Thứ ba, 12/3/2019, 09:00 (GMT+7)

Là học sinh chuyên Toán tại Mỹ, Phương My lại bén duyên với ngành thời trang. Cô từng chiến thắng cuộc thi Are You Runway Ready ở New York, rồi góp mặt ở các sân chơi danh giá như New York Fashion Week 2010, Macy's Fashion Night Out 2010, Black V Fashion Show 2011 (San Francisco), Tokyo Fashion Fuse 2011, New York Fashion Week Spring 2012...

Suốt nhiều năm theo đuổi đam mê, Phương My gây dựng thương hiệu thời trang mang tên mình. Các sản phẩm cao cấp đã có mặt tại 20 quốc gia với khoảng 30 cửa hàng. Năm 2015, Phương My vào top 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi tại Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.

- Chị đã bắt đầu con đường thiết kế và kinh doanh thời trang ra sao, trong khi được đào tạo bài bản về Toán?

- Vào năm thứ ba đại học, tôi luôn nghĩ học xong mình sẽ làm gì. Tôi không thể đợi đến khi ra trường mới đi xin việc. Nếu vậy lúc ấy tôi phải vội vàng nhận việc, có rất ít lựa chọn. Tôi muốn xin việc trước nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Mỗi ngày tôi gửi email cho 10 người, một tuần 70 người, hy vọng một tháng có gần 300 người nhận được thư xin việc của tôi. Trong 300 người ấy, chỉ cần một người trả lời là tôi có một sự lựa chọn nghề nghiệp. Trong email, tôi nói rõ mong muốn đi thực tập, sau đó có nhiều cánh cửa mở ra.

Lúc đầu chỉ 1-2 người đồng ý nhận và khi làm bất kỳ công việc gì, tôi đều làm đến nơi đến chốn. Tôi nghĩ trong cuộc sống, chúng ta nên cho đi trước khi nhận lại. Đó là bài học thành công đầu tiên. Mình phải biết được điểm mạnh của bản thân, từ đó mình làm được gì cho người ta, rồi mới đòi hỏi nhận lại điều gì.

Khi làm nhiều việc khác nhau, tôi không đòi hỏi lương, chịu khó học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ rất nhiều người. Tôi cho rằng trước khi thành lập thứ thuộc về mình, tôi cần có nhiều kỹ năng. Chúng ta nên đi làm thuê để được trả tiền và được làm sai. Thay vì muốn một cái gì đó của riêng mình quá nhanh, những khi mắc lỗi, bạn phải tự bỏ tiền trả cho sai lầm ấy.

- Sống ở nước ngoài nhiều năm, khi về Việt Nam, chị đã bắt đầu công việc như thế nào?

- Khi mới về Việt Nam, tôi từng làm việc cho một vài công ty, trong đó có báo chí. Dù thời gian không dài, vẫn đủ để tôi hiểu và bao quát thị trường. Là người mới, tôi cần tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ mọi người.

Đi làm thuê giúp tôi có thêm nhiều mối quan hệ. Tôi may mắn tìm được những cộng sự nhiệt huyết, cùng chí hướng. Có nhiều người không nghĩ bản thân họ giỏi, nhưng tôi nhận ra họ có tiềm năng và biết cách giúp họ phát triển. Tôi tin họ sẽ đồng hành với mình từ những ngày đầu khởi nghiệp và cùng nhau về đích.

- Chị đối mặt với những khó khăn trong thời gian đầu khởi nghiệp ra sao?

- Bất cứ ngành nghề nào, khởi nghiệp cũng khó khăn. Tuy nhiên càng khó, càng khiến mình nỗ lực, trau dồi kiến thức và giỏi hơn. Với ngành thời trang, bạn cần khởi đầu với tất cả đam mê và hy vọng.

Khi bước vào một ngành nghề, ngoài đam mê, bạn phải tính đến kinh doanh, lời lỗ, quản trị con người... Không phải ngày nào mình cũng đi làm với đam mê, tình yêu của ngày đầu tiên. Ngày thứ hai, ba sẽ khó hơn ngày đầu rất nhiều.

Tôi quan niệm, khó khăn không thể giải quyết trong hôm nay, thì ngày mai bạn không thể bước qua thử thách khác. Bởi độ khó sẽ tăng lên, chứ không dễ hơn bao giờ. Vì vậy phải học cách đối diện, và giải quyết khó khăn mỗi ngày.

