Thứ tư, 20/11/2019, 09:00 (GMT+7)

Những hoạt động hỗ trợ thực hiện Quyền trẻ em năm 2019

Tổ chức giải bóng đá quốc gia cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ra mắt bộ tài liệu cho trẻ tự kỷ... là những hoạt động chính của Qũy Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN) năm nay.

Hưởng ứng năm quốc gia hành động vì phụ nữ và trẻ em, Quỹ BTTEVN tiếp tục duy trì các hoạt động hỗ trợ trẻ em - thực hiện quyền trẻ em. Về dinh dưỡng và y tế, quỹ triển khai chương trình Sữa học đường, Vì trái tim trẻ thơ, Phẫu thuật dị tật sứt môi, hở vòm, Phẫu thuật dị tật mắt bẩm sinh, Xây dựng công trình nước sạch, nhà vệ sinh cho vùng miền núi. Về giáo dục, Quỹ cấp học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập cho trẻ em nghèo; xây nhà nội trú, điểm trường ở vùng miền núi, biên giới; cung cấp thiết bị vui chơi; cấp xe lăn cho trẻ khuyết tật... Dưới đây là những hoạt động nổi bật của quỹ năm nay.

Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Đây là giải bóng có quy mô toàn quốc, lần đầu tiên được tổ chức cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở Việt Nam với sự tham gia của tất cả địa phương và Bộ Công an. Sau thời gian lựa chọn, có 27 đội tranh tài ở hai vòng loại khu vực và vòng chung kết. Giải bóng đá đã tạo sân chơi bổ ích, đầy tính nhân văn cho trẻ em đang sinh sống tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ em, làng trẻ em SOS, trường giáo dưỡng (Bộ Công an).

Lễ trao giải vòng chung kết Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt năm 2019.

Giải đã thu hút sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, các bộ ngành, cơ quan truyền thông và đặc biệt là sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tài trợ cho giải. Chung cuộc, giải nhì thuộc về Bộ Công an (Trường Giáo dưỡng) và đội vô địch là Hà Tĩnh.

Bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ

Một vị khách tham khảo tài liệu trưng bày tại Hội thảo giới thiệu Bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ. 

Theo ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ BTTEVN, tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam đã giúp các gia đình giảm bớt khó khăn trong lựa chọn phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng; giúp trẻ em có cơ hội hòa nhập và giúp các đơn vị, cá nhân đang tổ chức can thiệp, chăm sóc phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ có định hướng rõ hơn để xây dựng tiêu chuẩn quản lý các cơ sở dịch vụ chăm sóc trẻ tự kỷ, góp phần vào hình thành chính sách cho trẻ em tự kỷ ở nước ta trong thời gian tới.

 Tài liệu là kết quả của công trình nghiên cứu với quy mô lớn. Quỹ BTTEVN đã vận động kinh phí tài trợ, tập hợp các nhà khoa học với nhiều trường phái khác nhau trong các lĩnh vực tâm lý giáo dục, y tế, xã hội học, phát triển trẻ em, quản lý nhà nước... cùng hướng đến sản phẩm để hỗ trợ thiết thực hiệu quả cho trẻ em tự kỷ.

Trẻ tự kỷ biểu diễn tại hội thảo.

Hiện nay số lượng tài liệu chỉ mới đáp ứng 5% nhu cầu của cộng đồng, tài liệu được đăng ký để truyền tay đọc và làm theo. Quỹ BTTEVN đang phối hợp với cộng đồng cha mẹ có con tự kỷ thống kê số lượng và kêu gọi tài trợ để tái bản và phát hành trong năm 2020.


Xây dựng điểm trường, nhà nội trú cho trẻ em vùng cao

Với mục đích mọi trẻ em đều được đến trường và không phải bỏ học vì sống xa trường, hàng loạt điểm trường, nhà nội trú đã được xây dựng trong những năm qua như: Trường THCS Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa); Trường Tiểu học Lũng Lìu và Quang Trung (Hòa An, Cao Bằng); Trường THCS Thuần Mang (Ngân Sơn, Bắc Kạn); Trường Tiểu học xã Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu); Trường Tiểu học xã Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ)...

