Thứ ba, 19/11/2019, 08:00 (GMT+7)

Đầu tháng 10, chị Nguyễn Thị Kim Quyên nhận tin từ chính quyền xã Phú Long, huyện Phú Tân, An Giang rằng gia đình chị là một trong bốn hộ trong khu vực nhận nhà tình nghĩa thuộc chương trình Nhà Đại Đoàn Kết.

Cách đây 5 năm, chồng chị Quyên đột quỵ, chị một mình nuôi con. Bản thân chị bị khuyết tật hai chân, đi lại khó khăn nên học nghề may rồi nhận đồ gia công tại nhà. Thu nhập từ mỗi chiếc quần, chiếc áo chỉ 2.500-7.000 đồng. Thu nhập thấp nên chị Quyên không còn cách nào khác phải gắn bó với ngôi nhà cũ làm bằng gỗ tạp, lợp tôn vốn đã xuống cấp nặng nề. 

Không lâu sau thông báo, đơn vị thi công liên hệ chị để lên phương án thiết kế, thi công ngôi nhà mới. Thay vì gạch vữa, bê tông, thứ đội thi công vận chuyển đến là những tấm panel cách nhiệt, chống nóng. Công việc của họ thay vì phải kết nối từng viên gạch, tô trát thì chỉ cần ghép nối, lắp ráp các tấm panel. Vỏn vẹn 5 ngày sau, chị Quyên được báo đã có thể dọn đồ đạc của hai mẹ con vào ở.

Ngày chính thức vào nhà mới, bà con lối xóm tới thăm. Những lời chúc mừng gửi đến chị Quyên, người khen nhà mát, sạch thoáng, khác hẳn không gian sống tối tăm và nóng hầm trước đây của hai mẹ con.

"Ai cũng mừng cho con cô ấy thoát khỏi cảnh mưa tạt gió lùa mỗi khi trời giông bão", bà Nguyễn Thị Năm nói và cho biết căn nhà của Quyên đẹp và lạ nhất trên tuyến kênh Đòn Dông. 

Bên chiếc máy may, người phụ nữ này chia sẻ, bây giờ đã dọn vào nhà chắc chắn, bằng vật liệu mới với khung thép, vách, mái lợp bằng tấm panel cách âm, cách nhiệt, cũng mát mẻ hơn dù giữa trưa. Mấy đêm liền từ ngày dọn vào nhà mới, chị Quyên mừng rơi nước mắt và nguyện quyết lo làm, nuôi con ăn học nên người.

Cách nhà chị Quyên hơn một kilomet, bà Nguyễn Thị Khoẻ (69 tuổi) đang loay hoay lau dọn căn nhà tình nghĩa mới được các mạnh thường quân góp kinh phí đại tu khang trang, rộng rãi.

Bà Khoẻ chia sẻ, căn nhà tình nghĩa của bà cất năm 2005, rộng khoảng 40m2, trên tuyến dân cư vượt lũ Phú Long này. Qua thời gian dài, nhà xuống cấp, mưa dột khắp nơi. Do già yếu, vợ chồng con út thì làm thuê nên không thể sửa chữa, bà Khỏe phải che bạc cao su ở đỡ qua ngày. Cứ trời mưa, mẹ con bưng thao hứng nước dột. 

"Nay căn nhà được tài trợ sửa chữa khang trang, diện tích mở rộng. Cả tháng qua, gia đình tôi thoát cảnh vất vả khi mưa bão, mỗi trưa nằm nghỉ cũng không còn nóng bức", bà Khỏe nói trong vui mừng.

Phú Long được xác định là địa phương thuộc diện khó khăn nhất trong 18 xã, thị trấn của huyện Phú Tân, còn nhiều hộ nghèo, chính sách khó khăn về nhà ở. Toàn xã hiện có 1.333 hộ dân với hơn 5.300 nhân khẩu. Trong đó, có 99 hộ nghèo, 126 hộ cận nghèo. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, chủ yếu trồng nếp, lúa. Mỗi năm Phú Long đều chịu ảnh hưởng lũ lụt.

Bốn tháng qua, Công ty TNHH Cách âm Cách nhiệt Phương Nam ở TP HCM hỗ trợ bốn căn nhà cho người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Doanh nghiệp thực hiện hai đợt trao nhà vào đầu tháng 8 và đầu tháng 10.

