Theo Cục Hàng không Việt Nam, tối 25/4, sau chuyến bay từ Đà Lạt đến Tân Sơn Nhất, nhà chức trách tìm thấy xác chim trong động cơ số 2 của chiếc Airbus A321 (A321). Ngày 26/4, sau chuyến bay từ Hà Nội đến Tân Sơn Nhất, thợ máy phát hiện vết máu chim dính vào mũi chiếc Boeing 787.
Ngày 29/4, sau khi hoàn thành chuyến bay từ Tuy Hòa đến Tân Sơn Nhất, thợ máy tìm thấy các vết máu chim tại vành, cánh quạt động cơ số 2 và tại chóp radar ở mũi máy bay A321.
Đến tối 1/5, chiếc A321 thực hiện chuyến bay từ Phú Quốc về Tân Sơn Nhất, thợ máy phát hiện vết móp tại viền phía trước cánh trái tàu bay, xung quanh dính máu chim. Phương tiện phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra.
Gần đây nhất, tối 3/5, sau khi máy bay A321 từ Phú Quốc hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, thợ máy phát hiện vành động cơ và cánh quạt động cơ số 2 dính máu chim. Phương tiện phải đưa vào xưởng sửa chữa để kiểm tra kỹ thuật.
Ngoài ra, một số sân bay xuất hiện nhiều chim, ảnh hưởng đến hoạt động bay. Cụ thể sáng 30/4, khu vực đầu đường băng 25L sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều chim én khiến chuyến bay VJ360 khởi hành đi Đà Lạt phải dừng chờ để đơn vị quản lý khu bay xua đuổi chim.

Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, TP HCM, ngày 5/12/2017. Ảnh: Thành Nguyễn
Cục Hàng không Việt Nam đánh giá sự cố va chạm giữa chim và máy bay có xu hướng tăng trong các tháng gần đây. Các sân bay xảy ra nhiều vụ là Tân Sơn Nhất, Đà Lạt, Phú Quốc... Khu vực này có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sinh sống, nơi di cư của chim nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay.
Ngày 5/5, Cục đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai ngay biện pháp đuổi chim, động vật hoang dã tại sân bay, đặc biệt là Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Các đơn vị phải bổ sung trang thiết bị, phương tiện theo dõi chim, vật nuôi tại cảng.
Đối với Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Cục yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo bộ phận an toàn kiểm soát chim và động vật hoang dã; đánh giá hiệu quả các biện pháp đuổi chim tại hai sân bay, đề xuất giải pháp lâu dài.