Tại cuộc họp với Hội đồng nghiệm thu Nhà nước (Bộ Xây dựng) sáng 4/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2) thông báo đã xử lý gần như triệt để, lưu lượng thấm qua đập chính thủy điện này đo được đã giảm hơn 90%. Đơn vị tư vấn độc lập Colenco (Thụy Sĩ) cũng đã kết luận, đập thủy điện Sông Tranh 2 bảo đảm tích nước và an toàn theo thiết kế.
![]() |
Các chuyên gia Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam kiểm tra, thu thập thông tin các trận động đất xảy ra gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My. Ảnh: T.T |
Colenco cho rằng, đập thuộc công trình cấp 2, an toàn động đất được bảo đảm. Thậm chí, một số tiêu chí về an toàn có thể vượt trên thiết kế. Còn Công ty Tư vấn điện 1 khẳng định, sau khi xử lý thấm, đập thủy điện Sông Tranh 2 đã bảo đảm an toàn. Do đã thiết kế cường độ kháng nén lớn hơn yêu cầu thực tế nên đập bảo đảm an toàn ngay cả khi có động đất tới 5,5 độ richter.
Trước kết luận này, nhiều nhà khoa học vẫn còn tỏ ra lo ngại, nhất là mưa lũ bất thường kèm theo những trận động đất liên tiếp có thể gây mất an toàn cho đập thủy điện Sông Tranh 2.
Theo GS TS Đào Trọng Tứ, cố vấn mạng lưới sông ngòi Việt Nam (nguyên Phó tổng thư ký Hiệp hội sông MêKông), sau khi xử lý sự cố thấm, hồ chứa vẫn chưa tích nước trở lại mà phía chủ đầu tư đã khẳng định đập đã an toàn là quá vội vàng. "Lo nhất là lũ lớn ập về bất thường khiến dung tích hồ chứa thay đổi đột ngột, càng làm gia tăng động đất kích thích dễ gây mất an toàn cho con đập vừa mới được chữa lành 'vết thương'", giáo sư Tứ nói.
Ông Tứ cũng cho rằng, phía chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với địa phương chủ động theo dõi, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa để kịp thời thông báo xả lũ, đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ lưu.
![]() |
Mưa lũ đã tràn về gây lo ngại về nguy cơ mất an toàn cho đập Sông Tranh 2 vừa mới khắc phục sự cố thấm nước. Ảnh: Trí Tín. |
Trao đổi với VnExpress.net, GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam bày tỏ băn khoăn khi việc khắc phục sự cố thấm ở đập thủy điện mới hoàn tất phần trên khô và dừng lại ở việc dán 10 khe nhiệt dưới nước ở phía thượng lưu. Các nhà thầu, chuyên gia vẫn chưa khoan kiểm tra thân đập xem lượng nước thấm suốt thời gian dài qua có tạo "rỗng", "khuyết" bên trong không. "Do vậy chưa thể nói là xử lý sự cố thấm là đã hoàn tất và đảm bảo an toàn", ông Hồng nói.
GS Hồng cũng lưu ý, việc cần làm trước mắt là tính toán ngay tích nước hồ chứa, dâng nước trở lại với dung tích bao nhiêu cho hợp lý. Sau thời gian dài xảy ra sự cố thấm, đập thủy điện Sông Tranh 2 khó thể đảm bảo hoàn chỉnh như thiết kế ban đầu. Bên cạnh đó, cần khảo sát, đánh giá những trận động đất vừa qua tác động đến thân đập và bờ hồ chứa thế nào, có nguy cơ gây sạt lở hay không để chủ động ứng phó.
"Trong trường hợp lũ về trong ngày bất thường, có khi dâng lên 3 - 4 mét thì rất nguy hiểm. Các cơ quan chức năng cần theo dõi, đo ứng suất của đập để có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng hạ lưu công trình", vị Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam đề xuất.
Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị tư vấn độc lập khẳng định việc xử lý sự cố thấm ở đập thủy điện Sông Tranh 2 đã hoàn tất, đảm bảo an toàn cho tích nước trở lại, song chính quyền địa phương cùng nhân dân nhiều địa phương vùng hạ lưu công trình vẫn còn "nặng trĩu âu lo".
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My bộc bạch: "Mùa mưa lũ đã về, động đất vẫn tiếp tục xảy ra nên người dân vùng hạ lưu công trình còn hoang mang, lo lắng nhiều lắm. Hiện chủ đầu tư chưa có văn bản chính thức trả lời về việc xử lý sự cố thấm đã hoàn tất, an toàn dựa trên cơ sở khoa học nên chúng tôi chưa trả lời cho người dân yên tâm".
![]() |
Động đất gây sạt lở đất ở khu vực vai trái đập thủy điện Sông Tranh 2 - trên tuyến đường từ huyện Bắc Trà My đi Nam Trà My tháng 12/2011. Ảnh: Trí Tín. |
Theo đề nghị của lãnh đạo huyện Bắc Trà My, dự kiến, chiều 5/9 hoặc sáng 6/9, đoàn công tác của Bộ Xây dựng sẽ về địa phương kiểm tra những trận động đất liên tiếp trong đêm 3/9 có ảnh hưởng đến công trình thủy điện này không.
Các chuyên gia Viện Vận lý Địa cầu nhận định, tần suất xảy ra động đất ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 sẽ còn tiếp diễn và cường độ hiện vẫn chưa lên đến đỉnh điểm. Nền địa chất Quảng Nam có nhiều đới đứt gãy đang hoạt động, trong đó có các đới đứt gãy Trà Bồng và Hưng Nhượng - Tà Vi. Hiện, chưa thể khẳng định chắc chắn đập thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn trước các trận động đất trong tương lai. Tuy nhiên, khi xây dựng đập thủy điện này, các nhà khoa học Viện Vật lý Địa cầu đã kiến nghị thiết kế kháng chấn có thể chống chịu đới động đất cấp 8.
GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu kiến nghị, cần lập ngay mạng trạm địa chấn cố định xung quanh khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 để có thể theo dõi được các trận động đất từ 1 độ richter trở lên. Hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước hồ. Xây dựng hệ thống theo dõi, cảnh báo và nâng cao nhận thức cộng đồng để kịp thời ứng phó với các tai biến địa chất xảy ra.
Cuối tháng 8, UBND tỉnh Quảng Nam đã duyệt phương án bảo vệ đập thủy điện Sông Tranh 2 do Công ty Thủy điện Sông Tranh lập và giao công ty này thực hiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối đập cùng với vùng phụ cận bảo vệ đập. Công ty này đã lập ba trạm thủy văn, đo lượng mưa tại khu vực đầu nguồn, khu đập chính và 2 trạm cảnh báo từ xa ở hạ du với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Các trạm cảnh báo từ xa đặt tại vùng ngập lụt lớn khi xả lũ tại thôn 8 xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước; thôn 3, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức hoạt động theo cơ chế tự động nhận - phát tín hiệu cảnh báo người dân bằng bản tin, còi hú.
Dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, trong tháng 9, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra 3 - 4 đợt mưa vừa, mưa to, lượng mưa lớn nhất có thể lên đến 100 mm. Trong đó, có thể xuất hiện các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn, cần đề phòng lũ lên nhanh trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất đá, nhất là tại các khu vực vùng núi nơi có địa hình dốc.
Trí Tín