Thứ bảy, 25/5/2019, 00:00 (GMT+7)

Những tay đua cự phách trên đường đua số

Các đội từ 9 trường đại học hàng đầu của Việt Nam, Anh và Nga sẽ cùng so tài trong trận chung kết cuộc đua xe tự hành quốc tế - Cuộc đua số.

Cuộc đua số là cuộc thi về công nghệ tự hành tiên phong tại Đông Nam Á, góp phần đào tạo nguồn nhân lực số. Từ 16 đội thuộc 10 trường đại học, vòng bán kết cuộc thi với chủ đề "Lập trình Xe tự hành" do FPT và VTV đồng tổ chức đã chọn ra đại diện xuất sắc vào chung kết, đó là:

UET Fastest (Đại học Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội)

Là đương kim vô địch Cuộc đua số Mùa 2, UET Fastest cũng là đội thi có thành tích tốt nhất tại vòng Bán kết Cuộc đua số Mùa 3. Đội đã hoàn thành vòng đua dài 62,5m trong thời gian 21 giây, tương đương tốc độ trung bình khoảng 10,7km/h. Có thời điểm, xe của UET Fastest đạt tốc độ lên tới 30km/h. Trong một cuộc thi tương tự do Audi tổ chức, với mô hình xe 1:8, đội tốt nhất chỉ đạt thành tích khoảng 4km/h.

DaTeh IT (Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc Gia TP HCM)

Thành tích tốt nhất của Dateh IT tại Bán kết Cuộc đua số Mùa 3 là hoàn thành vòng đua 49,3m trong thời gian 44 giây, tốc độ trung bình 4km/h. Dù chưa thực sự hoàn thiện về khả năng lập trình phần cứng nhưng đây là một đội mạnh về tư duy thuật toán. Cải thiện được điều này ở vòng chung kết, DaTeh IT có thể làm nên chuyện.

LHU The Walkers (Đại học Lạc Hồng)

Giành tấm vé cuối cùng trong vòng Bán kết miền Nam để bước vào vòng Chung kết, LHU The Walkers – đại diện đến từ ĐH Lạc Hồng đã chuẩn bị kĩ lưỡng để đối đầu với các đối thủ xuất sắc còn lại của vòng chung kết. Tại vòng bán kết, xe do đội lập trình chỉ đi được 19,8m trong thời gian 10 giây nhưng tốc độ trung bình đạt hơn 7km/h, hơn rất nhiều đối thủ khác. 

Bên cạnh đó, LHU The Walkers nhận được sự hỗ trợ cơ sở vật chất, thời gian tốt nhất, sự ủng hộ của các thầy cô giáo và ban giám hiệu trường ĐH Lạc Hồng. Kiến thức lập trình tốt, sự chăm chỉ luyện tập cùng quyết tâm cao độ giúp LHU The walkers là một nhân tố có khả năng tạo ra kỳ tích.

CDSNTU2 (Đại học Nha Trang)

Đây là đội về thứ hai bán kết khu vực miền Nam với quãng đường đua dài 49,3m trong thời gian 41 giây, tốc độ trung bình 4,3km/h. Kiên trì, chịu khó, các thành viên trong đội luôn tự động viên nhau để vượt qua từng vòng thi. Các thầy cô trong trường cũng tạo điều kiện giúp đỡ đội như cung cấp địa điểm học tập nghiên cứu, cung cấp phần cứng, tài liệu học tập. Trung thành với chiến thuật "chậm mà chắc", đội Á Quân tại Bán kết miền Nam là một trong những đối thủ đáng gờm.

SQ26 (Đại học Thông tin liên lạc)

Đây là đội duy nhất hoàn thành trọn vẹn một vòng đua, xếp thứ nhất bán kết phía Nam vừa qua với quãng đường 62,5m trong thời gian 35 giây. Trước khi tham gia Cuộc đua số Mùa 3, Đại học Thông tin liên lạc còn tự tổ chức một cuộc thi tương tự với quy mô cấp trường để tạo cơ hội thực hành cho sinh viên. Từng cọ sát ở một cuộc thi tương tự sẽ là nền tảng vững chắc cho các "tay đua" của Đại học Thông tin liên lạc làm nên chuyện tại trận chung kết Cuộc đua số Mùa 3.

