Sáng 25/1, cháu Vy được đưa đi tiêm chủng tại trạm y tế xã Thượng Nhật. Khoảng 3 giờ sau, cháu bị tím tái, chân tay lạnh, gia đình đưa đến trạm y tế cấp cứu, sau đó được chuyển lên tuyến trên nhưng không qua khỏi. 34 trẻ dưới 1 tuổi khác cũng tiêm viêm gan B và DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) hôm đó đều bình thường.
Trong 2 loại văcxin được tiêm cho cháu Vy, liều DPT do Việt Nam sản xuất, còn liều viêm gan B là của Hàn Quốc, cùng một lô liên quan đến 2 ca tử vong năm 2007 tại Hà Tây và Hòa Bình. Tiến sĩ Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau sự cố tiêm chủng năm ngoái, Bộ đã thu hồi và tiêu hủy những lô văcxin liên quan tại các điểm tiêm. Những liều sử dụng sau đó có thể là hàng còn trong kho, sau đó được phép dùng lại vì không có chứng cứ văcxin là nguyên nhân gây tai biến.
Mặc dù sự việc xảy ra đã 5 ngày nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận sơ bộ nào về nguyên nhân. Đến trưa 30/1, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược cũng cho biết mới nghe tin qua báo chí và đang yêu cầu y tế địa phương báo cáo.
Mặc dù các chuyên gia vệ sinh dịch tễ khẳng định, tai biến nặng do tiêm chủng là rất hiếm nhưng trong 2 năm qua, tại Việt Nam liên tục xuất hiện các ca sốc nặng và tử vong sau khi dùng văcxin, gần đây nhất là một cháu bé ở quận Long Biên, Hà Nội, qua đời ngày 4/1. Các lô văcxin liên quan bị tạm đình chỉ, sau đó được Bộ Y tế cho phép dùng trở lại với lý do chất lượng vẫn đảm bảo, không phải là yếu tố gây tai biến.
Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa có công bố chính thức nào về nguyên nhân gây các ca tử vong trên. Trả lời phóng viên VnExpress sáng 30/1, Thứ trưởng Cao Minh Quang nói rằng có thể do cơ địa của trẻ. Về việc tại sao phần lớn các ca tử vong sau tiêm chủng được báo cáo trong thời gian qua đều liên quan đến văcxin viêm gan B, ông Quang cũng chưa giải thích được.
Hải Hà