Khác với dự án hai nhà máy cán thép nóng Cái Lân và nhà máy phát điện diesel của Vinashin tại Quảng Ninh xây dựng xong là để bỏ hoang, gây lãng phí 2.900 tỷ đồng và 36 triệu USD, nhà máy đóng tàu Hạ Long, tại khu vực liền kề lại sử dụng nguồn vốn (cả đi vay) đầu tư vào mở rộng cơ sở sản xuất, đóng mới và làm chủ kỹ thuật con tàu cỡ lớn, chuyên dùng các loại.
Cho dù cũng đang buộc phải tạm thời cắt giảm hàng trăm lao động, đây vẫn còn là một thương hiệu tử tế nhất của ngành công nghiệp tàu biển Việt Nam. Nếu “con tàu” Hạ Long sống được, có lẽ sẽ là tia hy vọng cho những nhà máy, con tàu khác của Vinashin đang cơn tuyệt vọng chăng?
300 hoặc có thể hơn nữa
Cách cổng nhà máy đóng tàu không xa là một khu tập thể do người dân tự xây dựng cho phần lớn công nhân của nhà máy đóng tàu Hạ Long thuê ở, chúng tôi gặp Vũ Văn Hùng- công nhân bậc 3/6 thuộc PX vỏ 1 - một trong số 300 lao động tạm nghỉ chờ việc do nhà máy cắt giảm từ đầu tháng 10.
Vũ Văn Hùng cho biết: “Chúng em hỏi lãnh đạo PX bao giờ được đi làm trở lại thì chỉ nhận được cái lắc đầu và một lời khuyên: Lúc này hãy tự đi kiếm việc khác. Xưởng chỉ có trách nhiệm chấm, đưa vào diện chờ việc, nhưng sẽ không có bất kỳ sự hỗ trợ trong lúc nghỉ việc”.
Hùng cũng bảo, mình còn may mắn hơn nhiều công nhân khác là đã tìm được công việc làm tạm ở nhà máy bao bì Ánh Dương (Khu công nghiệp Cái Lân) liền kề gần đó với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, tạm đủ cho chi phí cơm bụi và tiền thuê nhà. Khi hỏi về mong muốn có tiếp tục làm việc ở nhà máy đóng tàu Hạ Long nữa không , Hùng đáp: “Em sẽ trở lại ngay vì đã có 6 năm gắn bó với nhà máy này cùng rất nhiều đồng nghiệp, dù lương có thấp hơn đôi chút cũng không sao”. Cũng dễ hiểu suy nghĩ của anh thợ trẻ tuổi, chưa lập gia đình, bởi 20 năm trước, cha đẻ của Hùng, ông Vũ Văn Dân đã từng làm việc tại đây.
Cạnh nơi ở của Hùng còn có 5 công nhân khác cùng chung nhà máy, nhưng họ lại chưa phải nghỉ việc. Vũ Văn Huynh, thợ điện thuộc PX điện tàu bảo, họ vẫn có việc làm bình thường. Huynh khoe mình vẫn lĩnh hơn 5 triệu đồng/ tháng vì công đoạn lắp đặt, đấu nối thiết bị điện trên các con tàu bao giờ cũng là công đoạn hoàn thiện sau cùng, nên trên 200 lao động ở PX này vẫn nhận “khoán sản phẩm” và vẫn còn việc để làm.
Nhưng nhìn trên triền đà, chỉ còn lại một con tàu 53.000 tấn và thêm 2 đến 3 con tàu loại nhỏ chờ hoàn thiện. Sau đó, chưa biết trông vào đâu. Huynh bảo: “Vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi”. Thực trạng khó khăn ở đơn vị đóng tàu Hạ Long là đang còn thiếu khoản nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội gần 29 tỷ đồng từ hơn 1 năm qua. Lương của cán bộ công nhân viên lao đông mới giải quyết đến hết tháng 8.
Một giải pháp cấp bách ưu tiên lúc này được ban lãnh đạo nhà máy đưa ra là bán đống sắt phế liệu tồn đọng để lấy số tiền 10 tỷ đồng, sớm giải quyết chế độ chính sách cho những lao động đến tuổi nghỉ hưu, ốm đau, thai sản... Sau con số 300 người tạm nghỉ việc hoặc có thể còn hơn nữa; nhưng không thể vì sự nghiệt ngã này, người ta buông xuôi tất cả.
