Theo Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đến thời điểm tháng 6, có 986 công ty đại chúng chưa niêm yết. Trong thời gian gần đây là số lượng hành vi vi phạm của các công ty đại chúng chưa niêm yết bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước xử lý ngày một nhiều.
Lý giải về điều này, bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết, gần đây, cơ quan này tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của công ty đại chúng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; qua đó tạo tính răn đe để các doanh nghiệp, cá nhân nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán. Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công ty đại chúng còn nhằm sớm phát hiện và khắc phục những hạn chế trong cơ chế quản lý, các quy định pháp luật.
Trên website của Ủy ban chứng khoán Nhà nước thời gian này, gần như ngày nào cũng có quyết định xử phạt đối với các hành vi vi phạm của công ty đại chúng. Trong đó, phổ biến nhất là các sai phạm liên quan đến nghĩa vụ công bố thông tin khi phát hành tăng vốn, giao dịch nội bộ. Gần đây, tại không ít công ty đại chúng rộ lên tình trạng cổ đông lớn, cổ đông nội bộ mua, bán “chui” cổ phiếu, gây bức xúc cho các cổ đông.
Mới đây nhất, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phạt cảnh cáo công ty cổ phần An Phú (TP HCM), một doanh nghiệp đã đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước ngày 7/8/2007, do công ty vi phạm Khoản 1 Điều 11 Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ. Công ty đã kết thúc đợt chào bán cổ phần riêng lẻ vào ngày 27/4, nhưng đến ngày 12/6 mới nộp báo cáo kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước , trong khi theo quy định thì trong vòng 10 ngày kể từ khi kết thúc đợt chào bán, công ty phải thực hiện nghĩa vụ này.
Theo quy định của Thông tư 52/2012/TT-BTC, công ty đại chúng phải công bố đầy đủ nội dung thông tin về báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trên trang thông tin điện tử của công ty và trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp tuy đã đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước cách đây nhiều năm, nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn không tìm thấy website của các doanh nghiệp này.
![]() |
Công ty đại chúng liên tục bị thanh tra. Ảnh minh họa. |
Cụ thể như Công ty cổ phần nông sản Tân Lâm (Quảng Trị) đã đăng ký là công ty đại chúng từ ngày 3/5/2007, Công ty cổ phần phát triển điện nông thôn tỉnh Trà Vinh cũng đã đăng ký là công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước ngày 6/6/2007, hay công ty cổ phần Thép Hương Thịnh (Bắc Giang), Công ty cổ phần đá Spilit (Thanh Hóa)… cũng đều là công ty đại chúng, nhưng hiện vẫn không có website để đáp ứng nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định. Điều này khiến cổ đông không khỏi bức xúc, bởi đồng vốn họ đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng không hề biết các doanh nghiệp đang làm gì với đồng vốn đó. Nếu Ủy ban chứng khoán Nhà nước không mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm này, thì không dễ khắc phục tình trạng cổ đông “mù” thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.
Bà Phương cho biết, hoạt động thanh tra công ty đại chúng đang và sẽ được Ủy ban chứng khoán Nhà nước tăng cường, trong đó sẽ tập trung chuẩn hóa các biện pháp thanh tra. Cụ thể, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương xây dựng để sớm ban hành Quy trình thanh tra, kiểm tra hoạt động của công ty đại chúng.
“Quy trình thanh tra này đang được Ủy ban chứng khoán Nhà nước thực hiện thí điểm tại một số doanh nghiệp, để có cơ sở thực tiễn phục vụ cho hoàn chỉnh quy trình. Theo kế hoạch, quy trình này sẽ được Ủy ban chứng khoán Nhà nước hoàn tất để báo cáo Bộ Tài chính trước khi ban hành và thực hiện trong quý IV”, bà Phương nói.
Trả lời thắc mắc của nhiều nhà đầu tư về quy trình thanh tra có tập trung kiểm tra, xử lý nhằm ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm có tính chất tái phạm của các công ty đại chúng như: không có website để công bố thông tin, không công bố thông tin khi phát hành tăng vốn, hay cổ đông lớn, cổ đông nội bộ thực hiện giao dịch cổ phiếu…, bà Phương cho hay, trong Quy trình thanh tra, cũng như thực tế thanh tra hiện tại, Ủy ban chứng khoán Nhà nước luôn tập trung kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin định kỳ, bất thường và theo yêu cầu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước ; kiểm tra việc lập và công bố thông tin trên website; việc bảo quản, lưu giữ thông tin đã báo cáo, công bố.
Quá trình thanh tra, kiểm tra còn tập trung làm rõ công ty đại chúng có chấp hành đầy đủ các quy định về thực hiện chào bán chứng khoán để tăng vốn, việc sử dụng vốn; làm rõ tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của các thành viên Hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát...
Ủy ban chứng khoán Nhà nước còn đi sâu thanh, kiểm tra việc xây dựng quy chế nội bộ về quản trị công ty; cung cấp thông tin cho cổ đông và ban kiểm soát; việc chấp hành các quy định về tổ chức họp, thông qua các quyết định của đạu hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
Hoạt động tranh, kiểm tra cũng tập trung làm rõ việc tuân thủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp; việc chấp hành các quy định về ngăn ngừa xung đột lợi ích và giao dịch với các bên có quyền lợi liên quan đến doanh nghiệp…
“Để đảm bảo hoạt động thanh tra đạt kết quả cao, trước khi tiến hành thanh tra, trên cơ sở nhiều nguồn thông tin thu thập được, Ủy ban chứng khoán Nhà nước tập trung đánh giá tình hình chấp hành các quy định pháp luật về chứng khoán tại công ty đại chúng. Đây là tiền đề quan trọng cho việc thanh, kiểm tra được tiến hành chính xác, khách quan, hiệu quả; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, cũng như thời gian thanh tra giữa các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra”, bà Phương cho hay.
(Theo Đầu tư chứng khoán)