Thứ tư, 8/8/2018, 14:50 (GMT+7)

Pep Guardiola và đam mê trong ánh mắt

Man City chuẩn bị bước vào hành trình bảo vệ chức vô địch Ngoại hạng Anh, và ở đó, "đam mê" mà Pep truyền cho các học trò sẽ đóng vai trò then chốt.

“Tôi vẫn hay nhìn vào mắt các cầu thủ như nhìn vào mắt người yêu vậy,” Pep Guardiola nói khi ông còn ở Bayern Munich. “Tôi nhìn để tìm hiểu xem họ còn niềm đam mê thi đấu hay không”.

Pep Guardiola là một trong những HLV được đánh giá cao nhất hiện nay, vì thành tích và quan niệm của ông trong bóng đá.

Sự đam mê phai nhạt rất nhanh trong thời đại ngày nay. Thành công và thất bại, người hùng và tội đồ chưa bao giờ mong manh đến thế. Antonio Conte phạm sai lầm trong mùa thứ hai, sau mùa đầu tiên rất thành công cùng Chelsea. Và ông đành phải ra đi, dù thiết tha ở lại. Kịch bản tương tự từng xảy ra với Jose Mourinho. Đâu chỉ ở Chelsea, những đội bóng khác ở Anh cũng thế. Vô địch thì được khen lên mây xanh, nhưng mùa tiếp theo mà bết bát thì hết cửa làm lại. Roberto Mancini và Manuel Pellegrini ở Man City, Claudio Ranieri ở Leicester cũng đều thế cả.

Chưa một đội bóng nào vô địch hai năm liên tiếp ở Premier League sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu. Lần cuối cùng Ferguson bảo vệ thành công ngôi vương nước Anh cũng từ năm 2009. Trong tám mùa trở lại đây thì có đến sáu mùa nhà đương kim vô địch kết thúc giải với ít nhất 10 điểm kém mùa trước. Mùa gần nhất, Chelsea giành ít hơn 23 điểm so với mùa họ vô địch. Tương tự là câu chuyện của Leicester ở mùa 2017, với khoảng cách 37 điểm.

Pep luôn đòi hỏi rất cao ở các học trò, thậm chí khiến những ngôi sao cũng phải thay đổi bản thân nếu muốn tồn tại ở đội bóng của ông.

Nhưng Man City của Pep Guardiola sẽ không lụn bại như thế. Nếu thành công của Mourinho và Conte và Chelsea bùng nổ như một mối tình sớm nở tối tàn, Pep với Man City lại có một tâm thế khác. Man City chọn Pep, và Pep chọn Man City không phải vì những danh hiệu đơn thuần. Đó là sự gặp nhau ở tầm nhìn. Họ muốn tạo một nền tảng vững vàng để cùng đi đường dài, và danh hiệu chỉ là một phần trong câu chuyện ấy.

Nhưng dù là đam mê hay động lực, cũng phải có lúc hao mòn. Ngay cả ở Barcelona và Bayern Munich, Pep cũng đâu thể giữ cho đam mê của ông cháy mãi. Mùa cuối cùng ở Barca, Pep giành được bốn danh hiệu. Mùa cuối cùng ở Bayern, ông giành cú đúp quốc nội. Nhưng cả hai mùa ấy, Pep đều ra đi, sau khi chứng kiến đội nhà bị loại ở bán kết Champions League.

Hãy nghe Pep tâm sự trong cuốn sách Pep Confidential do người bạn Marti Perarnau chấp bút: “Ở Barca, không phải tôi không thể truyền động lực cho họ, mà là tôi không thể truyền đam mê cho họ nữa. Tôi đã giới thiệu hàng triệu những cách tân nhỏ trong chiến thuật để giúp đội bóng chơi tốt hơn. Nhưng khi không thể truyền đam mê đến các học trò, tôi đành phải ra đi”.

Đấy có thể là một cách biện minh, nhưng rõ ràng Pep không ở CLB nào lâu được, dù có thể ông thiết tha muốn. Ông có vẻ muốn thay đổi điều đó, khi đồng ý gia hạn hợp đồng với Man City thêm ba năm cách đây ít lâu. Nhưng ký là một chuyện, có thực hiện được hay không lại là chuyện khác.

Khi Pep gặp Sir Alex Ferguson tại một bữa ăn tối ở New York vào năm 2012, điều ông quan tâm nhất là: tại sao Ferguson có thể làm việc lâu đến như vậy ở cùng một đội bóng. Ferguson đã giải thích rất nhiều cho Pep, và Pep cố áp dụng những bài học của Ferguson vào cho mình. Trong các đối thủ mà Ferguson từng đối đầu, Pep cũng là người ông quý nhất. Cuốn tự truyện đầu tiên của Pep, chính Ferguson là người viết lời tựa.

