![]() |
Ảnh: Stanford. |
Trong tuần qua, mỗi ngày khoa Khám nhi Bệnh viện xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận gần 20 trẻ mắc bệnh thủy đậu đến khám, chiếm gần 10% số bệnh nhân của khoa. Ngay trong những ngày Tết cũng có một số trẻ vào viện. Tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, số bệnh nhân thủy đậu cũng tăng đáng kể so với trước. Bác sĩ Nguyễn Thị Tường Vân, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết, ngày nào cũng có vài ca thủy đậu nhập viện. Bệnh nhân xuất hiện rải rác, bệnh trạng còn nhẹ nhưng đã báo hiệu mùa thủy đậu bắt đầu. Tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều cơ sở y tế khác như Viện Da liễu, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Theo bác sĩ Tường Vân, thủy đậu có thể xuất hiện quanh năm nhưng thường tập trung vào khoảng tháng 1 đến tháng 4, cao nhất vào khoảng cuối xuân. Đến khi trời chuyển hẳn sang hè thì bệnh giảm rõ rệt. Thủy đậu do virus Varicella-Zoster gây ra, tuy lành tính nhưng lây lan rất nhanh, có thể dẫn đến nhiều biến chứng rất nguy hiểm như viêm màng não, nhiễm trùng nốt rạ dẫn đến sẹo vĩnh viễn, viêm gan. Thủy đậu cũng có thể là tiền đề của bệnh zona trong tương lai.
Triệu chứng khởi phát là sốt, đau đầu, đau cơ, một số trường hợp không có dấu hiệu "báo động". Sau đó, những nốt rạ tròn nhỏ xuất hiện nhanh trong vòng 12-24 giờ, tiến triển thành mụn nước, bóng nước. Chúng sẽ khô thành vảy và rồi bong đi sau 5-10 ngày. Trước khi khỏi hoàn toàn, bệnh rất dễ lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp (qua da), gián tiếp (qua quần áo, ga gối...). Bệnh từ người mẹ cũng có thể truyền cho thai nhi, gây dị tật.
Có thể phòng thủy đậu bằng cách tiêm văcxin. Không nên tiêm cho bà mẹ mang thai; những phụ nữ khác cũng nên tránh thụ thai trong vòng 3 tháng sau khi tiêm. Với những người đã mắc bệnh, nên cách ly cho đến khi bệnh khỏi hẳn. Bệnh nhân cần nghỉ học, nghỉ làm khoảng 1 tuần.
H.H.