Theo ông Nghị, 170.000 dân liên quan tới dự án ven sông Hồng, nhưng không phải tất cả đều thuộc diện phải di dời. Do vậy, đơn vị thực hiện khảo sát phải làm rõ số lượng các hộ di dời, số hộ phải chỉnh trang, quỹ đất tái định cư...
Tại cuộc họp sáng nay, nhiều ý kiến cũng quan tâm tới vấn đề trị thủy, bởi sông Hồng khác biệt so với sông Hàn. Theo Bí thư Thành ủy, dự án phải làm rõ phương án thoát lũ, không phá bỏ đê cũ khi xây dựng thêm con đê khác ven sông. Ngoài ra, dự án sẽ khai thác không gian là chính, không thiên về khai thác quỹ đất. Phía Hàn Quốc chỉ hỗ trợ công tác quy hoạch, còn Việt Nam làm chủ dự án.
Lãnh đạo Hà Nội cùng đồng thuận chủ trương chung là dự án quy hoạch đô thị ven sông Hồng cần được thực hiện để chỉnh trang đô thị hai bên bờ sông. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án lớn và phức tạp, đòi hỏi sự ủng hộ của người dân, nhất là dân trong khu vực dự án.
Không phải tất cả căn nhà ven đê sông Hồng phải phá dỡ. Ảnh: Hoàng Hà |
Theo ông Đỗ Việt Chiến, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở đang tiếp thu các ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhân dân, trên cơ sở đó hoàn thành báo cáo trình Chính phủ trong năm nay.
Ông Chiến cho biết, theo phương án trị thủy của phía Hàn Quốc, để đảm bảo lưu lượng lũ qua Hà Nội là 20.000 m3/s, sẽ phải đào sâu hoặc mở rộng lòng sông. Dự án dự kiến chọn phương án mở rộng. Những đoạn sông Hồng rộng vài km cần thu hẹp vào để lấy quỹ đất phát triển đô thị. Phương án trị thủy sẽ phải thông qua Hội đồng thẩm định của nhà nước.
Theo quy hoạch, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội trong tương lai sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân, chiếm 50% diện tích, còn lại sẽ dành cho các công trình công cộng và khu thương mại dịch vụ. Trong giai đoạn 1, người dân sống trong khu vực này sẽ được tái định cư ra các khu chung cư khu vực gần cầu Thăng Long, hoặc khu vực cầu Thanh Trì tại giai đoạn 2.
Tổng chi phí dự án sẽ là hơn 7 tỷ USD, trong đó, xây dựng các công trình là 1.924 triệu USD, bồi thường tái định cư là 1.564 triệu USD. |
Đoàn Loan