Không chỉ cách tân trong chiến thuật, Pep còn là một chuyên gia tâm lý hàng đầu trong phòng thay đồ.

Mùa trước, Man City đã lên đến cực đỉnh với Pep. Họ thắng 32 trên tổng số 38 trận ở Premier League, giành 100 điểm và ghi 106 bàn. Chính HLV Maurizio Sarri của Chelsea đã gọi thành tích ấy là “vô tiền khoáng hậu”. Pep thừa nhận việc tái lập thành tích ấy là không thể. Nhưng tiến bộ ở những giải đấu khác, như Cúp FA và Champions League là khả thi. “Tôi ở lại vì tin đội bóng còn tiến bộ, nếu không tôi sẽ đi”, Pep nói.

Câu nói ấy đặt ra những hoài nghi. Liệu có thể tiến bộ được nữa chăng với lối chơi đã khiến tất cả phải thán phục mùa trước. Liệu có thể nâng cấp một đội bóng được xưng tụng là hay nhất lịch sử Premier League? Kevin de Bruyne hay Leroy Sane liệu còn có thể chơi tốt hơn nữa chăng? Vincent Kompany và David Silva đều đã 32 tuổi, Fernandinho đã 33 tuổi. Nỗ lực tìm người thay thế ở vị trí đánh chặn của Pep đã thất bại khi hai mục tiêu của ông là Jorginho và Fred đều chọn đến những đội bóng đối thủ. Ông sẽ giải quyết bài toán giữa sân thế nào?

“Giây phút các cầu thủ nghĩ mình đã quá giỏi, chúng ta sẽ bắt đầu đi xuống”, Pep nói.

Amazon Prime chuẩn bị trình chiếu bộ phim tài liệu về Man City. Trong trailer có đoạn Pep nói chuyện trong phòng thay quần áo khá thú vị. Nó diễn ra trong một trận đấu hiếm hoi mà Man City đá dở mùa trước. Ông đứng trước các cầu thủ và nói: “Tất nhiên tôi sẽ bảo vệ các anh cho đến ngày cuối cùng của đời mình. Đấy là trong phòng họp báo. Còn ở đây thì tôi sẽ nói thẳng: Hôm nay tôi không thấy khát vọng chiến thắng của mọi người. Một số người có vẻ chỉ chơi hay hơn khi bực mình gì đó với tôi. Vậy thì nếu như ghét tôi, hãy ghét tôi nhiều vào, các anh ạ”.

Tất nhiên là cầu thủ không ghét Pep, ngoại trừ những trường hợp cá biệt như Yaya Toure. Trái lại, họ rất yêu quý ông. Nhiều người đã nói một năm làm việc với ông, tiến bộ hơn nhiều năm ở đội khác. Nhưng phát ngôn của Pep một lần nữa làm dày dặn hơn quan điểm của ông: ông không cần động lực mà cần sự mê hoặc. Hoặc yêu hoặc ghét, nhưng phải là cảm xúc. Vì cảm xúc thôi thúc con người ta hành động mạnh hơn lý trí.

Đây mới là cái khó nhất dành cho De Bruyne và các đồng đội. Vì Pep không chỉ muốn thắng, ông muốn thắng hay hơn, đẹp hơn nữa. Sir Alex Ferguson cũng từng đòi hỏi rất nhiều ở các cầu thủ, nhưng nó lại là một kiểu tạo động lực rất khác. Ông thầy người Scotland tiêm vào đầu các cầu thủ cải cảm giác sợ thua, cảm giác sẽ bị chế giễu, hạ nhục. Ông từng thua Arsenal, Chelsea, Man City trong sự nghiệp, nhưng ông biến thất bại ấy thành doping cho các cầu thủ.

Nỗi sợ là cái gì đó rất cụ thể. Có người sợ nhện, sợ độ cao, sợ bóng tối. Sir Alex khiến vào cầu thủ sợ... nhục, sợ thua, sợ thất bại và biến nỗi sợ ấy thành sức mạnh. Còn Pep lại đi theo con đường tiêm vào đam mê. Đam mê là một thứ gì đó rất mông lung, và không ổn định. Nhưng Pep lại tin vào điều đó.

Danh hiệu đối với Pep chỉ là một phần trong cuộc chơi.

Pep là HLV chuyên nghiệp duy nhất từng gọi cầu thủ là... người yêu. Và trong triết lý của ông, có lẽ, nói một ngàn câu chiến thuật không bằng một lần... nhìn vào mắt nhau!

Hoài Thương