Giám đốc Air New Zealand Rob Fyfe và các phi công chụp ảnh trước chiếc Boeing 747-400 chuẩn bị thử nghiệm xăng thực vật. Ảnh: AP. |
Một trong 4 động cơ của chiếc Boeing 747-400 nói trên chạy bằng nhiên liệu pha trộn 50/50 giữa xăng thực vật chiết xuất từ cây Jatropha (cây cọc rào) và xăng A1 tiêu chuẩn. Sự kiện này đánh dấu một năm các hãng hàng không trên thế giới đẩy mạnh việc sử dụng nhiên liệu thay thế, trong bối cảnh giá dầu leo thang hồi đầu năm và ngành hàng không đang đối mặt với suy thoái kinh tế.
Air New Zealand chưa cho biết rõ nhiên liệu pha trộn nói trên có rẻ hơn xăng tiêu chuẩn hay không vì loại dầu Jatropha hiện chưa được sản xuất đại trà, nhưng hãng nhận định giá thành nhiên liệu sinh học này "rất cạnh tranh". Giám đốc Air New Zealand là Rob Fyfe đánh giá chuyến bay là "cột mốc đối với hãng cũng như ngành hàng không dân dụng".
"Hôm nay chúng ta đang đứng trước giai đoạn đầu tiên của sự phát triển nhiên liệu bền vững và là một giây phút quan trọng của lịch sử hàng không", ông Rob Fyfe nhấn mạnh trước khi chuyến bay đặc biệt khởi hành. Đây là dự án chung giữa hãng Air New Zealand, nhà sản xuất máy bay Boeing, nhà sản xuất động cơ Rolls Royce và tập đoàn chuyên về nhiên liệu thay thế Honeywell International.
Trước đây nhiên liệu sinh học từng bị coi là không thực tế đối với ngành hàng không, do chúng bị đông cứng tại nhiệt độ thấp khi máy bay hành trình trên độ cao thiết kế. Nhưng các thử nghiệm cho thấy dầu chiết xuất từ hạt cây Jatropha có nhiệt độ đông cứng còn thấp hơn cả xăng máy bay tiêu chuẩn. Loài cây này có nguồn gốc từ Mexico và sống tại những nơi có khí hậu nóng ẩm.
Nhiên liệu sinh học cũng thải ra carbon nhiều như nhiên liệu có nguồn gốc dầu mỏ, nhưng xăng chế từ cây Jatropha có khả năng hấp thụ một nửa số carbon do nó thải ra. Do đó hãng Air New Zealand đề xuất pha trộn với tỷ lệ 50/50 hai loại nhiên liệu này để giảm 1/4 số carbon so với xăng máy bay tiêu chuẩn A1.
Chuyến bay thử nghiệm của chiếc Boeing 747-400 xuất phát từ sân bay Auckland với những điều kiện bay như bình thường để kiểm tra các thông số kỹ thuật khi sử dụng nhiên liệu pha trộn. Theo tính toán phải ít nhất đến năm 2013 hãng Air New Zealand mới có thể đảm bảo có đủ nhiên liệu chiết xuất từ cây Jatropha để pha trộn. Hãng đang hy vọng đến năm 2013 sẽ có 10% chuyến bay của họ được thực hiện một phần nhờ nhiên liệu pha trộn với xăng thực vật.
Trong khi đó, nhiều loại nhiên liệu sinh học khác như ethanol chế từ ngô bị buộc tội làm tăng giá lương thực và vấn đề này vẫn đang gây ra tranh cãi. Nhưng Jatropha có thể là giải pháp tốt hơn cả vì loài cây thuộc họ thầu dầu này không hề cạnh tranh với lương thực hay đất canh tác vì chúng có thể sống trên những vùng đất cằn và cần ít nước.
Hồi tháng 2 vừa qua, nhà sản xuất Boeing và hãng Virgin Atlantic cũng từng bay thử nghiệm bằng nhiên liệu pha trộn giữa dầu dừa và dầu cọ. Nhưng các nhà môi trường học cho rằng, thứ nhiên liệu này không mang tính thực tế vì khó có thể đáp ứng đủ cho nhu cầu hàng không dân dụng.
Đình Chính (theo AP, Reuters)