- Chị làm thế nào để có thời gian sáng tạo những mẫu mới vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh thời trang có lãi?

- Tôi là người thích thử thách. Khi học Toán và tài chính, đúng sai hiển thị rõ ràng qua đáp án và con số nhất định. Còn thời trang, tôi thích vì nó không có câu hỏi đúng sai. Khó ở chỗ mình thấy đẹp, chưa chắc mọi người đã thấy thế. Cách mình nhìn nhận về vấn đề chưa chắc đã trùng với người khác.

Bên cạnh đó, thời trang cứ 6 tháng phải thay đổi. Nửa năm đầu bạn thành công, nhưng 6 tháng sau bộ sưu tập có thể không được đón nhận. Do đó, bạn luôn phải thay đổi mỗi ngày, phải khắc phục điểm yếu của bản thân, phải học và cập nhật nhanh. Đây là một trong những thử thách lớn nhất của thời trang.

Nhiều người nghĩ làm thời trang chỉ bao gồm vẽ, làm những điều mình thích... Tôi không nghĩ thế, vẽ hay thiết kế chỉ chiếm khoảng 1% thời gian trong năm. 99% thời gian còn lại là lo những cái khác ngoài thời trang. Đó là kinh doanh, quản lý con người, đến bài toán tài chính, mở rộng thương hiệu.

Với tôi, kinh doanh là một phần quan trọng khi làm thời trang. Không thể chỉ làm thời trang mà không biết làm kinh doanh.

- Chị thường chia sẻ "Mọi người không cần biết nhà thiết kế Phương My là ai, mặc đồ gì, để kiểu tóc nào khi xuất hiện. Tuy nhiên, người phụ nữ mặc đồ Phương My thì mọi người phải biết". Cụ thể là gì?

- Muốn giỏi hơn mỗi ngày và có những sản phẩm ưng ý hơn, tôi dựa vào khách hàng. Đó là lý do tại sao thương hiệu phải luôn lớn hơn nhà thiết kế. Tôi có thể làm 5 năm, 10 năm, 20 năm. Nhưng thương hiệu phải tồn tại được 50 năm, 100 năm hoặc trường tồn.

Mọi người không cần phải biết nhà thiết kế Phương My là ai, mặc đồ gì, để kiểu tóc nào khi xuất hiện. Tuy nhiên, người phụ nữ mặc đồ Phương My thì mọi người phải biết. Thương hiệu Phương My làm được điều đó khá rõ ràng, định vị thương hiệu "Người phụ nữ Phương My".

Khi đào tạo nhân sự, tôi thường kể câu chuyện cho nhân viên mới và giúp họ định hình "Người phụ nữ Phương My". Đó là người mà ngồi xuống ăn món gì, gọi một ly nước người ta sẽ uống thế nào, trong thời gian rảnh sẽ làm gì, với họ điều gì quan trọng trong cuộc sống...? Khi đi tiệc, tại sao người ta lại chọn thiết kế đó chứ không phải cái khác?

Một người phụ nữ có tên tuổi, địa vị, tiền bạc, họ luôn biết mình muốn gì, không lan man. Vấn đề là mình có biết họ muốn gì hay không.

- Cách chị định vị thương hiệu của Phương My ra sao?

- Thời trang là thứ rất nhẹ nhàng kể câu chuyện về một con người. Đến một độ tuổi nhất định, bạn sẽ có một phong cách nhất định, không lan man. Từ bộ sưu tập này đến bộ sưu tập khác, bạn phải kể được câu chuyện, cùng đúng về một người phụ nữ. Không phải tự nhiên hôm nay mặc kín đáo, ngày mai lại hở hang, đó không phải là "Người phụ nữ Phương My".

Rất nhiều nhà thiết kế chạy theo mốt mới mỗi mùa. Hôm nay mình thích thứ này, ngày mai đổi sang cái khác. Nhưng sự thay đổi quá đột ngột, dễ làm mất khách hàng trung thành nhất, bởi họ sẽ không thấy thương hiệu đó kể được câu chuyện của họ.

- Điểm khó nhất để thuyết phục khách hàng chịu chi hàng chục triệu đồng cho bộ trang phục là gì?

