Thứ năm, 12/11/2020, 16:33 (GMT+7)

Mạc Hồng Quân: 'Tôi từng phải tìm bác sỹ tâm lý ở Việt Nam'

Tám năm từ ngày về, tiền vệ Việt kiều Mạc Hồng Quân thường trực ngụp lặn giữa những dối trá, dèm pha và chèn ép ở V-League, có lúc còn phải bỏ tiền chuộc sự tự do. Nhưng nhờ đó, anh trui rèn cho mình kỹ năng sinh tồn.

Một trong những nỗi buồn lớn nhất đối với Mạc Hồng Quân là thất bại cùng U22 Việt Nam trước U22 Myanmar ở bán kết SEA Games 2015. Ảnh: Đức Đồng.

- Ba tháng trước, anh đang cùng Quảng Ninh đua vô địch thì được "biệt phái" sang giúp Hải Phòng tranh trụ hạng. Anh đối diện thế nào với sự thay đổi đột ngột giữa hai thái cực đó?

- Khoảng một tuần trước khi ra quyết định chính thức, ban lãnh đạo Quảng Ninh đã nói chuyện riêng với tôi và anh Nghiêm Xuân Tú. Thực lòng, cả hai đều bất ngờ, chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có một cuộc đổi trao như vậy. Chúng tôi hồi hộp, thậm chí lo lắng vì trước nay CĐV Hải Phòng không ưa chúng tôi. Không chỉ lo hòa nhập với đội bóng mới, cả hai còn băn khoăn không rõ mình có thể thích nghi với cuộc sống ở thành phố mới trong thời gian ngắn như thế không. Tất nhiên, hợp đồng của tôi ở Quảng Ninh còn dài, ban lãnh đạo cũng cam kết hai anh em chỉ sang đó hỗ trợ một thời gian, hết mùa giải lại trở về.

- Rồi các anh thích nghi như thế nào?

- Đời cầu thủ, nói chung, không ai muốn suốt ngày vật lộn trụ hạng cả. Cầu thủ nào chẳng hy vọng được cọ sát ở môi trường đỉnh cao, hướng tới những danh hiệu.

Về Hải Phòng, ban đầu là trải nghiệm bỡ ngỡ với cá nhân tôi. Ở đây, tôi phải chạy rất nhiều, gần như là gấp đôi so với lúc khoác áo Quảng Ninh. Tại Quảng Ninh, tiền vệ trung tâm không phải di chuyển nhiều. Hải Phòng chơi kiểu khác, tiền vệ phải tự tìm bóng rồi tự tạo cơ hội, như kiểu "tự làm tự ăn".

Nhưng ba tháng ấy cho tôi nhiều bài học, và cũng là dịp để hoàn thiện lối chơi, nâng cao thể lực. Khi nghĩ thoáng ra, coi mỗi sân chơi là một thử thách riêng, nhiệm vụ riêng, tôi tìm thấy mục tiêu phát triển bản thân ở Hải Phòng. Với cả, từ ngày về Việt Nam, tôi đã quá quen với chuyện thích nghi rồi. Bao giờ cũng có khó khăn, nhưng rồi mọi thứ sẽ tự khắc tốt lên.

Cái được nữa trong thời gian qua là có thể, có thể thôi nhé, người dân Hải Phòng đã có cái nhìn khác về tôi và anh Tú. Đó mới là giá trị lớn nhất chúng tôi có được.

- Đang là một cầu thủ triển vọng ở CH Czech, cơ duyên nào đưa anh trở về Việt Nam?

- Ngày trước, tôi chưa từng nghĩ sẽ về Việt Nam. 15 tuổi, tôi ký hợp đồng chuyên nghiệp với Sparta Praha rồi làm đội trưởng U19, luôn tin rằng sẽ có ngày lên đội một ở đội bóng mình hâm mộ từ nhỏ.

Mọi chuyện bắt đầu khi bác Mai Đức Chung sang Slovakia công tác. Qua một vài lời giới thiệu, bác tìm tới tận nhà tôi ở Czech và đề xuất tôi về Việt Nam thử việc. Năm đó, tôi thuộc biên chế đội B Sparta Praha, và được cho về Việt Nam ba tháng thử chân ở đội U22. Trong khoảng thời gian tôi rời đi, ở CLB có sự thay đổi thượng tầng. Đội bổ nhiệm Giám đốc Kỹ thuật mới, phụ trách toàn bộ các đội trẻ của CLB từ U11 tới đội B.

