Tại Hội thảo đánh giá quản lý chất lượng mũ bảo hiểm sáng nay, đại diện Sở KH&CN nhiều tỉnh thành lo lắng khi mũ bảo hiểm cách tân xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.
Ông Nguyễn Minh Thế, Chánh Thanh tra Sở KH&CN tỉnh Cần Thơ cho biết, mũ bảo hiểm tại Cần Thơ chủ yếu được nhập từ TP HCM và Trung Quốc. Người tiêu dùng không quan tâm đến chất lượng mũ bảo hiểm mà quan tâm nhiều đến giá cả, kiểu dáng, đặc biệt loại mũ "rìa" cứng. Bộ KH&CN cần có sự chỉ đạo sâu sát đối với loại mũ này.
Phần "loe" của mũ bảo hiểm cách tân sẽ gây ảnh hưởng đến người sử dụng khi xảy ra tai nạn. Ảnh: Thiên Chương |
Ông Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&CN thừa nhận, mũ bảo hiểm cách tân đang là vấn đề khiến các nhà quản lý đau đầu. Trên thế giới, chưa xuất hiện nhiều loại mũ bảo hiểm cách tân như Việt Nam. "Mũ có đai vải thì không nguy hiểm, nhưng mũ có vành cứng, nếu tai nạn hậu quả sẽ nghiêm trọng", ông Thắng cảnh báo.
Tuy nhiên, Bộ KH&CN chưa xác định được có bao nhiêu cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm vành cứng. "Muốn kiểm tra và đưa ra những kết luận, cần có bộ phận nghiên cứu xem tư thế ngã, vành cứng đó ảnh hưởng ra sao", một cán bộ Bộ KH&CN nói.
Theo ông Ngô Quý Việt, Tổng cục trưởng tiêu chuẩn đo lường chất lượng, qua khảo sát 136 mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM có 85 mẫu không đạt chất lượng (55% mẫu kiểm tra).
Thanh tra Sở KH&CN 64 tỉnh thành cũng tiến hành thanh tra gần 2.000 cơ sở. Trong số này có 905 cơ sở (52 %) vi phạm về nhãn mác hàng hóa, sở hữu công nghiệp (mũ giả nhãn hiệu)...
Tuy nhiên, ông Huỳnh Ngọc Trân, Chánh thanh tra Sở KH&CN Long An băn khoăn khi cùng một mẫu mũ, nhưng kiểm tra ở mỗi trung tâm lại cho ra kết quả khác nhau. Do đó, thanh tra gặp khó khăn khi xử lý.
"Thời gian tới, ngoài đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, các Trung tâm tiêu chuẩn đo lường kỹ thuật 1 (Hà Nội), 2 (Đà Nẵng), 3 (TP HCM) cần thống nhất các bước kiểm tra để có kết quả đồng nhất", Thứ trưởng Thắng nói.
Tuấn Anh