Những đứa trẻ ở xã Ma Lé chủ yếu do chính bà nội đỡ tại nhà lúc chào đời. Ảnh: Quehuong.org.vn. |
Tất cả đều được dân làng cho là tại số trời.
Chiếc giường đẻ ở trạm y tế xã Ma Lé từ đầu năm đến nay mới chỉ được dùng 2 lần. Cả xã năm nay có hơn 80 phụ nữ mang thai nhưng không ai có ý định đẻ tại trạm. Khoảng cách từ nhà tới trạm xá khá xa không phải là lý do duy nhất người dân không đến mà tập tục là yếu tố tác động lớn nhất: Vì khi vào sinh tại trạm thì không được mang nhau thai về nhà mà theo phong tục của bà con, phải lấy nhau về chôn dưới gầm giường hay chỗ nào đó mới được.
"Chuyện buồn ở bản Ma Lé" kể trên là nội dung một đoạn phim ngắn được chiếu trong buổi lễ công bố tình trạng dân số thế giới năm 2008 của Quỹ dân số thế giới (UNFPA) diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Với chủ đề "Văn hóa, giới và quyền con người", báo cáo năm nay của Quỹ dân số thế giới kêu gọi tôn trọng quyền con người và không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tín ngưỡng.
Trong báo cáo cũng chỉ rõ, ở Việt Nam hiện nay, những tập tục lạc hậu hay những nếp nghĩ cũ tồn tại ở nhiều vùng dân tộc thiểu sổ, thậm chí cả ở các thành thị lớn, khiến cho sự bất bình đẳng giới cũng như tỷ lệ tử vong ở phụ nữ và trẻ em vẫn rất cao.
Theo thống kê, tại Việt Nam, mỗi ngày có 5-7 phụ nữ bị tử vong do thai sản và sinh nở, có không ít phụ nữ chưa một lần đi khám thai hoặc đến đẻ tại trạm y tế. Có những người vì quá nghèo, nhưng cũng có những người bị ảnh hưởng bởi những quan niệm, tập tục truyền thống lạc hậu...
Ngoài tập tục đẻ tại nhà, ở nhiều dân tộc hay các vùng nông thôn trong nước, còn có tục khác cũng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe phụ nữ và trẻ em như tảo hôn (nguyên nhân hàng đầu gây tai biến sản khoa và tử vong ở sản phụ) hay cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ...
Ông Ian Howie, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, cho rằng, một người phụ nữ khi sinh nếu được sự hỗ trợ của một bà đỡ có tay nghề thì sự sinh nở sẽ an toàn và tốt đẹp hơn nhiều. Những phụ nữ nghèo và những quốc gia nghèo không được chăm sóc y tế khi sinh thì nguy cơ tử vong hay mắc bệnh của sản phụ đương nhiên sẽ cao hơn. Tuy nhiên, để giảm điều này, bên cạnh việc nâng cao mức sống, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản thì cần đào tạo được những "bà đỡ" vừa có trình độ tay nghề cao vừa là người hiểu văn hóa và biết nói ngôn ngữ của các sản phụ ở địa phương đó.
Chẳng hạn như ở bản Ma Lé, thay vì cứ nhất định bắt phụ nữ phải đến trạm y tế xã đẻ thì có thể đào tạo một số bà đỡ là những người địa phương, biết tiếng Mông để họ tuyên truyền và giúp chị em "vượt cạn" an toàn.
Cũng theo ông Ian Howie, một tập quán văn hóa bắt rễ sâu vào nếp nghĩ của người Việt Nam mà đến nay còn tồn tại và cần thay đổi nhất chính là quan niệm trọng nam khinh nữ. Thực tế, ở các gia đình đều thích có con trai. Họ cho là có con trai mới bảo vệ danh dự cho gia đình, dòng họ và người nam đó sẽ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Chính nếp nghĩ này đã làm nảy sinh bao điều tiêu cực như việc lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gái, đối xử không công bằng giữa nam và nữ, mất cân bằng giới tính trong cán cân dân số...
Đại diện của Quỹ dân số thế giới cho rằng, muốn chấm dứt những tập tục này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải am hiểu được nguồn gốc nếp nghĩ, cách tư duy của một bộ phận dân cư và tìm được những giải pháp thay thế có ý nghĩa, kết hợp chặt chẽ với việc cùng chia sẻ và tìm hiểu suy nghĩ của cộng đồng.
Minh Thùy