Một ngọn lửa rạng sáng 14/6 bùng lên tại tháp chung cư 24 tầng Grenfell ở London, Anh khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, trong đó những người sống trên 3 tầng cao nhất nhiều khả năng không ai sống sót. Các chuyên gia về hỏa hoạn cho rằng đám cháy lan nhanh chóng khắp tòa nhà như vậy một phần là do công trình này sử dụng tấm ốp ngoài rẻ tiền, theo Popular Mechanics.
Các tấm ốp này được nhà thầu gắn bên ngoài tòa nhà trong đợt cải tạo năm ngoái. Dù mang tên gọi "tấm ốp chắn mưa", lớp phủ này được cho là nhằm giúp tòa nhà có vẻ ngoài sang trọng hơn để thu hút người tới thuê, thay vì các bức tường bê tông thô kệch nguyên bản.
Theo BBC, tấm ốp được sử dụng ở Grenfell là Reynobond, loại vật liệu gồm hai tấm nhôm mỏng với lớp cách nhiệt ở giữa làm bằng nhựa dẻo nóng nén chặt tên là polyethylene, thường dùng cho túi nylon.
Ưu điểm của loại tấm ốp này là giá thành rẻ. Theo Times of London, số tiền nhà thầu bỏ ra để lắp đặt tấm ốp Reynobond ở Grenfell chỉ hết 6.000 USD, trong khi chi phí cải tạo tòa nhà chưa bao gồm tấm ốp là 12 triệu USD.
Tuy nhiên, polyethylene có nhiệt độ nóng chảy rất thấp và chảy nhỏ giọt khi cháy. Điều này có nghĩa ngọn lửa có thể lan lên trên và xuống dưới cùng lúc qua những tấm ốp này do nhựa cháy nóng chảy.
Chung cư 24 tầng bốc cháy ở London
Tổ chức Nghiên cứu Xây dựng Anh (BRE) đã tiến hành nhiều thử nghiệm với loại tấm ốp này, cho thấy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao của ngọn lửa đang bốc lên, mặt nhôm ở ngoài và lớp vật liệu ở giữa của nó thường bị tách ra do tính giãn nở của lớp màng nhôm và độ mềm của đường gắn kết. Lớp nhôm ở hai mặt sẽ rơi ra, để lộ phần lõi dễ bắt lửa bên trong.
Một số tai nạn tương tự từng xảy ra trên thế giới. Trong vụ hỏa hoạn thiêu rụi tháp The Address ở Dubai ngày 31/12/2015, ngọn lửa cũng làm cháy tấm ốp ngoài, khiến kim loại nóng và lớp lõi tan chảy của tấm ốp rơi xuống bên dưới, khiến lửa bắt sang những nhà kế bên. Sau hôm xảy ra hỏa hoạn, cả khu vực phủ đầy những tấm vỏ nhôm rơi ra từ tấm ốp.
Tấm ốp vỏ nhôm lõi nhựa có tên Alucobest cũng là nguyên nhân dẫn tới vụ cháy tòa nhà Lacrosse ở Melbourne, Australia, năm 2014, khi lửa lan khắp tòa nhà chỉ trong vài phút do loại tấm ốp này.
Cách lắp đặt tấm ốp cũng có thể khiến vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Thông thường, giữa các tấm ốp và và tường tòa nhà sẽ có một khoảng trống. Khi lọt vào khoảng trống này, lửa sẽ tán rộng hơn để thu thêm nhiên liệu và oxy, khiến khoảng trống này biến thành một ống dẫn lửa.
Ngọn lửa quan sát được bên ngoài tòa nhà cao vài mét, nhưng theo BRE, bên trong khoảng trống, lửa có thể dâng cao gấp 5-10 lần. "Khoảng trống này cho phép lửa lan nhanh một cách khó nhận biết qua hệ thống tấm ốp ngoài, nếu không có tường chắn lửa", BRE cho biết.
Trong thực tế, có một số "chốt chặn lửa" (fire stop) được xây dựng bên trong công trình để ngăn ngọn lửa lan ra giữa các khu khác nhau. Chốt chặn lửa là hệ thống bảo vệ trước hỏa hoạn bao gồm nhiều bộ phận khác nhau được sử dụng để phong kín những khoảng trống và nối liền các khoảng tường và sàn chịu lửa.
Nếu những chốt chặn lửa được bố trí đúng quy định, ngọn lửa sẽ khó lan nhanh. Các nhà chức trách sẽ phải xem xét chốt chặn lửa ở Grenfell có được xây dựng đúng yêu cầu hay không trong quá trình điều tra.
Ở Anh, cư dân ở những tòa nhà cao tầng thường được khuyên nên ở yên trong nhà khi có cháy. Trừ khi nhà của họ bắt lửa, người dân sẽ an toàn hơn nếu cố thủ sau cánh cửa chịu lửa thay vì đổ xô ra những hành lang và cầu thang khói mù mịt. Lính cứu hỏa sẽ xử lý ngọn lửa và giải cứu những người gặp nguy hiểm. Hướng dẫn này từng được cân nhắc lại sau vụ hỏa hoạn năm 2009 ở London khiến 6 người thiệt mạng và chắc chắn sẽ còn tiếp tục được xem xét sau vụ hỏa hoạn tuần này.
Tại Australia, các chủ thầu xây dựng buộc phải gỡ tấm ốp dễ cháy sau hỏa hoạn ở tòa nhà Lacrosse và biện pháp tương tự có thể được thi hành ở các tòa chung cư London sau vụ cháy tháp Grenfell, theo giới chuyên gia về hỏa hoạn.
Phương Hoa