Ngày 16/9, TAND quận 5 (TP HCM) đã tổ chức buổi tọa đàm về “văn hóa pháp đình” với sự tham gia của các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và các chuyên gia pháp lý.
Theo kiểm sát viên Nguyễn Hồng Sơn (Trưởng phòng Kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm VKSND TP HCM), điều quan trọng nhất trong việc nâng cao văn hóa pháp đình vẫn là yếu tố con người. "Văn hóa làm sao được khi có hôm thẩm phán tối trước nhậu xỉn mà sáng hôm sau vẫn thăng đường. Ngồi ghế chủ tọa mà cứ khật khừ, người nồng mùi rượu, mắt lim dim mà tay lật hồ sơ lia lịa rồi thẩm vấn qua loa vài câu?", ông Sơn nêu.
Ngoài ra, vị công tố này còn cho rằng văn hóa pháp đình là thể hiện từ những điều nhỏ nhất nên các Tòa cần quan tâm đến trụ sở, phòng xử, bàn ghế, trang thiết bị khác… Phiên tòa không thể trang nghiêm nếu như micro lúc tậm tịt, lúc hú ầm ĩ.
![]() |
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm. Ảnh: Vũ Mai. |
Còn theo kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Văn Tùng (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) thì cần phải chú trọng đến vai trò của kiểm sát viên tại tòa. Theo ông, kiểm sát viên phải luôn có thái độ kiên quyết nhưng bình tĩnh, ngôn từ trong tranh luận nên chọn lọc kỹ. Ngoài ra, ứng xử có văn hóa ở pháp đình là đòi hỏi chung đối với tất cả mọi người như thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, luật sư và những người tham gia tố tụng khác.
“Khi đến phòng xử án, dù ở vai trò nào, mọi người đều phải có tư tưởng tôn trọng pháp luật. Chỉ có tinh thần thượng tôn pháp luật thì mọi người mới có thái độ ứng xử đúng đắn nhất”, vị này nêu.
Đồng thuận với ý kiến trên, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng văn hóa biểu hiện ở hành vi ứng xử nên phải tôn trọng nhau từ tận tâm con người với nhau. "Tại phiên tòa xét xử vụ án Epco - Minh Phụng, có kiểm sát viên khi tranh luận đã nói ‘luật sư dùng lối lập luận lập lờ đánh lận con đen để đưa HĐXX vào vùng tăm tối của tư tưởng…’. Ôi sao mà khủng khiếp quá!”, ông Tâm cảm thán.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng phải kiên quyết xử lý đối với tình trạng thành viên hội đồng xét xử vừa điều khiển phiên tòa vừa nghe điện thoại, nói chuyện riêng hay bày tỏ thái độ nóng nảy, chửi mắng bị cáo, đương sự khi thẩm vấn.
"Có phiên tòa chủ tọa đang thẩm vấn thì thẩm phán hoặc hội thẩm vô tư cúi xuống nghe điện thoại. Lại có vị chủ tọa quay sang hội đồng cười ngặt nghẽo khi bị cáo trả lời thẩm vấn một cách ngô nghê, có vị không tiếc lời quát luôn bị cáo là 'giọng điệu của kẻ lừa đảo'...", phóng viên một tờ báo tham gia tham luận.
![]() |
Người đàn ông này đã lăng mạ Tòa án, VKSND TP HCM suốt một giờ. Ảnh: Vũ Mai |
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu còn cho rằng ở một số tòa án hiện nay đã và đang xảy ra tình trạng thiếu văn hóa ứng xử nơi pháp đình. Người tham gia tố tụng hay tham dự phiên tòa coi thường sự tôn nghiêm của pháp luật nơi công đường, nhiều người còn có hành vi, lời nói lăng mạ cán bộ đang làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó cũng có một số người tiến hành tố tụng có thái độ không đúng mực, quan liêu, cửa quyền hoặc không tận tình giải quyết công việc người dân yêu cầu… Tình trạng này đã làm giảm đi lòng tin của người dân đối với nhà nước và pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng nên có lực lượng hỗ trợ tư pháp trong tất cả các phiên tòa chứ không riêng những phiên tòa hình sự. Hình ảnh hội đồng xét xử sau khi tuyên án bị chửi mắng, thậm chí đuổi đánh đến nỗi phải bỏ chạy đã xảy ra nhiều. Lực lượng tư pháp cần phải có mặt kịp thời, dự liệu để bảo vệ hội đồng xét xử trong những tình huống đó.
Vũ Mai