Vương Hải Linh -
Nhưng cũng rất nhanh sau đó, Bình liền xóa tan mọi cảm giác không vui ấy: khi đã yêu Phong thì phải chấp nhận mọi thứ thuộc về Phong mà, trong đó có cả quá khứ của người yêu. Song ngay sau "cuộc vui", Bình phát hiện ra Phong vẫn là trinh nữ. Lúc ấy, Bình cảm động tới mức không thể kìm được bản thân, đầu óc như sai khiến trái tim thốt ra mọi điều. Còn Phong thì như phát điên lên, chất vấn Bình xem có thực sự yêu mình không, nếu bảo có thì liệu có bảo đảm không đây,… khiến Bình phải tốn bao công trả lời. Cũng chính lúc ấy, Phong đã thuyết giáo cho Bình hiểu cảm giác hết sức nhạy cảm của con gái dân văn với vấn đề về tình yêu.
Sau này, vào một dịp Quốc khánh, trong khoa có tổ chức liên hoan, khi đi hát Karaoke, một nữ sinh mới được phân về khoa đã dốc bầu tâm sự bằng một khúc ca của Richard Tauber, cô bé đó có giọng hát thật mượt mà, không hợp với những khúc nhạc thông tục hiện nay. Đến tận lúc ấy, bác sĩ khoa ngoại Tống Kiến Bình mới nhận ra bài thơ Cao Phi tặng người yêu đích thực là hàng đạo văn, bởi đó chính là những ca từ trong ca khúc của Richard Tauber này. Phát hiện này khiến Bình vui khôn tả, nên sau khi về nhà, Bình lập tức mách với vợ, không quên giận dữ nói: "dùng đồ ăn trộm " để tặng người mình yêu, anh ta đúng là có ý thật!
Nào ngờ, Phong lại nói: "Em thấy việc này bình thường thôi mà, mượn hoa dâng phật cũng có gì là không tốt đâu?"
Nhẹ nhàng mà lại dễ dàng nhìn thấu Bình, câu nói ấy chẳng khác nào dội gáo nước lạnh vào Bình.
Thực ra Cao Phi gọi điện tới để hẹn Phong tới dự họp lớp vào mười hai rưỡi trưa mai. Ngày mai, hai vợ chồng định cùng nhau đưa con về ông bà ngoại vì Lâm Tiểu Quân, em trai của Phong cũng xa nhà lâu mới về. Quân làm đội trưởng đội trinh sát trong quân đội, có thể coi là người đàn ông thành đạt. Thông thường tám hay mười người cùng xông lên cũng không phải đối thủ của Quân, vì thế mọi người vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ. Cháu mong về gặp cậu mấy ngày nay rồi. Có điều Phong không về vì thế Bình cũng không về, dù sao đó cũng đâu phải nhà Bình nên Bình thấy chút e ngại. Biết không được về thăm cậu, thằng bé vô cùng thất vọng, thế nên Bình đề nghị Phong mai đi sớm hơn chút, tiện đưa thằng bé về bà ngoại trước; nghe vậy Phong lập tức nổi đóa lên, hai tay túm lấy trước ngực chiếc áo ngủ bằng lụa hơi nhàu, chất vấn Bình có phải muốn vợ tới dự họp lớp như thế không? Bình định tranh luận lại vài câu, song chợt nhận ra rằng họp lớp sao cần phải trang điểm cả buổi chiều như vậy? Biết rõ là vậy nhưng Bình không nói gì. Bởi dù nói ra, không những chẳng làm thay đổi được điều gì, thậm chí còn làm cho Phong nổi đóa hơn. Vậy là thỏa thuận, hôm sau, Bình sẽ đèo con về, Phong sẽ đi chuẩn bị và tham dự buổi họp lớp. Bên trong phòng không nhiều khách lắm bởi thế anh thợ làm tóc chậm rãi chăm sóc đến từng sợi tóc trên đầu Phong, điều này khiến Phong không thể không nghi ngờ về động cơ thực sự cho sự cần mẫn của anh chàng này: hay là muốn giữ Phong ở lại, vờ chăm sóc để che giấu tình trạng ế khách hiện thời? Không phải Phong cố tình nghĩ xấu vậy nhưng quả thực thời gian có hạn mà. Chỉ có nửa ngày mà vừa phải làm tóc, vừa làm mặt, mua quần áo. Từ hồi ra trường đến giờ mọi người chưa gặp lại, cũng mười mấy năm trời, đây là buổi họp lớp đầu tiên, chắc hẳn ai chẳng muốn nhìn bạn bè thế nào. Mà dù không phải vậy thì Phong cũng không thể trông nhếch nhác được. Mãi mới làm xong tóc và mặt, Phong lập tức lượn lờ qua các cửa hàng thời trang. Trong các cửa hàng đó bán rất nhiều quần áo, tiếc là Phong cũng thích đấy nhưng không mua nổi; mà cái mua được thì lại không vừa mắt. Thôi thì chẳng mua nữa, về nhà vậy. Về đến nhà thì chẳng còn ai nữa, Bình đã đưa con đi. Phong bèn mở tủ quần áo ra xem có thể kết hợp được cái gì trong số những thứ mình có không, thế mà cũng toát hết cả mồ hôi. Nếu hiện Phong là một thiếu nữ gần hai mươi tuổi thì dễ thôi, trẻ trung sôi nổi, cá tính khác biệt, duyên dáng dịu dàng, ngây thơ thuần phác, mặc kiểu nào cũng rất phong cách, rất cá tính, đều khiến mọi người trầm trồ; nhưng với một phụ nữ trên ba mươi tuổi thì lại khác, con đường đi cũng hẹp hơn, nói một cách nghiêm túc thì chỉ còn một lựa chọn là duyên dáng dịu dàng. Có điều, có phải mình cứ muốn duyên dáng là được duyên dáng ngay đâu chứ? Đó là kết quả của sự kết hợp giữa tinh thần và vật chất. Phong tư, khí chất thì thừa nhưng tiếc là lật cả tủ quần áo cũng không thể tìm được bộ trang phục nào "xứng kỳ đức". Rốt cuộc đành kết hợp quần nọ áo kia từ hai bộ quần áo khác nhau: bên trên mặc chiếc áo tàu ngắn màu vàng nhạt điểm họa tiết những bông hoa màu nâu; bên dưới là chiếc quần dài màu nâu đậm, đeo túi màu trắng và đi giày trắng. Trang điểm xong, Phong ngắm mình trong gương một lượt, trông cũng tạm ổn, cũng có chút gì đó gọi là dịu dàng, duyên dáng. Ngắm mình trong gương, Phong tự hỏi: "Mày cuống lên như vậy vì cái gì chứ? Là vì cuộc họp lớp này à? Hay là vì anh ấy - vì mối tình đầu của mày." Cũng không phải là tình cũ không rủ mà lên, nhưng mối tình đầu bao giờ chẳng đẹp nhất.
Còn tiếp...
(Trích tiểu thuyết "Ly hôn kiểu Trung Quốc" của tác giả Vương Hải Linh, do NXB Công an Nhân dân ấn hành)