửa đổi, bổ sung luật Đất đai do Bộ Tài nguyên môi trường tổ chức, nhiều địa phương cũng bức xúc là giấy tờ nhà đất còn quá lộn xộn.
Hầu hết lãnh đạo hai sở Xây dựng và Tài nguyên môi trường các tỉnh thành phía Nam đều đề xuất phải thống nhất một loại giấy tờ nhà đất để tránh lãng phí và tạo sự đơn giản trong thủ tục hành chính.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho biết, sau khi tập hợp ý kiến của nhiều địa phương, Bộ sẽ chuyển những đề xuất lên Chính phủ xem xét và sớm có phản hồi.
Để giảm các thủ tục phiền hà không cần thiết, Bộ Tài nguyên Môi trường dự định đến ngày 1/5 sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ về việc thống nhất sổ hồng và sổ đỏ.
Vũ Lê