Khi trở về Czech, tôi tiếp xúc với ông ấy. Qua vài lần trao đổi, tôi biết rằng ông ấy không tin và không có ý định dùng mình, sau đó thông báo sẽ gửi tôi tới một đội hạng Ba để rèn giũa. Đúng lúc ấy, bác Chung lại liên lạc, thông báo sẽ dẫn dắt Thanh Hóa và hỏi tôi có muốn về Việt Nam chơi bóng không.

Bấy giờ, tôi mới nghĩ người ta đã không thích mình, phí hoài tuổi thanh xuân ở hạng bán chuyên thì bao giờ mới thành cầu thủ chuyên nghiệp được. Rốt cuộc, theo bóng đá cũng chỉ vì hai chữ "chuyên nghiệp". Ở Việt Nam, ông bà cũng thường liên lạc, nói muốn tôi về để có thời gian gần gũi cháu. Nhiều yếu tố ập tới cùng lúc, tôi quyết định hồi hương.

Từng bị Thanh Hóa rồi Quảng Nam chèn ép, mùa này Mạc Hồng Quân còn bất đắc dĩ phải sang khoác áo Hải Phòng theo diện cho mượn từ Quảng Ninh. Ảnh: VPF.

- Chưa từng tìm hiểu môi trường bóng đá Việt Nam đã vội vã trở về. Có khi nào, anh cho rằng đó là một quyết định mạo hiểm?

- Giờ nghĩ lại mới thấy đó là lựa chọn liều lĩnh. Tôi ở Czech từ nhỏ, gần như không có thông tin gì về bóng đá Việt. Ấn tượng của tôi chỉ là Thể Công và đội tuyển Việt Nam qua những dịp AFF Cup. Tôi về Việt Nam giống như đứa trẻ hết mẫu giáo bắt đầu đi học lớp 1 vậy, phía trước là một thế giới mới.

Về nước, bầu Đệ hỏi "Cháu muốn ở khách sạn giống các bạn Tây hay về ăn ở tập trung với anh em Việt Nam". Tôi cũng đắn đo lắm vì mình vốn quen với văn hóa châu Âu, thường sẽ thuê nhà riêng và tự túc mọi thứ. Nhưng trong đầu tôi bấy giờ lại có suy nghĩ khác, về môi trường mới muốn hòa nhập nhanh thì phải tiếp xúc nhiều với anh em. Vì thế, tôi quyết định vào ăn ở tập trung.

Nhưng quả thật, ngày đầu bước vào khu sinh hoạt chung, nhìn thấy chỗ ăn chỗ ở của CLB, tôi hụt hẫng lắm. Có lẽ, vì đã quen với cơ sở vật chất đủ đầy ở châu Âu nên bị tâm lý đó.

- Đó phải chăng là lý do khiến anh ra đi chỉ sau hơn một mùa?

- Cầu thủ ở đâu cũng thế, có một đặc tính là không cầu kỳ lắm. Tôi chỉ là mất nhiều thời gian để làm quen hơn thôi. Năm đó, tôi còn có may mắn là được xếp ở chung với anh Tú. Chị gái của tôi quen anh Tú từ trước, tình cờ anh em lại chung màu áo nên chị dặn dò, nhờ anh ấy giúp đỡ. Anh em tôi gắn bó từ đó tới giờ.

Chuyện không ở Thanh Hóa lâu dài bắt nguồn từ lý do khác chứ không phải vấn đề sinh hoạt. Nửa mùa đầu tiên của tôi ở đó khá ổn, nhưng nếu ngày ấy có kinh nghiệm của bây giờ, tôi sẽ không ký tiếp hợp đồng sau thời gian ấy.

- Lý do anh đề cập đến là gì?

- Mọi người đều biết số đông các CLB V-League phụ thuộc vào Tây. Thanh Hóa cũng không phải ngoại lệ. Thực ra, vị trí đầu tiên tôi chơi ở Việt Nam là tiền vệ trái chứ không phải tiền đạo. Ở Thanh Hóa, có một người được ví như "đại bàng" lúc đó, không thể đụng vào là Nastja Ceh. Bác Chung cũng chẳng còn cách nào khác, đành xếp tôi đá tiền vệ trái.