- Để bán được một món đồ dưới 2 triệu, bạn phải bán thứ khách hàng cần. Để bán một sản phẩm 20 triệu, bạn phải bán cái mà họ chưa biết mình cần, nhưng thực sự muốn có. Nghĩa là ngày hôm nay họ chưa có nhu cầu, cho đến khi mình đưa ra sản phẩm ấy, và họ cảm thấy thật sự cần thiết để có. Khi ấy mới có thể bán được sản phẩm trên 20 triệu đồng.

Cách mà bạn làm thương hiệu cũng như vậy. Tất cả những gì họ cần, họ đã có rồi. Để họ mua thêm một sản phẩm nào đó, nó phải hợp túi tiền, hợp lý, hoặc tôn vinh được giá trị khách hàng. Để mua một món đắt hơn những gì họ suy nghĩ, thì họ phải thấy nó đặc biệt. Mình cũng cần phải có độ tinh tế như thế.

Bạn có thể bỏ nhiều tiền mua một căn nhà và đợi nó lên giá. Nhưng khi bạn mua một chiếc đầm, bước ra khỏi cửa hàng là nó mất giá, cũng không thể mặc quá 3 lần. Bởi vậy, sự đầu tư vào một thương hiệu xa xỉ, cần một số tiền lớn hơn rất nhiều những cái khác.

Khi làm thương hiệu đồ xa xỉ, không phải chỉ bán sản phẩm, mà mình bán cả cuộc sống, câu chuyện đằng sau sản phẩm ấy, thương hiệu đó. Bạn phải kể câu chuyện đủ thuyết phục, rằng diện chiếc đầm đó là niềm tự hào, trân trọng một thương hiệu thì người ta mới bỏ nhiều tiền đến thế.

Bên cạnh đó, cũng có thể bán theo thương hiệu của một nhà thiết kế. Nhưng hôm nay bạn có thể bán được, ngày mai nhà thiết kế không còn ở đó thì họ không đến nữa.

- Thương hiệu Phương My không nhắm đến số đông, vậy chị giữ chân khách hàng trung thành bằng cách nào?

- Sản phẩm của Phương My đang có mặt trên 20 nước với 30 cửa hàng. Tôi không hy vọng tất cả mọi người đều yêu mình. Cần phải biết ai yêu, ai không thích và chấp nhận điều đó. Thương hiệu Phương My rất khó để nhắm đến số đông, mà gói gọn ở những người đang mặc thương hiệu của mình, họ thấy tự hào khi diện nó.

Bạn bước vào tiệc và thấy một người phụ nữ mặc đồ Phương My, bạn có thể thấy cô ấy giàu nhất nhì bữa tiệc, bởi vì họ khoác lên mình bộ đồ không phải ai cũng có thể mua được. Điểm chạm của thương hiệu phải đúng, phải biết khách hàng đang thích gì, không được lan man. Tất nhiên, ở đâu thì lượng người giàu cũng chỉ gói gọn ở một phần nào đó. Để phát triển, thương hiệu cần đi qua nước khác, thành phố khác.

- Chị có nghĩ một lúc nào đó sẽ bình dân hóa thương hiệu Phương My?

- Thời trang phải tạo ra ước mơ. Nếu hôm nay bạn chưa đủ tiền mua chiếc đầm, bạn có thể mơ một ngày đủ tiền, nó sẽ là sản phẩm bạn mua đầu tiên. Khi có tiền, bạn sẽ luôn chọn thương hiệu đó. Nếu bây giờ chưa đủ tiền, bạn cứ mơ mua được thương hiệu đó, khi dễ dàng có được thì bạn lại thấy chán. Phải phấn đấu, cố gắng hơn một chút để có thứ đó, mình sẽ trân trọng nó hơn.

- Con đường đưa thương hiệu này ra nước ngoài thế nào?

- Điều quan trọng nhất bạn phải biết điểm mạnh của mình là gì và phải học "cho trước khi nhận". Tôi xác định điểm mạnh của Phương My là chất liệu vải, được đặt dệt riêng. Bạn có thể thích nhiều thương hiệu, nhưng bạn không thể đến hãng khác mua được sản phẩm có cùng đường cắt, cùng chất liệu vải như Phương My. Bạn cũng không thể ra chợ mua loại vải tương tự.