Fast and Fiery (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

Đứng thứ ba trong vòng bán kết khu vực phía Bắc nhưng Fast and Fiery tràn đầy tinh thần chiến đấu khi sở hữu bốn thành viên đều là những sinh viên xuất sắc, đạt học bổng nhiều kỳ liên tiếp, thủ khoa đầu vào trường. Tại vòng Bán kết Cuộc đua số, đội đã hoàn thành vòng đua với thời gian 32 giây, đạt tốc độ trung bình 7km/h. Chưa có nhiều kinh nghiệm trên đấu trường khốc liệt đến từng giây của Cuộc đua số, Fast and Fiery lại có được kỹ năng lập trình thuật toán và xử lý tổng quát tốt. Tham vọng và ý chí chiến đấu cũng sẽ là vũ khí để họ giành ngôi vị quán quân mơ ước.

PTIT Word.Exe (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

Sở hữu bảng thành tích đáng nể trong các cuộc thi công nghệ, kinh nghiệm đa dạng cùng bản lĩnh vững vàng đã đưa PTIT Word.Exe trở thành cái tên cuối cùng đại diện miền Bắc có mặt trong vòng Chung kết. Tại trận Bán kết, đội mất 33 giây để hoàn thành đường đua, đạt tốc độ trung bình 6,8km/h.

Từng tham gia mùa trước nhưng phải dừng bước ở vòng của trường, chưa khi nào PTIT Word.Exe thể hiện sự cần cù, nỗ lực và quyết tâm đến vậy như trên đường đua số. Sự tỉnh táo trong những giây phút quyết định có thể là yếu tố làm nên chiến thắng cho đội.

MTA_R4F (Học viện Kỹ thuật Quân sự)

MTA_R4F gồm bốn sinh viên năm thứ ba và thứ tư, đều có thành tích cá nhân xuất sắc như giải Học sinh giỏi Toán toàn Thành phố Hà Nội hay các giải cao trong cuộc thi Olympic tin học nhiều năm liền. Trong vòng bán kết, đây là đội mạnh thứ hai khu vực phía Bắc với thời gian hoàn thành 25 giây.

Cách xử lý thuật toán thông minh, phong độ ổn định cùng kinh nghiệm có được từ mùa thi trước giúp họ trở thành đối thủ đáng gờm. MTA_R4F cũng là đội đua được hội đồng chuyên môn đánh giá cao với lối chơi chắc chắn.

Meantime (Đại học Greenwich, Anh)

Vượt qua vòng tuyển chọn khắt khe, Meantime tập hợp ba thành viên xuất sắc nhất đến từ Đại học Greenwich (Anh) với hy vọng làm nên điều bất ngờ trong cuộc thi. Các thành viên đều chưa có kinh nghiệm về ROS (Hệ điều hành mã nguồn mở đang được ứng dụng trong Cuộc đua số), thư viện mã nguồn mở openCv và cả các bộ phận, chi tiết để phát triển phần cứng trên chiếc xe cũng hoàn toàn lạ lẫm. Tuy nhiên, sự cần cù, chăm chỉ và những tố chất nhanh nhạy của các lập trình viên và nghiên cứu giải pháp giỏi nhất trường hoàn toàn có khả năng giúp Meantime "trấn áp" được những tay đua xe tự hành khác tại Cuộc đua số. Đại học Greenwich là trường thuộc top 701-750 thế giới, theo xếp hạng của của Tổ chức QS năm 2019.

C305 (Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Nga)

Thuộc dự án trọng điểm C305 chuyên nghiên cứu robot, IoT của Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, các thành viên đều có kiến thức nền tảng và chuyên môn vững vàng. Đội không xa lạ với phần cứng và phần mềm vì đây đều là những tác vụ quen thuộc trên giảng đường đại học của họ. Trong số các thành viên của C305 có một thí sinh giàu kinh nghiệm khi nhiều lần tham gia các cuộc thi về Robotic trong và ngoài nước.

Trường Đại học Tổng hợp liên bang Viễn Đông là một trong những trường có lịch sử lâu đời nhất và mạnh nhất về nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật tại Nga, thuộc top 541-550 thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS năm 2019.

Chung kết Cuộc đua số 2018 - 2019 được tổ chức 19h30 ngày 25/5 tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Tây Hồ (Hà Nội). Chương trình được livestream trên Fanpage Cuộc đua số , trực tiếp trên VTV2VnExpress. Khán giả dự sự kiện sẽ có cơ hội gặp gỡ ca sĩ Amee và tham gia game tương tác với tổng giá trị giải thưởng 20 triệu đồng.

Bích Hải