Trong báo cáo mới công bố, hãng tư vấn toàn cầu McKinsey bày tỏ lo ngại về khối nợ tăng, áp lực trả nợ cao, sự dễ tổn thương của các tổ chức cho vay và hoạt động ngân hàng phi chính thức. Họ nhận định dù "nguy cơ sức ép tăng lên có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng mới hay không" vẫn còn phải xem xét, các chính phủ và doanh nghiệp cần theo dõi sát nguyên nhân tiềm tàng.
McKinsey đã nghiên cứu bảng cân đối kế toán của hơn 23.000 công ty tại 11 nước châu Á - Thái Bình Dương. Họ nhận ra phần lớn các công ty đang đối mặt với "áp lực lớn" trong việc trả nợ. Tại các nước như Trung Quốc hay Ấn Độ, áp lực này tăng dần từ năm 2007. Ngược lại, ở Anh và Mỹ, sức ép lại đi xuống.
Báo cáo nghiên cứu có bao nhiêu nợ dài hạn được nắm giữ bởi các công ty có hệ số khả năng trả lãi (interest coverage ratio) dưới 1,5. Ở mức này, các công ty sẽ phải dùng phần lớn lợi nhuận để thanh toán lãi vay. Năm 2017, tại Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, hơn 25% nợ dài hạn thuộc về các công ty có hệ số khả năng trả lãi dưới 1,5.
Kể từ sau khủng hoảng nợ châu Á năm 1997, giới chức tài chính đã thực hiện hàng loạt biện pháp để ngăn việc này lặp lại. Cuộc khủng hoảng đã khiến Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia và một số nước châu Á khác thiệt hại nặng nề, để lại hậu quả lâu dài. Vì thế, McKinsey cho rằng các nguyên nhân có thể khiến khủng hoảng tái diễn cần được theo sát. Đó là các vụ vỡ nợ, sự mất cân bằng thanh khoản và biến động lớn về tỷ giá.
Lời cảnh báo của McKinsey được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại, gây sức ép lên lợi nhuận các công ty châu Á. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc càng khiến các nhà đầu tư e ngại rủi ro.
Dù vậy, nhiều giám đốc quản lý quỹ cho rằng vài năm gần đây, tín nhiệm của các tổ chức phát hành trái phiếu niêm yết bằng đồng đôla tại châu Á đã được cải thiện. Tuần trước, hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cũng dự báo phần lớn các nước châu Á có thể bù đắp ảnh hưởng từ tăng trưởng toàn cầu đi xuống bằng các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Hà Thu (theo Bloomberg)