Điểm mạnh thứ hai là thời trang Phương My dành cho phụ nữ châu Á. Rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới nhưng chỉ dành cho phụ nữ châu Âu bởi cách họ hạ lưng, chạy chiều dài khác Phương My. Phụ nữ châu Âu khi mập lên sẽ mập đều, còn phụ nữ châu Á chỉ to bụng và đùi. Khi nhảy size (kích cỡ) phải phụ thuộc vào phụ nữ châu Á.

Khi ra nước ngoài, gặp đối tác, tôi lại dùng cách giống như những ngày đầu khởi nghiệp. Tôi gửi email 100 người, mong một người sẽ gặp mình. Khi gặp, tôi sẽ truyền đạt câu chuyện của mình ra sao. Tôi nhớ lại hồi mở cửa hàng tại Takashimaya (Singapore), khi đưa thương hiệu Phương My đến, tôi không lan man mà nhắm đến trung tâm mua sắm hạng nhất, định vị ngay ở mức đầu.

Trước khi gặp họ, tôi dành nhiều thời gian ở Takashimaya, xem xét tất cả nhãn hiệu từ tầng 1 đến tầng 5. Khi ngồi vào bàn làm việc với đối tác, tôi nói ra cảm giác của mình về các tầng của trung tâm thương mại và chọn tầng cho thương hiệu của mình. Tôi giải thích kỹ tại sao Phương My lại ở tầng đấy, có điểm gì khác biệt so với các nhãn hàng xung quanh.

Tôi cũng nói Phương My sẽ mang gì đến cho họ, hy vọng họ cho mình cơ hội được giãi bày, hoặc có thể chỉ là 2 hay 3 tuần được bán tại đó. Nếu mình không làm được thì mình phải chấp nhận đi. Người nước ngoài khá cởi mở, họ thích những người dám đứng ra nói, dám làm, khi làm được họ sẽ cho mình cơ hội.

- Khi mở một cửa hàng ở nước ngoài, thường bao lâu chị có lãi?

- Tôi thường chọn cách nhượng quyền thương hiệu (franchise), rất ít khi tự mở. Bởi PR, marketing rất khó quản lý khi mình không hiểu thành phố đó. Nếu bán franchise thì mình sẽ có lời ngay, rủi ro ít hơn, nhưng lời rất ít so với mở cửa hàng.

- Nhiều người cho rằng thương hiệu Việt khó vươn ra nước ngoài, rằng Việt Nam vẫn là "xưởng gia công" lớn của thế giới. Chị nghĩ sao?

- Tôi nghĩ ai cũng có ước mơ, nhưng nếu chưa làm được vì chưa đủ quyết tâm. Khi chưa làm được, mình sẽ có rất nhiều lý do để khỏa lấp. Để thành công được 10 việc trong một năm, thì Phương My phải trải qua 90 lần thất bại. Người ta không nhìn thấy 90 lần ấy, mà chỉ nghĩ đến con số còn lại. Đương nhiên, mọi người thường ca ngợi thành công vì may mắn, lý do này kia, nhưng 90 cái thất bại lại không ai nói tới.

Với tôi, không có 90 lần thất bại thì sẽ không có 10 lần thành công. Quan trọng là mình có dám làm 100 việc, thất bại 90 việc chỉ để thành công 10 việc hay không. Nếu chỉ làm 1-2 việc, thì thất bại là hiển nhiên, lý do cũng nhiều.

- Là một trong những thương hiệu tham dự New York Fashion Week 2019, chị có chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà thiết kế trẻ?

- Nhiều người hỏi tôi: "Phuong My sẽ mang điều gì tới cho New York Fashion Week?". Nhưng tôi luôn hỏi bản thân và cộng sự "New York Fashion Week sẽ mang điều gì đến cho Phuong My?". Chúng ta nên có định hướng rõ ràng, cách làm thương hiệu bài bản và bản sắc riêng khi bước ra sân chơi quốc tế để không bị lẫn vào đám đông. Tuy vậy, mỗi bước tiến mới nên mở ra nhiều hướng đi mới hơn là đóng lại.

Các sân chơi chuyên nghiệp mang tầm quốc tế không nên là mục tiêu và đích đến đối với các nhà thiết kế trẻ, mà nên là bước khởi đầu cho họ để có thể mở ra nhiều hướng đi mới trong sự nghiệp thời trang.

- Khởi nghiệp luôn là thử thách lớn dành cho các bạn trẻ. Theo chị, điều gì quan trọng nhất để thành công?