Đặt cược bằng uy tín
Tàu chở 4.900 chiếc ôtô đóng tại Hạ Long được chủ tàu Israel đánh giá cao chất lượng và có thể sẽ tiếp tục đặt hàng thêm tại nhà máy.
Đi ngang qua các PX từ vỏ tàu đến những khu sản xuất ngoài trời, thấy lác đác một vài tốp thợ làm việc. Gần chục chiếc cần cẩu “khổng lồ” ngẩng đầu bất động. Tại đây, thời điểm năm 2007-2008, nhà máy có lúc trên 5.000 lao động hối hả làm việc. Đơn hàng đến tới tấp và lãnh đạo công ty đóng tàu Hạ Long nhiều lúc phải chối từ. Thời điểm đó, thị trường thế giới “nóng sốt” nên ngành vận tải đường biển phát triển mạnh, khiến các hãng tàu nước ngoài đua nhau đổ về Hạ Long đặt đóng tàu.
Nhiều chủ tàu tuyên bố: nếu nhà máy hoàn thiện xong trước 1 tháng trở lên, hãng sẵn sàng trọng thưởng. Dù vừa phải đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất gồm triền đà tàu 70.000 tấn; cẩu trục 400 tấn; nhà xưởng..., nhưng nhà máy vẫn hoàn thành nhiều loại tàu thương mại cỡ lớn như: Tàu chở khí hóa lỏng, tàu container, tàu chở gỗ, tàu chuyên dùng chở ôtô 4.900 chiếc/tàu và loạt tàu vận tải 9 chiếc 53.000 tấn cho khách nước ngoài... Bây giờ thì nhà máy này cũng đang lâm vào cảnh ảm đạm.
Nhiều đơn hàng do chủ tàu khó khăn quá đành hủy bỏ và nguy cơ có thể thêm hàng trăm lao động nữa phải tạm nghỉ chờ việc, nếu không có những hợp đồng đóng mới. Ông Lê Văn Hải - Phó tổng giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn Công ty đóng tàu Hạ Long lo lắng, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm và sang năm 2013, bắt buộc công ty phải thu hẹp sản xuất và dự kiến sẽ phải cắt giảm khoảng 900 lao động theo chế độ chờ việc.
Đây là điều mà ban lãnh đạo chúng tôi vô cùng day dứt. Bởi trong 36 năm qua, đã có gia đình 3-4 thế hệ nối tiếp cống hiến cho sự nghiệp nhà máy. Đáng lo hơn là 2 năm gần đây, một lượng lớn lao động kỹ thuật đã xin thuyên chuyển, một phần phải cho nghỉ chờ việc, số khác phải chấm dứt hợp đồng hoặc giải quyết nghỉ chế độ. Áp lực lớn nhất đối với lãnh đạo nhà máy lúc này là giảm thiểu tối đa tình trạng phải cho công nhân kỹ thuật có tay nghề nghỉ việc, vì so với những nhà máy đóng tàu khác của Vinashin thì không ở đâu có nền tảng vững chắc hơn ở đây.
Thực tế cho thấy: những con tàu do nhà máy đóng tàu Hạ Long thực hiện luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất bởi một đội ngũ thợ lành nghề đã có truyền thống đóng tàu gần 40 năm qua. Ngày 15/11, tại lễ bàn giao con tàu 53.000 tấn cho khách hàng Thái Lan, Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin Trương Văn Tuyến đã thốt lên rằng: “Bằng mọi giá phải giữ lại nhà máy đóng tàu Hạ Long. Bởi vì ngay cả giai đoạn khó khăn này, đây vẫn là địa chỉ uy tín nhất của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trong quan niệm của khách hàng quốc tế”.
Dù vẫn còn vướng bận những món nợ lớn trước đó do chiến lược đầu tư mở rộng, nhà máy đóng tàu Hạ Long vẫn đang vật lộn tìm mọi cách thoát nhanh khỏi những bế tắc do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu. 2 trong số đối tác của nhà máy gồm tập đoàn hàng hải của Hà Lan và Thái Lan vẫn đang chuẩn bị xúc tiến hợp tác đóng mới tàu hậu cần dầu khí, cứu nạn cứu hộ và thêm từ 1-2 tàu loại 53.000 tấn. Chủ lô tàu chuyên dùng chở ôtô là công ty Ray Shiping (Israel) cũng đang dự kiến đặt hàng đóng tiếp 2 con tàu nữa. Thực tế, nhà máy này đang đặt cược bằng uy tín của họ trước một nền tảng vừa đổ vỡ.
Theo Lao động