
Những cậu bé tham gia thủ thuật cắt bao quy đầu tại một trung tâm y tế ở Manila ngày 10/5. Ảnh: AFP.
Tháng 4 và tháng 5 hàng năm được xem như "mùa cắt bao quy đầu" cho các bé trai ở Philippines. Các phụ huynh có mặt từ sáng sớm tại các phòng khám và phải chờ đợi rất lâu để con trai họ được tiến hành thủ thuật cắt bao quy đầu. Giá cho một ca phẫu thuật dao động từ 40 USD đến 240 USD tại các bệnh viện ở Philippines, tương đương với một tháng lương công nhân ở Manila.
Một loạt bé trai nằm trên những chiếc bàn phủ giấy báo hét lên đau đớn hoặc nghiến răng là hình ảnh thường thấy trong "mùa cắt bao quy đầu" ở Philippines. Nhiều cậu bé được gây tê cục bộ nhưng cảm giác đau vẫn rất dữ dội. Ngay sau khi phẫu thuật, các cậu bé được cấp thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng.
"Cháu đã hét lên trong suốt lúc phẫu thuật vì rất đau", Vladimir Vincent Arbon, 11 tuổi, nói sau 20 phút phẫu thuật. "Mẹ nói với cháu rằng phải cắt bao quy đầu để cháu có thể cao hơn và trở thành một người đàn ông thực thụ".
Arbon chỉ là một trong số 1.500 cậu bé đã phẫu thuật cắt bao quy đầu ở một thành phố gần Manila, nhưng nhiều trường hợp tương tự diễn ra khắp cả nước. Ông Joana Nobleza, bố cậu bé, cũng đồng tình rằng cắt bao quy đầu là việc cần thiết đối với con trai.
"Trải qua sự kiện cắt bao quy đầu tức là cháu trở thành một thiếu niên đầy bản lĩnh. Bây giờ cháu sẽ trưởng thành hơn và có ích với gia đình", Erwin Cyrus Elecanal, 12 tuổi, nói sau ca phẫu thuật.
Nhà nhân chủng học Castro cho biết việc cắt bao quy đầu có từ hàng thế kỷ nay ở Philippines và có một giá trị đặc biệt trong văn hóa nước này. "Một chàng trai đã cắt bao quy đầu sẽ không còn bị đối xử như một cậu bé, cậu được công nhận về vai trò trưởng thành trong gia đình và xã hội", ông nói. Castro còn cho biết nghi thức này thường diễn ra tập thể ở Philippines, với các nhóm bé trai đồng lứa tuổi thường tiến hành cắt bao quy đầu cùng một thời điểm.
Philippines cũng là quốc gia có tỷ lệ cắt bao quy đầu ở nam giới cao nhất thế giới. Mỗi năm, hàng nghìn thiếu niên từ các gia đình nghèo được phẫu thuật miễn phí tại các phòng khám do chính phủ hoặc các tổ chức cộng đồng tài trợ. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 90% nam giới Philippines bị cắt bao quy đầu vì những lý do phi tôn giáo.
Ở các thị trấn trên khắp Philippines, các nhân viên y tế tận dụng các trung tâm khám chữa bệnh, thậm chí là lớp học hay khu liên hợp thể thao thành các phòng phẫu thuật tạm thời, nơi chờ các cậu bé lấy số và chờ tới lượt cắt bao quy đầu.
Các trẻ em nam Philippines bị cho là phải chịu áp lực rất lớn với việc cắt bao quy đầu. Áp lực lên vấn đề này thậm chí thể hiện ở từ "supot" trong tiếng Tagalog, tiếng mẹ đẻ của một phần tư dân số Philippines để gọi những người không cắt bao quy đầu. "Thuật ngữ 'supot' dùng để chỉ kẻ khác người và hèn nhát, thiếu can đảm khi đối diện với nỗi đau và sự lo lắng", giáo sư Romeo Lee của Đại học De La Salle nói.
Theo thống kê, cắt bao quy đầu có xu hướng phổ biến hơn ở các quốc gia có nhiều người Do Thái hoặc theo đạo Hồi, nhưng ngày càng có nhiều phong trào phản đối cắt bao quy đầu ở trẻ em và giới chuyên gia cho rằng việc này không thực sự cần thiết về mặt y tế, dù WHO có bằng chứng cho thấy việc cắt bao quy đầu đúng quy trình an toàn giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV lây qua đường tình dục khác giới.
Một số người cho rằng việc này vi phạm quyền trẻ em, bởi phần lớn các cuộc phẫu thuật được tiến hành khi các em còn quá nhỏ, chưa đủ nhận thức để quyết định vấn đề.
"Tôi cho rằng những thanh niên 18, 19 tuổi sẽ có khả năng tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra quyết định. Nhưng rõ ràng một đứa trẻ 8-10 tuổi không thể làm điều đó. Về cơ bản, đó là bắt nạt trẻ em", John Geisheker, người phát ngôn của một nhóm bác sĩ phản đối cắt bao quy đầu, nói.
Mai Lâm (Theo AFP)