Sau nửa mùa đầu, một số đội bóng cũng liên lạc với tôi. Nhưng bác Chung ở lại Thanh Hóa thêm một năm, cũng nói chuyện trao đổi và nài nỉ tôi ở lại. Bác và gia đình tôi thân thiết, bản thân tôi cũng biết ơn bác đưa mình về nước nên ở lại. Và sau khi ký hợp đồng mới, mọi thứ đều là hậu quả của một lựa chọn sai lầm.

- Năm thứ hai của anh ở Thanh Hóa tồi tệ đến thế sao?

- Tôi bảo lưu quan điểm bóng đá Việt Nam cần sự tham gia của người đại diện, những người thực sự hiểu luật pháp, giúp cầu thủ tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc. Về đây, CLB chỉ đàm phán với cầu thủ mà cầu thủ chúng tôi đâu hiểu hết pháp lý, ngóc ngách của bản hợp đồng. Tôi không nói là lừa nhưng làm việc như thế khi xảy ra tranh chấp, bên lợi chỉ là CLB mà thôi.

Năm ấy trong hợp đồng của tôi và Thanh Hóa có một chi tiết rất "50-50" và vì nó mới dẫn tới sự việc tôi phải đền bù tiền hợp đồng. Cụ thể hợp đồng ghi thế này: "CLB Thanh Hóa có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải đền bù nếu cầu thủ không có phong độ tốt". Vấn đề nằm ở chỗ đó: Thế nào là phong độ không tốt? Ai là người đánh giá phong độ cầu thủ? Cái tốt và không tốt ở đây dựa trên thống kê, số liệu hay cảm xúc yêu ghét đơn thuần của một con người?

- Đối diện với chuyện này, anh giải quyết thế nào?

- Vì tôi "non" nên không còn cách nào khác. Có một buổi tập, đội trẻ được gọi lên tập cùng đội một và chia đôi ra đá. Nhưng tôi bị xếp làm... trọng tài biên, với một cầu thủ chuyên nghiệp đó là sự xúc phạm. Tôi không được tập chứ đừng nói là đá, vậy cái cơ sở đánh giá ở đây là gì thì mọi người đều hiểu.

Sau hôm ấy, tôi không còn được tập cùng cả đội, ngày nào cũng tập một mình trong phòng gym. Tôi cũng có hỏi lãnh đạo, thì chỉ nhận câu trả lời là "Nếu không chịu thanh lý và trả tiền hợp đồng thì từ giờ tới hết hợp đồng cứ tập gym một mình đi nhé". Tôi đành chịu chứ biết làm sao.

- 22 tuổi, lần đầu về Việt Nam và gặp phải sự cố lớn, ai đã giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn này?

- Lúc rời Thanh Hóa là giữa mùa, tất nhiên chẳng đội bóng lớn nào muốn tiếp nhận tôi. Khi ấy, đa phần là các CLB đua trụ hạng liên lạc, nhưng HLV trưởng và lãnh đạo đội Hùng Vương An Giang là nhiệt tình nhất. Tôi nói chuyện với họ, cảm thấy sự chân thành và quý trọng.

Phải nói thế này, tình hình của An Giang lúc đó không tốt lắm, kinh tế nhà tài trợ có vấn đề nên cầu thủ bị chậm lương nợ lót tay. Nhưng những gì An Giang đã hứa với tôi họ đều làm và thậm chí là tốt hơn cả những gì tôi kỳ vọng. Khi tôi khó khăn nhất, An Giang ném cho tôi cái phao cứu sinh. Dù cuối mùa đội xuống hạng nhưng trong tôi, thành phố Long Xuyên nói riêng và miền Tây nói chung là những miền ký ức đẹp. Sau này, tôi cũng lấy vợ miền Tây, bà xã tôi quê Sóc Trăng.

- Giữa hai khoảng thời gian Mạc Hồng Quân rời An Giang và tới Quảng Ninh có một khoảng trắng mang tên Quảng Nam, đội bóng anh chưa thi đấu phút nào. Thực hư câu chuyện anh bẻ kèo với Quảng Nam năm 2014 là gì?

- Rời An Giang, Quảng Nam liên hệ với tôi. Đích thân HLV Vũ Quang Bảo, HLV trưởng lúc ấy, tới gặp, bàn bạc và ký hợp đồng. Tôi đặt bút ký hai năm, nhưng chưa kịp về nhận phòng hay có bất kỳ kỷ niệm nào với thành phố Tam Kỳ thì lên tuyển tập trung đội Olympic rồi sau đó là đội tuyển quốc gia dự AFF Cup.

