Đắt giá nhưng tân binh Poulsen (phải) không được các tifosi đánh giá cao. Ảnh: Sport.it. |
Nhằm giúp Juventus cạnh tranh scudetto và tiến sâu tại Champions League, Secco đã đưa về một số tân binh trải đều trên cả ba tuyến. Ở hàng thủ, ông tậu Mellberg từ Aston Villa theo dạng miễn phí và mượn Knezevic từ Livorno. Ở tuyến giữa, Poulsen được đưa về từ Sevilla với giá 9,75 triệu euro. Riêng hàng công đã ngốn mất 22,6 triệu euro cho mình chân sút gốc Brazil, Amauri.
Tuy vậy, vẫn có ý kiến lo ngại rằng Secco đã "ném tiền qua cửa sổ" bởi với những món hàng kém chất lượng kể trên, rất khó để Juventus chơi tốt tại Champions League. Nhưng Secco kiên quyết phản bác những quan điểm ấy và thậm chí còn tự hào rằng "Lão bà" đang sở hữu dàn cầu thủ chất lượng bậc nhất châu Âu: "Đội ngũ hiện tại sẵn sàng cho các cuộc đua đường dài và chắc chắn không gặp bất kỳ vấn đề gì". Vị Tổng giám đốc này cũng lăng-xê tài phát hiện sao của ông: "Chúng tôi ưu tiên bổ sung người cho hàng thủ bởi HLV Ranieri thấy cần thiết và trên thực tế, tôi nghĩ Juventus đang có hàng thủ hay nhất. Đội bóng cũng rất cân bằng bởi với Amauri, Juve sẽ trình làng hàng công số một châu Âu".
Chưa rõ các tân binh mà Secco tuyển mộ hè này có tỏa sáng và đóng góp tích cực cho thành tích chung của Juventus như ông tuyên bố hay không? Tuy nhiên, theo đánh giá của tờ Gazzetta dello Sports, với những gì vị sếp chuyển nhượng này làm được ở mùa giải trước, các tifosi có cớ để lo ngại đội nhà lại mất oan tiền mà chẳng thu về được lợi lộc gì từ số cầu thủ do Secco tuyển mộ.
Secco một mực tin tưởng ở những tân binh mà ông đem về cho Juventus. Ảnh: AK. |
Trước khi scandal dàn xếp tỷ số nổ ra hè 2006, khiến Tổng giám đốc Luciano Moggi phải thoái vị và bị cấm hành nghề bóng đá vài năm, Juventus được xem là tấm gương điển hình cho mô hình quản lý nhân sự và tài chính trong hàng ngũ các đại gia ở châu Âu. Hầu hết các vụ chuyển nhượng dưới thời Moggi đều diễn ra theo hình thức mua rẻ bán đắt và đem lại lợi ích kinh tế cao.
Juventus, thông qua các chân rết của Moggi, phát hiện và tậu về các cầu thủ có tiềm năng và giá cả phải chăng, đào tạo thành những ngôi sao lớn, giúp CLB đạt thành tích lớn về thể thao trước khi đẩy đi để thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Vialli, Ravanelli, Vieri, Boksic, Jugovic... những năm cuối 1990 hay Inzaghi, Zidane.. đầu thế kỷ 21 là những ví dụ cụ thể nhất cho cách làm ăn chặt chẽ, nhưng đạt hiệu quả cao mà Moggi và bộ sậu của ông này đeo đuổi.
Alessio Secco từng có 6 năm làm việc cùng Moggi với tư cách trợ lý (2000-2006) và được cất nhắc thay "Bố già" này quản lý các hoạt động chuyển nhượng của Juventus sau biến cố Calciopoli. Nhưng dường như Secco lại không học được nhiều sự khôn ngoan từ bậc sư phụ. Điều tích cực duy nhất mà nhân vật này làm được 2 năm qua chỉ là việc giữ chân các trụ cột Buffon, Nedved, Del Piero, Trezeguet, Camonaresi ở lại với đội. Phần còn lại đều để lại dấu hỏi to đùng về năng lực thật sự của Secco.
Bất chấp điều tiếng về cung cách quản lý kiểu mafia, Moggi vẫn được xem là nhà quản lý thể thao có công lớn giúp Juventus khẳng định quyền lực trong giai đoạn 1994-2006. Ảnh: AK. |
Hè 2007, nhằm tăng cường sức mạnh cho Juventus vừa trở lại từ Serie B, Secco đưa về một loạt tân binh đắt giá là Andrade (9 triệu euro), Tiago (13 triệu), Almiron (9 triệu) và Iaquinta (11,3 triệu). Trừ Iaquinta ít nhiều có đóng góp tích cực, số còn lại đều trở thành vật cản của CLB. Andrade chấn thương đến giờ vẫn chưa thể thi đấu. Almiron xuống phong độ và vừa được đẩy sang Fiorentina, còn Tiago thì vừa gây sốc khi nhốt chủ tịch Gigli trong toilet để trả thù việc Juventus cố tình đẩy anh ra đường hè vừa qua.
Minh Kha