"Chưa bao giờ nhà này bị ngập sâu như vậy. Những lần mưa to nhất trước đây cũng chỉ tràn vào một chút, tát ra là hết thôi. Còn lần này, cứ tát ra nước lại chảy vào, công cốc. Tôi đã phải nghỉ việc hôm nay để "cứu lụt" rồi, giờ đang phải tính sơ tán cả nhà sang hàng xóm đây", chị Thùy nói.
Lội nước mua đồ ăn trên phố Xuân Thủy trưa nay. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khá nhiều nhà trong dãy phố của chị ở gần chợ Hà Đông bị nước tràn vào như vậy. Những nhà vốn có nền trũng như nhà chị Thùy lại càng bị nặng nề hơn.
Ở phố chợ Khâm Thiên, cả nhà chị Loan bị đánh thức từ sáng sớm vì nước đã vào đến chiếc giường ở tầng một. Mọi người toán loạn chuyển đồ lên gác xép tầng hai, nhưng một số đồ đã kịp dầm trong nước khá lâu.
"Lo nhất là nước mưa ở khu vực này mang theo cả nước cống rãnh bẩn và rác rưởi, mùi hôi thối khó chịu lắm. Mai nước rút tha hồ mà lau dọn đây", chị Loan, một cư dân lâu năm ở đây, cho biết.
Mưa to gây ngập không phải là chuyện hiếm ở đây, bởi địa hình nhiều ngõ nhỏ, rãnh hẹp, thoát nước lâu, và đa số các nhà đã phải xây thêm vài hàng gạch chắn ở cửa, đề phòng nước vào nhà. Nhưng trận mưa lớn này khiến cho các hàng gạch cũng vô ích.
Xoan, sinh viên đang trọ học tại khu Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, giếng nước ăn ở xóm trọ này (nhô lên mặt đất một đoạn khoảng 50 cm) sau trận mưa lớn đêm qua giờ đã ngập hoàn toàn, nước vào đến ngang bàn học. Mọi sinh hoạt của các cô sinh viên ở đây giờ diễn ra trên giường. Cả khu phải phân công hai người "băng lũ" đi chợ cho bữa tối. "Chưa bao giờ cái giếng này bị ngập cả, bây giờ chúng tôi phải lấy cả nước trong chai lọ, trong bình ra để rửa rau. Không biết đến mai thì sao đây", Xoan băn khoăn.
Xa hơn một chút, tại ngõ 15 ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, cái chợ cóc lớn nhất tại đây đã đóng cửa vì nó nằm ở chỗ trũng nhất trong khu, khiến nhiều người không biết phải đi mua đồ ở đâu. "Tôi đi bộ chục phút ra đến nơi đành phải lộn đi tìm chợ khác, không thì phải ăn tối với mỳ tôm thôi", Tuân, một lập trình viên đang thuê nhà ở khu này cho biết.
Còn trong ngõ ở đường Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm, Hà Nội, nhà của chị Khuyên đã bị ngập ngang hông, đồ đạc nổi lềnh phềnh từ sáng đến giờ, dọn mãi chưa hết. "Cậu em trai vừa gọi điện báo chị không về được đâu, xe máy ngập hết bánh rồi. Tôi đang tính khéo phải ngủ lại cơ quan đêm nay", chị Khuyên ngao ngán.
Các nhân viên tại một công ty vận tải ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội làm việc trong nước. Ảnh: Hoàng Hà. |
Mưa lớn không chỉ ảnh hưởng đến những khu nhà trọ, các khu nhà thấp vốn có nền không cao lắm, mà ở nhiều nơi, ngay cả nhà nền cao cũng không thoát. Căn nhà 4 tầng cao ráo của chị Như, ở Dịch Vọng Hậu từ sáng nay đã phải sơ tán trẻ con lên tầng hai, vì nước đã tràn vào tầng một. "Lo nhất là bể nước ngầm đã bị lọt nước bẩn, mà nước từ đây lại bơm lên bể trên cao. Chưa biết sẽ xử lý sao đây", chị Như lo lắng kể.
Tại chung cư Mỹ Đình, nước ngập hầu hết các con đường liên khu khiến cho nhiều xe cộ chết máy. Gọi taxi cũng không vào được khiến nhiều người buộc phải nghỉ ở nhà. "Hôm nay đi chợ được cũng là một kỳ tích đấy", anh Phương, một bác sĩ "tự hào" khoe túi đồ ăn mà anh đã phải lội bộ suốt gần nửa tiếng mới mang về nhà được.
Nhiều công sở cũng không thoát khỏi tình trạng ngập trong nước lớn. Tại một công ty vận tải ở đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, các nhân viên văn phòng phải leo lên ghế để làm việc, trong khi đa số các máy tính đã bị rút dây mạng vì sợ ngập nước. Không ít người chọn cách lội bộ đến cơ quan để tránh cảnh tắc đường nhìn thấy trước. "Lội bộ đến cơ quan mất nửa tiếng đấy, nhưng còn hơn là phải ngâm xe máy trong nước đến cả tiếng", Liên, một biên tập viên báo chí ở khu Kim Mã, Hà Nội", nói.
Đến 5h chiều 31/10, mưa đã ngớt ở một số nơi, nhưng mây vẫn đen kịt và sũng nước. Trời chiều nhưng đã tối rất sớm. Nhiều người "dũng cảm" ra khỏi cơ quan để trở về nhà, dù biết rằng nhiều nơi vẫn đang ngập nặng. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mưa ở khu vực Hà Nội sẽ còn kéo dài đến hết ngày 1/11.
Thuận An