Trong thời gian tôi ở tuyển, bác Bảo nghỉ việc. Tôi cũng nghĩ bình thường thôi, chỉ gọi điện chúc bác may mắn. Sau đó, chú Hoàng Văn Phúc lên nắm đội. Lần đầu chú Phúc gọi và thông báo với tôi thế này: "Chú sẽ dùng hai tiền đạo Tây mùa tới, cũng mới mua Hà Minh Tuấn về dự bị cho hai bạn ấy. Cơ hội ra sân của cháu không có đâu, lãnh đạo họp và quyết bán cháu sang Cần Thơ".

Tôi nghe vậy mới bảo "Chú không dùng cháu nữa thì thanh lý giúp cháu, cho cháu chọn môi trường phù hợp".

Ở Quảng Ninh, Mạc Hồng Quân được chơi đúng sở trường và trờ thành nhân tố qua trọng của CLB những năm qua. Ảnh: Lâm Thỏa.

- Nhưng lúc đó có những thông tin cho rằng vì bị gạt khỏi kế hoạch nên anh bẻ kèo, đầu quân cho Quảng Ninh?

- Các báo lúc đó đưa tin tôi trở mặt nhưng sự thật không phải vậy. Tôi rất tôn trọng hợp đồng đã ký với Quảng Nam. Nửa năm đầu tiên, từ tháng 6 tới tháng 12/2014, tôi rơi vào hoàn cảnh tương tự như từng gặp ở Thanh Hóa, cũng chưa nhận được bất kỳ đồng lương nào nhưng vô cùng tôn trọng hợp đồng đã ký dù giá trị hợp đồng thấp hơn nhiều so với những gì nhận được sau này ở Quảng Ninh.

Tôi không đồng ý về Cần Thơ nên bác Húp (ông Nguyễn Húp - Chủ tịch CLB) mới lên báo nói tôi bẻ kèo, vậy là không đúng. Rồi lần này, tôi tiếp tục bị yêu cầu trả tiền để đổi lấy sự tự do, số tiển rất lớn gần bằng hai năm hợp đồng.

Khi Quảng Ninh có động thái tiếp cận, tôi cũng trình bày hết đầu đuôi câu chuyện cho bác Hùng - Chủ tịch của CLB. Bác Hùng nói "Cháu nói chuyện nhẹ nhàng, xin phía bác Húp giải quyết linh động, giảm số tiền xuống. Còn thiếu đâu, bác bù rồi cháu về Quảng Ninh". Cũng may mắn là tôi nhờ được một người ở ngoài, nói đỡ với chỗ bác Húp nên mới được ra đi.

- Tới Quảng Ninh có thể xem như bước ngoặt trong cuộc đời Mạc Hồng Quân. Đâu là lý do giúp anh thành công ở đất mỏ?

- Khi tôi về Quảng Ninh, chú Đinh Cao Nghĩa là HLV trưởng. Đội chỉ có một Tây là tiền đạo, chú Nghĩa bèn xếp tôi đá hộ công. Tôi như cá gặp nước, được chơi đúng vị trí yêu thích nên hòa nhập nhanh. Sau này, khi nghe thông tin HLV Phan Thanh Hùng về làm việc, cả đội ai cũng mừng. Những gì chú Hùng làm được ở Hà Nội đã nói lên tất cả. Ở Việt Nam, chú ấy tạo ra triết lý cho riêng mình. Cầu thủ ai mà chẳng thích cầm bóng, chơi bóng, giữ bóng, nếu chỉ chạy đuổi theo quả bóng thì không còn là đá bóng nữa rồi.

Thời gian đầu chú Hùng về, tôi cũng chưa được đá chính ngay. Chú dùng những người đã quen với triết lý của chú như anh Bùi Văn Hiếu và để những anh em khác từ từ ngấm, dần dần hiểu phong cách chú muốn định hình cho Quảng Ninh.

- Bây giờ, nhắc tới Quảng Ninh là người ta sẽ nói đến Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú. Anh có cho rằng, mình đã trở thành biểu tượng mới của Quảng Ninh, là người kế thừa vị trí Vũ Minh Tuấn để lại?

- Ngày ra đi, anh Tuấn đã nói chuyện với anh em trong đội. Anh ấy đã trải qua quá trình đàm phán dài với CLB nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, bóng đá là sự tiếp nối, không ai là không thể thay thế. Anh Tuấn đi, Quảng Ninh lại có Hải Huy. Quan trọng nhất vẫn là tập thể hoạt động ra sao, có mục tiêu cụ thể hay không. Chuyện này, Quảng Ninh luôn đảm bảo với toàn đội.

