![]() |
Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu âm học quốc gia Sydney (Australia) cho thấy, đa số người sử dụng máy nghe nhạc cá nhân hiện nay luôn để âm lượng ở mức nguy hiểm. Theo một khảo sát khác của Viện nghiên cứu khiếm thính Hoàng gia trên những thanh niên 18-24 tuổi, có tới 39% sử dụng máy nghe nhạc cá nhân ít nhất 1 tiếng mỗi ngày và 42% thú nhận luôn nghe ở mức âm lượng lớn. Một khảo sát khác ở Mỹ trên 300 học sinh trung học và hơn 1.000 người trưởng thành cho thấy, 40% trong số họ luôn để âm lượng ở mức cao, nhất là các học sinh. Hơn một nửa số sinh viên không muốn giới hạn thời gian nghe, 1/3 không thích giảm âm lượng. Nguyên nhân nghe nhạc to có thể do không muốn bị những tạp âm bên ngoài ảnh hưởng đến việc thưởng thức âm nhạc, hay đơn giản đó chỉ là do thói quen của những người trẻ tuổi. Còn tiến sĩ Rochester Minn, người điều hành chương trình Cứu trợ thính giác ở Mayo Clinic, cho rằng: Với các thiết bị nghe nhạc trước đây, khi bạn tăng âm lượng hết mức, âm thanh nghe sẽ rất tồi. Nhưng với các thiết bị hiện đại, dù mở to hết mức, chất lượng âm thanh vẫn rất tốt, nên mọi người thích nghe to, nhất là với máy cá nhân nhằm át những tiếng động bên ngoài. Nghiên cứu trên ở Mỹ cũng chỉ ra, hơn 50% số sinh viên và 40% người trưởng thành có ít nhất một loại bệnh thính lực. Nhiều người thấy khó nghe trong các cuộc thảo luận, cần tăng âm lượng ở máy thu hình hay đài mới nghe được rõ, một số khác thấy có tiếng lạ ở trong tai. Âm thanh bên ngoài tác động và gây tổn thương các tế bào lông chuyển - một bộ phận của tai có chức năng dẫn truyền sóng âm đến não bộ. Các tế bào vùng này có thể phục hồi sau những tổn thương tạm thời. Nhưng các tiếng ồn quá lớn hoặc tác động trong thời gian dài sẽ làm chúng tổn thương vĩnh viễn. Các vấn đề thính lực không có dấu hiệu rõ ràng trong một vài năm nhưng một khi xuất hiện sẽ không thể khôi phục. Tai sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Hiện nay tại Mỹ có khoảng 30 triệu người gặp những vấn đề về mất thính lực, 1/3 trong số họ đã bị lãng tai. Dùng máy nghe nhạc cá nhân đúng cách Các chuyên gia khuyên không nên nghe nhạc liên lục quá lâu với âm lượng lớn hơn 90 decibel, nên để âm lượng ở mức bằng hoặc nhỏ hơn 80 decibel. Dùng loại tai nghe vành rộng, trùm kín tai, độ lọc tiếng ồn tốt. Không nên dùng loại tai nghe nhét trong ống tai. Nếu bạn thường xuyên ở những nơi ồn ào, âm thanh lớn thì nên cố gắng tạo cho mình ít phút yên tĩnh sau một khoảng thời gian nhất định, hoặc sử dụng miếng đệm tai để giảm thiểu âm thanh. Bạn hãy giảm thiểu âm lượng đến mức có thể, tránh xa tiếng ồn và cố gắng bảo vệ đôi tai. Làm sao biết được bạn đang nghe nhạc quá to? Nếu bạn không có thiết bị đo decibel của âm thanh cho máy chơi nhạc, một số dấu hiệu sau sẽ cho thấy bạn nghe nhạc quá lớn: - Âm lượng máy nghe đặt mức lớn hơn 60%. - Không thể nghe thấy những cuộc trò chuyện của người xung quanh. - Những người ở gần có thể nghe thấy tiếng nhạc bạn đang nghe. - Bạn nhận thấy dường như mình đang hét lên trong cuộc trò chuyện với ai đó. (Theo Thanh Niên) |