- Có nhiều đối tác nói với tôi rằng con của họ rất thích thời trang và bố mẹ sẽ ủng hộ để con theo nghề. Nhưng tôi nói không, nếu con tôi thích thời trang, tôi sẽ không ủng hộ. Ngày xưa tôi không có sự ủng hộ từ gia đình bởi ba mẹ tôi không thích ai làm nghệ thuật.

Tôi nghĩ rằng mình vượt qua được tất cả sự không đồng tình thì mới có thể sống được với nghề. Bởi gia đình, bạn bè không ủng hộ mà mình không vượt qua được, thì đi vào xã hội, còn khó gấp hàng trăm lần. Ai cũng ủng hộ, mọi thứ diễn ra quá dễ dàng, khi gặp khó khăn mình rất dễ bỏ cuộc.

Bạn có đủ quyết tâm hay không khi 10 người, 100 người nói không làm, bạn vẫn vì mục tiêu và đam mê làm nghề đó. Đến lúc không còn đủ đam mê, không đủ tình yêu đến thế, bạn vẫn đi làm như ngày đầu tiên, bạn sẽ chứng minh không sai với lựa chọn.

Khi bắt đầu một việc nào đó, khó khăn là hiển nhiên, phải chấp nhận để nghĩ ngày mai còn khó khăn hơn hôm nay rất nhiều. Mình phải vượt qua mới thể hiện được tbản lĩnh. Nếu chưa vượt qua, vẫn phải tiếp tục cố gắng. Bỏ cuộc là lựa chọn dễ nhất khi thất bại. Nhưng một khi đã thành công, bạn sẽ thấy mọi phấn đấu đều xứng đáng.

- Phụ nữ thường gặp những rào cản gì khi khởi nghiệp?

- Ngày hôm nay bạn ở đâu, dựa vào lựa chọn của ngày hôm qua, không vì may mắn hay xui xẻo. Phụ nữ được quyền lựa chọn. Nếu hôm nay bạn chọn gia đình, thì ngày mai bạn có gia đình, nhưng chưa chắc bạn đã là người thành công trong sự nghiệp.

Tôi không đánh giá ai cả, nhưng ta phải chấp nhận với lựa chọn đó. Không thể đòi hỏi vừa có gia đình, vừa muốn có thời gian nghỉ ngơi, có tiền, chăm sóc bản thân... lại là người thành công nhất. Đó là điều rất khó. Hôm nay bạn muốn gì nhất, mai sẽ có cái đó. Lan man thích quá nhiều thứ, ngày mai không có gì. Tôi nghĩ không có bí quyết gì đâu.

- Phần lớn quỹ thời gian đều gắn với công việc, chị dành cho bản thân thế nào?

- Ai cũng phải học cách yêu bản thân. Tuy nhiên, có những ngày nên đặt cái mình đã lựa chọn trên rất nhiều so với mong muốn của chính mình. Một trong những cái khó chọn nhất là làm cái mình thích hay làm điều nên làm vào thời điểm đấy.

Tôi đôi lúc thích dậy muộn, ngủ nướng, cà phê với bạn bè, nhưng nó chưa chắc đã đúng bởi còn công việc. Đôi khi tôi không cho phép mình làm điều mình muốn.

- Chị thấy mình được và mất gì khi đi theo con đường này?

- Tôi không nghĩ đến thiệt thòi hay mất mát gì, mình phải sống với lựa chọn của mình. Tuy nhiên vẫn có những buổi sáng mình nghĩ đây sẽ là ngày làm việc cuối cùng, rồi mai không làm nữa. Nhưng rồi tôi lại cố hơn một chút. Khi tuyển quản lý, tôi yêu cầu họ phải học cách cô đơn. Tôi cũng vậy, muốn trọn vẹn với công việc phải chấp nhận cô đơn.

Tuy nhiên, tôi cũng thấy mình gặp nhiều may mắn, nhưng đều do mọi người xung quanh đem lại. Khi gặp ai đó, nếu giúp được gì tôi sẽ giúp, bởi từ những ngày đầu, tôi luôn được người khác giúp đỡ. Tất cả cộng sự, những người gặp gỡ mỗi ngày... là điều may mắn nhất tôi có được.

Phương My: 'Phụ nữ mặc đồ của tôi là người giàu nhất nhì bữa tiệc'
 
 

Thi Quân