- Nhưng nếu ngày ấy về Quảng Ninh mà không "tình cờ" được xếp đá đúng vị trí sở trường, sự nghiệp của anh liệu có được như hôm nay?

- Như đã nói từ đầu, tôi quá quen với việc thích nghi kể từ khi về nước. Có những giai đoạn còn khó khăn, khủng hoảng hơn rất nhiều nhưng bản thân đã vượt qua, có chăng là mất thời gian hơn người khác.

Giai đoạn mới từ Czech về, chú Lư Đình Tuấn cầm đội U22 đã nói tôi chơi tiền đạo. Mười mấy năm tôi mặc định đá trung tâm ở Czech, giờ phải đá tiền đạo, phải học cách di chuyển, chọn vị trí hoàn toàn mới, lại có rất ít thời gian do mỗi đợt tập trung chỉ kéo dài vài tuần.

Thời điểm đó, tôi khủng hoảng thật sự. Mọi người không biết quá khứ của mình ra sao, cứ mặc định mình là tiền đạo được ăn tập từ nhỏ. Rồi ở một số tình huống tôi bỏ lỡ cơ hội, quả thứ nhất rồi quả thứ hai rồi quả thứ ba, dần dần biến thành mặc cảm tâm lý trong đầu. Tôi không còn tin chân, mất đi bản năng, khả năng.

Tôi đã đi hỏi rất nhiều nơi, muốn tìm một bác sỹ tâm lý để trò chuyện, tâm sự cho cái đầu thoáng ra. Ở châu Âu, bác sỹ tâm lý là ngành phổ biến trong thể thao nhưng quả thực Việt nam không hề có. Chỉ là, tôi luôn nghĩ được khoác áo đội tuyển là vinh dự, kiểu gì cũng phải vượt qua.

- Có một nghịch lý thế này về Mạc Hồng Quân. Giai đoạn sự nghiệp CLB trắc trở, anh thường xuyên xuất hiện ở đội tuyển. Nhưng khi đang ở đỉnh cao, cánh cửa lên tuyển lại chưa mở ra. Anh nghĩ gì về điều này?

- Không phải HLV Park Hang-seo không gọi tôi, mà là "chưa gọi" thì đúng hơn. Bóng đá cấp đội tuyển có một đặc thù là mỗi HLV sẽ có những cầu thủ tin cậy nhất định và xây dựng lối chơi xung quanh một số nhân tố đó. Đấy là chuyện bình thường ở nhiều nền bóng đá lớn. HLV Park có quan điểm riêng, cũng giống HLV Toshiya Miura ngày xưa rất tin tưởng tôi.

- Trước kia HLV Miura tin tưởng Mạc Hồng Quân phải chăng chỉ vì anh có lợi thế thể hình?

- Đúng là Miura thích cầu thủ có thể hình, thể lực tốt. Nhưng chúng ta cần phải hiểu cái căn bản ông ấy đề ra cho tập thể: Nếu anh khỏe thì một pha xử lý bóng sẽ chính xác hơn so với lúc thể trạng anh không tốt. Ông Miura vẫn nói với anh em trong đội là "Khi nào nền tảng các anh tốt như cầu thủ Thái Lan, tôi cho các anh ban bật, thi triển kỹ thuật thoải mái. Bóng đá đỉnh cao, tiên quyết phải là đủ khỏe để đảm bảo nhịp độ suốt 90 phút nữa".

Ngày ở đội Olympic, tầm ảnh hưởng của tôi giống như Quế Ngọc Hải, cũng có thể vì tôi giao tiếp được tiếng Anh với HLV nên truyền đạt được ý tưởng tới các cầu thủ khác.

Tôi nghĩ rằng đó cũng là ưu điểm của mình giai đoạn đó. Bối cảnh ông Miura sang Việt Nam là không có bất kỳ trợ lý nào đi cùng. Ngoài thời gian sinh hoạt đội, ông ấy chỉ ở trong phòng làm việc, ít khi ra ngoài. Ông Miura làm việc rất nhiều, phải nói là cường độ khủng khiếp.

- Nhắc tới thời kỳ đầu về nước với rất nhiều biến cố, Quân muốn giải thích thế nào về scandal tình cảm?

