Vương Hải Linh -
Không nhất thiết phải qua lại, cũng chẳng có lý do để qua lại nên cả hai cũng biết rất ít về nhau. Bình chỉ biết rằng, Tiêu Lị tuổi cũng trạc Tiểu Phong. Nói một cách khá chính xác thì trông cũng được, không xinh, nhưng đẹp. Cũng chính nhờ Tiêu Lị mà Bình mới nhận ra sự khác biệt giữa đàn bà xinh và đàn bà đẹp. Xinh là cái gì đó sinh ra đã có, là trời phú, là di truyền, còn đẹp còn phụ thuộc vào các nhân tố khác ví như cử chỉ nói năng đoan trang nho nhã. Lị muốn gửi con gái tên là Nữu Nữu ở nhà Bình một lát vì có chút việc gấp. Bình luôn miệng nhận lời: "Được chứ"; không phải Bình khách sáo mà là thực tâm hoan nghênh. Hai đứa trẻ có thể làm bạn chơi với nhau, Bình đỡ phải làm đủ thứ chiều con.
Nói là "một lát" nhưng mãi tới giờ ăn tối Tiêu Lị vẫn chưa về. Bình đang bê đồ ăn ra phòng lớn. Còn hai đứa trẻ đang vẽ trên bàn ăn ở phòng lớn. Nữu Nữu thì vẽ một hình người bé bé và bảo đó là mẹ nó, vẽ một người thấp hơn chút và bảo đó là nó, còn vẽ một ngôi nhà nhỏ có ống khói và bảo đó là nhà của hai mẹ con. Đang Đang nghe vậy liền hỏi bố của chị đâu?
- Bố bỏ hai mẹ con chị rồi.
Bình nghe vậy ngạc nhiên vô cùng. Ly hôn ư? Từ lúc nào nhỉ? Cùng một bệnh viện, lại ở đối diện nhau, vậy mà Bình không hề hay biết gì về chuyện này. Bình đang định hỏi nguyên do cụ thể, đang nghĩ nên hỏi Nữu Nữu như thế nào thì Tiêu Lị về đón con. Chính lúc ấy, Bình mới nhìn rõ khuôn mặt Tiêu Lị, gương mặt như vừa được rửa sạch. Có điều lại không thể rửa sạch hết những dấu tích còn lại của những giọt nước mắt, những sợi vằn đỏ vẫn nổi chằng chịt trong đôi mắt, mí mắt thì vừa đỏ vừa sưng.
Tối hôm ấy, Phong không về nhà. Cho con ngủ xong, Bình lên giường nằm, rất lâu, mà chẳng thể chợp mắt. Đương nhiên không phải vì việc Phong không về nhà, vì chuyện giận chồng và bỏ về nhà mẹ đẻ là chuyện thường tình của bất kỳ người phụ nữ nào dù ở thành thị hay nông thôn, dù có học hay không, Bình vốn đã quen với việc này rồi. Bình mất ngủ chính là vì Tiêu Lị.
Quả nhiên, cái mà Tiêu Lị nói là "có chút việc" ấy chính là muốn ở một mình, muốn được khóc một mình. Ở địa vị của Lị mà nghĩ thì những nỗi đau về mặt tình cảm không cần phải nói đến, chỉ nói đến chuyện một phụ nữ ngoài ba mươi gần bốn mươi tuổi, có công việc, lại phải nuôi một đứa con thì về sau biết sống sao đây. Vốn hợp nhau là vậy, đi đâu cũng có đôi có lứa, giờ nói chia tay là chia tay luôn. Không cần phải nói cũng biết vấn đề là ở chỗ người đàn ông có niềm vui mới và lại có tiền. Chồng của Lị, à không chồng trước, trước kia cũng là cán bộ nhà nước, sau bỏ ra làm ngoài và gặt hái được nhiều thành tựu, khoảng chưa đến một năm cố gắng làm việc đã mua được xe, xe Toyota; có những lúc cả vợ chồng con cái tới đâu cũng khoe là đang xem nhà mua nhà. Những chuyện này đều do Phong về kể lại nhằm động viên chồng học theo tấm gương của hàng xóm. Cứ thế, Tiêu Lị chính là thần tượng trong cuộc sống lý tưởng của Phong, và chồng Lị tương ứng sẽ thành nỗi đau tinh thần của Kiến Bình. Vậy mà hôm nay, lý tưởng đã đổ vỡ, nỗi đau cũng tan biến, trong lòng có chút kích động cũng là điều bình thường.
Đã mấy lần Bình định gọi điện về nhà vợ để nói cho Phong biết chuyện này, để cho Phong thấy tấm gương và lý tưởng của Phong giờ thế nào. Sau cùng lại từ bỏ ý tưởng này, vì suy cho cùng như vậy không hay lắm, bởi làm thế có gì đó như là cười trên sự đau khổ của người khác vậy. Kỳ thực trong lòng Bình rất đồng cảm với Tiêu Lị, thậm chí là thấy thương khi Lị lựa chọn cách giải quyết đau khổ là: một mình, không nói gì, trốn vào một góc khuất để tự xoa dịu vết thương lòng đang chảy máu. Nếu cần thiết và nếu có thể Bình rất sẵn lòng làm điều gì đó cho Lị, nhưng với điều kiện Lị phải nói ra chứ Bình đương nhiên không thể nói bởi làm vậy sẽ khiến lòng tự trọng của Lị bị tổn thương. Thế mới biết Lị là người có lòng tự trọng cao đến thế nào, điều này khiến Bình bỗng tự nhiên thấy kính phục, xen lẫn tiếc thương.
Còn tiếp...
(Trích tiểu thuyết "Ly hôn kiểu Trung Quốc" của tác giả Vương Hải Linh, do NXB Công an Nhân dân ấn hành)