Bệnh nhân 42 tuổi ở Bắc Giang được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, trong tình trạng nguy kịch do bị một thanh sắt lớn đập vào vùng hông trong khi làm việc. Anh bị sốc mất máu, chấn thương nặng vùng xương chậu, bất lực vận động cả hai chân. Bệnh nhân còn bị đứt niệu đạo, tổn thương bàng quang, trực tràng, chảy máu rất nhiều.
Bốn ê kíp bác sĩ của 4 khoa đã lập tức có mặt và họp trực tiếp tại phòng cấp cứu, thống nhất phương án xử lý và quyết định thứ tự các kíp can thiệp. Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ ngay sau 30 phút nhập viện.
Trong 6 giờ, các bác sĩ liên tục thay nhau phối hợp xử lý các tổn thương cho bệnh nhân. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Các bác sĩ cho biết, nếu không được can thiệp nhanh, bệnh nhân nguy cơ tử vong.
Tiến sĩ Bùi Tuấn Khoa, Bệnh viện 108, cho biết lượng bệnh nhân tại khoa Cấp cứu rất đông. Năm 2018, khoa tiếp nhận hơn 60.000 bệnh nhân, trong đó một nửa là cấp cứu với tình trạng nặng. Số lượng bệnh nhân khác nhau giữa các thời điểm trong ngày, giữa các ngày trong tuần nên có lúc quá tải.
Thời gian bệnh nhân nằm tại khoa cấp cứu trung bình là 112 phút, trong đó 41 phút là thời gian chờ kết quả cận lâm sàng và 31 phút chờ hội chẩn khám chuyên khoa. Đây là thời gian rất dài khiến cho lúc cao điểm năng lực cấp cứu của khoa bị hạn chế, bệnh nhân và người bệnh phải chờ lâu, mức độ hài lòng không cao.
Cuối năm ngoái, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nghiên cứu và áp dụng mô hình quản lý tinh gọn (Lean) trong công tác khám chữa bệnh. Việc rút ngắn thời gian chờ đợi đã mang lại cơ hội sống cao hơn cho bệnh nhân cấp cứu và sự hài lòng của người bệnh khi đến viện.
Cụ thể, bệnh viện tiến hành cải tiến nhanh bằng cách tạm ứng tiền một lần cho bệnh nhân dịch vụ, giúp giảm số lần chờ đóng tiền xét nghiệm, điều chỉnh phần mềm tiếp đón để làm giảm thời gian đăng ký, điều chỉnh phần mềm kê đơn thuốc...
Bệnh viện cũng giảm thời gian chờ xét nghiệm, X-quang, CT, siêu âm... bằng cách tăng cường nhân viên vận chuyển bệnh phẩm, hệ thống xét nghiệm, chụp chiếu thông minh, hiện đại, bác sĩ nhanh nhẹn, chuyên môn vững...
Sau cải tiến, khoa Cấp cứu của bệnh viện đã giảm thời gian từ khi bệnh nhân vào khoa cấp cứu đến lúc nhập khoa lâm sàng từ 118,3 phút xuống còn 69,8 phút; từ khi vào khoa cấp cứu đến lúc đi mổ cấp cứu từ 134,4 phút xuống 87,6 phút và can thiệp mạch não cấp cứu từ 55,2 phút còn 49 phút. Như vậy, thời gian chờ tại cấp cứu đã giảm hơn 1/3.
Lean (Tinh gọn) là phương pháp cải tiến có hệ thống, tạo thêm giá trị và loại bỏ các lãng phí. Việc áp dụng Lean trong quản lý chất lượng bệnh viện là một giải pháp trong xu thế cải tiến không ngừng để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, được nhiều cơ sở trên thế giới áp dụng.
Tại Hội thảo khoa học quản lý chất lượng bệnh viện, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế ,cho biết những năm gần đây, chất lượng khám chữa bệnh đã có những bước tiến quan trọng và cải thiện rõ rệt, giảm rủi ro và sự cố Y khoa. Song, ông thừa nhận vẫn còn một số thiếu hụt trong quản lý chất lượng và an toàn cho người bệnh, cần cơ chế mới.