- Tôi sớm xác định từ lâu cái giá của việc nổi tiếng. Khi đã thành người của công chúng, bạn phải đánh đổi sự tự do và riêng tư. Nhưng thời trẻ, tôi không nghĩ cuộc sống cá nhân của mình bị xáo trộn nhiều vậy. Có lẽ, tôi chưa tìm hiểu đủ văn hóa Việt Nam, nghĩ việc có con trước khi lập gia đình là bình thường như ở châu Âu. Đó là một bài học, giúp tôi trưởng thành. Nhưng mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nhớ một câu nói học được ở Czech, đấy là "Luôn tìm điểm tích cực trong mọi vấn đề". Tôi tự nhận mình là người lạc quan.

Mạc Hồng Quân bên gia đình nhỏ. Anh và vợ Kỳ Hân chuẩn bị đón đứa con thứ hai ở CH Czech. Ảnh: NVCC.

- Trải qua bao thăng trầm, khi nhìn lại, Mạc Hồng Quân thử tưởng tượng nếu ngày ấy chọn ở lại Czech, cuộc sống của anh sau này sẽ đi theo chiều hướng nào?

- Tôi có may mắn lớn, đấy là việc gia đình sang Czech định cư. Bố mẹ tôi sang trước, tới năm 8 tuổi, hai chị em mới sang nghỉ hè. Ban đầu, tôi muốn về, vì chị cứ nằng nặc đòi ở lại nên tôi mới ở theo.

Ở Czech lúc bé, đi học về tôi thường ở nhà xem phim, xem TV nên thân hình hơi mập mạp. Bố tôi thích đá bóng, lại quen với HLV ở đội bóng địa phương nên mới cho tôi đi tập, ai ngờ được bốn CLB là Slavia Praha, Sparta Praha, Viktoria Plzen và Chelsea nhắm trong giải U13 toàn quốc giữa các tỉnh.

Nghe Chelsea thì thích thật đấy, nhưng cũng mạo hiểm và xa vời lắm. Cùng lắm, mình sang đội họ một tuần, tập vài buổi chứ không phải là có cơ hội thật sự đâu. Tôi hâm mộ Sparta từ nhỏ, là người châu Á đầu tiên được nhận vào trung tâm đào tạo trẻ, sau này làm đội trưởng U19 nên tự hào vô cùng.

Thực ra, chuyện đá bóng cũng vô cùng. Tôi từng nghĩ tại sao các bạn đồng trang lứa U19 lên được đội một còn mình thì không. Nhưng ngày ấy như vậy mới có tôi của hôm nay. Đời cầu thủ, đích đến cuối cùng chỉ là đá chuyên nghiệp mà thôi.

Nếu không đá bóng, tôi có ước mơ làm kiến trúc sư. Bây giờ trong nhà vẫn còn bức tranh tôi vẽ David Beckham. Nền giáo dục ở Czech định hướng con người từ nhỏ, không lo không có nghề nghiệp. Với lại, cộng đồng người Việt ở bên này có tiếng nói rất lớn, được chính phủ công nhận là một dân tộc thiểu số, có quyền đi bầu cử như người bản địa. Có lần tôi đọc ở đâu đó biết rằng, họ Nguyễn là họ lớn thứ chín ở Czech. Con cháu người Việt bên này từ bé đã được học trường chuyên, tôi cũng vậy, việc học luôn là ưu tiên hàng đầu.

- Nếu được chọn, anh sẽ chọn sinh sống lâu dài ở Czech hay Việt Nam?

- Cuộc sống có điều kiện kinh tế ở Việt Nam và Czech rất khác nhau. Bên kia, người ta ưu tiên cuộc sống riêng tư hơn, sáng đi làm, chiều về nhà đóng cửa, chỉ cuối tuần mới gặp gỡ. Ở Việt Nam, nếu có thu nhập tốt, cuộc sống thoải mái hơn vì mọi người hay giao lưu, chia sẻ, sống vì tập thể. Bây giờ, tôi hoàn toàn hài lòng với những gì mình đang có.

Xem thêm
- HLV Toshiya Miura: 'Tôi chịu nhiều hiểu nhầm ở Việt Nam'
- Jurgen Gede: 'Bầu Đức chẳng thèm nhìn mặt tôi'
- Tiền vệ Phạm Đức Huy: 'Tôi chấp nhận làm tất cả vì gia đình'

An Ngọc