Tọa đàm diễn ra sáng 27/8 tại Hà Nội, với sự tham gia của các chính khách, học giả, văn nghệ sĩ, doanh nhân... Việc xuất bản cuốn sách Tôi tự hào là người Việt Nam và buổi tọa đàm là sự kiện mở đầu chuỗi hoạt động của dự án lớn cùng tên nhằm lan tỏa tình yêu đất nước, lòng tự hào dân tộc. Bên cạnh Tiến sĩ Lương Hoài Nam còn có các diễn giả: Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam là tác giả của bài viết "Hãy nói thật và ngẩng cao đầu!" trong cuốn sách Tôi tự hào là người Việt Nam. Tại buổi trò chuyện, khi nhận câu hỏi "Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ", Tiến sĩ trả lời: "Nước ta nhỏ. Chúng ta có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm; nhưng nhìn vào các lĩnh vực khác như kinh tế, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật... đều đang yếu. Chúng ta dù tự hào về đất nước, nhưng hãy mạnh dạn nhìn thẳng, phải nói về những cái chúng ta thực sự chưa giỏi. Và chúng ta phải có một sự thay đổi mạnh mẽ ở vế 'thịnh vượng', bởi nếu không 'thịnh vượng' thì không thể có vế 'hùng cường'. Nếu chúng ta là một nước nhỏ, thì mãi bị những nước khác dòm ngó và phải chống trả, bảo vệ".
Tiến sĩ Lương Hoài Nam nói thêm: "Công nhận nhưng không chấp nhận, để rồi từ đó tạo ra sự đột phá trong tư tưởng và trong hành động, đó là cái mà đất nước Việt Nam ta cần làm vào thời điểm 'Vận hội mới - Tầm nhìn mới'".
Nói về niềm tự hào khi là người Việt Nam, Tiến sĩ Lương Hoài Nam kể về hai sự việc đã xảy ra với ông. "Trước đây tôi đi học ở Liên Xô, mặc dù được giữ lại trường công tác, nhưng tôi vẫn xin về Việt Nam, bởi đây là quê hương tôi. Sau này, một lần tôi nhập cảnh vào Pháp, mặc dù có visa nhưng cơ quan nhập cảnh vẫn chất vấn tôi rất nhiều. Từ chất vấn đó toát lên sự lo ngại của họ: Liệu người Việt Nam này sang đây có định ở lại không? Tôi nhận biết được nên đã vui vẻ trả lời mọi câu hỏi và nói: Tôi đi nhiều nước, qua một phần tư thế giới rồi, nhưng tôi vẫn muốn sống ở Việt Nam. Tôi thật sự vinh dự, tự hào là người Việt Nam".
Trong buổi tọa đàm, nhiều diễn giả và khách mời cũng chia sẻ sự tự hào là người Việt Nam theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - người đưa ra ý tưởng thực hiện cuốn sách rồi sau này trở thành dự án Tôi tự hào là người Việt Nam - đã không giấu được xúc động. Anh nói không ngờ ý tưởng của mình được nhiều người uy tín ủng hộ nhiệt thành như vậy.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng - người biên tập cuốn sách - nói về cách mà mỗi người thể hiện niềm tự hào là người Việt: "Trong mỗi gia đình chúng ta đều có quyền tự hào về nhau, từ những điều nhỏ bé nhất. Để tự hào là người Việt Nam, nên bắt đầu từ những việc rất nhỏ: cha mẹ là niềm tự hào của con cháu, con cái là niềm tự hào của ông bà, cha mẹ... Ai sẽ trở thành niềm tự hào của người khác, của đất nước? Hãy bắt đầu tự hào từ những con người bình thường, chứ đừng nên chỉ tự hào về những người nổi tiếng. Chúng ta hãy làm tròn bổn phận, công việc của mình. Đó cũng là cách để người khác tự hào về mình, và cũng là cách để có thể tự hào mình là người Việt Nam".
Tiến sĩ Lương Hoài Nam: Học Đại học về Kinh tế Hàng không và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Riga, Latvia, Liên Xô (cũ) năm 1990. Ông đã trải qua nhiều vị trí quan trọng tại các tập đoàn, công ty lớn. Sách Tôi tự hào là người Việt Nam tập hợp 37 bài viết của 33 tác giả là những nhân vật ở các lĩnh vực khác nhau như chính khách, doanh nhân, văn nghệ sĩ, học sinh, học giả... Các bài viết dù nói về những nội dung khác nhau, bằng ngôn ngữ văn phong khác nhau nhưng đều thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào là người Việt Nam. |
Lam Thu