Bà Tôn, 41 tuổi, nghỉ làm việc ở nhà chăm sóc con gái từ khi cô bé chào đời. Tháng 9 năm ngoái, sau khi con vào học trường cấp ba nội trú, cuộc sống của người mẹ bỗng nhiên được "giải phóng".
"Tôi không cần phải đau đầu nghĩ sáng ăn gì, tối ăn gì cho đủ dinh dưỡng. Không cần bận rộn đưa đón con đi học. Không cần ngồi học cùng con mỗi tối. Đi mua sắm từ sáng đến tối cũng được. Tụ tập bạn bè nửa đêm về cũng không sao", bà Tôn kể hôm 11/11.
Bà bắt đầu mua sắm nhiều hơn. Tháng đầu tiên sau khi con gái vào học nội trú, bà tiêu 40.000 NDT (6.300 USD), tháng thứ hai nhiều hơn và cứ thế, có tháng lên tới 150.000 - 200.000 NDT (31.200 USD). Trước đó, mỗi tháng bà chỉ tiêu 10.000 NDT (1.500 USD).
Bà mua nhiều nhất là mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng hàng ngày. Cứ mỗi lần dừng trước quầy bán son là lại mua thêm vài thỏi. Có lần bà mua 100 bao gạo, mỗi bao nặng 10 kg. Bà muốn giấu chồng con nên đã cất chúng trong ba căn hộ mà gia đình để trống.
"Tôi biết mình đang ở trong tình trạng tồi tệ nhưng không kiểm soát nổi bản thân", bà nói, cho hay ngày nào cũng thấy lo lắng và trống rỗng. "Mỗi khi lo lắng, tôi chỉ còn cách đi mua sắm. Lúc mua tôi thấy vô cùng dễ chịu nhưng sau đó lại hối hận vì mua quá nhiều".
Tính tình bà cũng thay đổi, từ một người dịu dàng thành một người hay gắt gỏng, từ một người chăm chỉ sạch sẽ thành một người lười biếng. Chồng và con gái đưa bà Tôn tới khám ở khoa tâm thần, bệnh viện số một thành phố Ninh Ba.
Bác sĩ Hầu Ngôn Bân, phó khoa tâm thần, kết luận bà bị trầm cảm, nghiện mua sắm. Ông kê thuốc uống, đề nghị người nhà phối hợp điều trị, đồng thời yêu cầu bà Tôn giảm dần chi tiêu, ghi chép lịch sử mua bán, tìm hiểu các thú vui khác như thể dục thể thao. Bác sĩ cũng khuyên chồng bà Tôn quan tâm vợ hơn, tăng cường chuyện trò với vợ, khẳng định giá trị của vợ, biết ơn bà vì ở nhà chăm sóc gia đình.
Sau vài tháng điều trị, bà Tôn cho hay đã cai được bệnh nghiện mua sắm, mỗi tháng chỉ tiêu khoảng 20.000 NDT (3.100 USD). Bà cũng học bơi thành công, thậm chí còn đi học nhiếp ảnh cùng bạn.
Hồng Hạnh (Theo CNHB)