Ông Nguyên Tấn Phước - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết, trong số này, căn thứ nhất giúp đỡ hộ chính sách Nguyễn Thị Lợi. Chồng bà Lợi trước đây là bộ đội hoạt động trên chiến trường đông nam bộ, đã mất hơn 10 năm trước. 4 người con của vợ chồng bà không phát triển bình thường. Cuộc sống mẹ con bà Lợi rất bấp bênh, hàng ngày bán vé số, làm thuê. Nhà ở siêu vẹo, dột nát.

Trường hợp thứ hai là một gia đình có người chồng bị tai nạn lao động, để lại vợ cùng hai con nhỏ, không có căn nhà lành lặn để ở. Hai căn còn lại là trường hợp của chị Quyên và bà Khoẻ. Riêng chi phí xây dựng ngôi nhà của chị Kim Quyên còn có sự đóng góp của báo Tuổi Trẻ với số tiền 40 triệu đồng.

"Chúng tôi tôi xin được ghi nhận, tri ân tấm lòng thiện nguyện cao quý này và mong muốn người dân khó khăn tại địa phương tiếp được quan tâm hỗ trợ để từng bước vượt qua khó khăn trong cuộc sống, vươn lên phát triển ổn định và bền vững", ông Tấn Phước cho biết.

Chia sẻ với bà con được tặng nhà và chính quyền địa phương, ông Dương Văn Tú - Phó phòng dự án Công ty Cách âm Cách nhiệt Phương Nam cho biết, doanh nghiệp vui mừng khi những việc hỗ trợ của doanh nghiệp có ý nghĩa thực tế khi giúp ích bà con thuộc diện đặc biệt khó khăn về nhà ở.

"Để thực hiện chương trình này, chúng tôi kết hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, sàn lọc rất cẩn thận, để kịp thời hỗ trợ những gia đình khó khăn nhất về chỗ ở. Thời gian tới, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương công tác từ thiện xã hội", ông Tú nói.

Công ty hỗ trợ căn nhà bằng sản phẩm của mình như khung thép, vách, ngăn phòng, lợp mái bằng panel cách âm, cách nhiệt. Lợi thế nhẹ, dễ vận chuyển và linh hoạt đáp ứng thổ nhưỡng của vật liệu này giúp quá trình xây dựng nhanh, chỉ khoảng một tuần một căn nhưng độ bền đến 30 năm.

Bên cạnh đó, mức giá thành thi công, bao gồm cả chi phí vật liệu và hoàn thiện mỗi ngôi ngà chỉ khoảng 1/5 so với phương pháp xây thô thông thường. Điều này cũng giúp doanh nghiệp mang đến những ngôi nhà khang trang cho nhiều người dân hơn, với cùng một số tiền tài trợ.

Cũng theo ông Tú, lợi thế về chi phí và điều kiện thi công khiến những ngôi nhà "lắp ghép" bằng panel cách nhiệt mọc lên ngày càng nhiều tại khu vực nông thôn, nhất là các tỉnh miền Tây Nam Bộ nơi có khí hậu quanh năm nóng ẩm, mưa nhiều, thổ nhưỡng ngập lún.

Năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 200% với chiến lược đẩy mạnh dòng sản phẩm panel cách nhiệt chống cháy công nghệ cao.

Sáng 14/10, công ty tổ chức lễ khánh thành nhà máy panel chống cháy tại khu công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM. Đây là nhà máy thứ hai và cũng là nhà máy lớn nhất của công ty, sở hữu chuỗi dây chuyền công nghệ sản xuất tấm vật liệu cách âm, cách nhiệt và chống cháy theo các tiêu chuẩn châu Âu.

Các dự án của doanh nghiệp trải dài khắp Việt Nam với các lĩnh vực dược phẩm, nhà xưởng, kho lạnh, phòng sạch. Một số dự án tiêu biểu như nhà máy nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), nhà máy nước Satori (Long An), trang trại Phú Gia (Thanh Hóa), Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Đà Nẵng), Chuỗi nhà máy chế biến thực phẩm Masan trải dài khắp cả nước...