Các điểm trường, nhà nội trú đều gồm phòng học, phòng ở, sân vườn, công trình vệ sinh, nhà ăn, nơi xử lý rác gắn với hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường, đền ơn đáp nghĩa... nhằm đảm bảo điều kiện cho trẻ em dân tộc ít người học tập và sinh sống. Nhờ đó nhiều em đã học giỏi, trưởng thành, có em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh như Sùng Thị Minh (Trường THCS Thuần Mang).

Đặc biệt, Bản Lá - Sinh Long từ một điểm trường vùng cao thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu hút học sinh đến trường đều đặn, nay còn trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, góp phần vào phong trào xây dựng nông thôn mới.

Điểm trường Bản Lá - Sinh Long trước khi được xây lại.

Bản Lá là một trong 8 điểm trường của Trường Tiểu học xã Sinh Long, cách điểm trường chính khoảng 13 km, đường đi lại rất khó khăn, mùa mưa không có phương tiện nào đến được ngoài đi bộ. Điểm trường được Quỹ BTTEVN phối hợp với Đại sư quán Singapore tại Việt Nam huy động kinh phí thông qua giải chạy hữu nghị từ thiện với 3 phòng học (mái đổ bê tông cốt thép) và các công trình phụ trợ (sân vườn, tường rào, phòng y tế, nhà vệ sinh và bồn hoa...) phục vụ cho gần 70 trẻ em dân tộc Dao được khánh thành bàn giao sử dụng vào ngày 24/1.

Chia sẻ về những hoạt động của Quỹ BTTEVN trong năm vừa qua, ông Hoàng Văn Tiến cho biết: "Hiện nay, trong số hơn 26 triệu trẻ em vẫn còn hơn 2,8 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 2,1 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là đối tượng trẻ em cần được hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em quan tâm hỗ trợ. Trong khi Ngân sách nhà nước dành cho các hoạt động trợ giúp trẻ em còn nhiều hạn chế thì việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, từ cộng đồng xã hội là rất cần thiết".

Ông Hoàng Văn Tiến phát biểu tại chương trình "Doanh nhân và cộng đồng vì trẻ em năm 2019", Phú Thọ.

Cũng theo ông Tiến, mặc dù chức năng nhiệm vụ của Quỹ BTTE đã được quy định cụ thể trong Luật Trẻ em (Điều 95) nhưng do các địa phương đang thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy hành chính - sự nghiệp, một số địa phương đã sáp nhập cơ quan Quỹ Bảo trợ trẻ em vào các đơn vị khác gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động nguồn lực và thực hiện triển khai hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn tại địa phương.

Chia sẻ về giải pháp giúp Quỹ vận hành tốt hơn, ông Tiến cho rằng, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở các địa phương là yêu cầu tất yếu theo chủ trương chung của Đảng và Nhà Nước, tuy nhiên sắp xếp sao cho phù hợp nhưng không làm triệt tiêu nhiệm vụ của một cơ quan chuyên môn đặc thù như Quỹ Bảo trợ trẻ em là sự cân nhắc của các cơ quan tham mưu và lãnh đạo các địa phương. Thực tế trong những năm qua, địa phương nào có sự quan tâm đúng mức về tổ chức, bộ máy, nhân sự cho cơ quan Quỹ BTTE tỉnh thì hoạt động rất hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước tỉnh và trẻ em tại địa phương ấy nhận được nhiều sự quan tâm, trợ giúp, hỗ trợ phát triển như Quỹ BTTE TP. Hà Nội, Nghệ An, Quỹ BTTE tỉnh Quảng Ngãi, quỹ BTTE tỉnh Bình Dương...

"Tôi mong các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương thể hiện đúng tinh thần: Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em; trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai; Vì tương lai con em chúng ta... bằng việc quan tâm đến sự ổn định hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em tại địa phương mình", ông Tiến nhấn mạnh.

Thế Đan

Quỹ BTTEVN là Quỹ duy nhất của Nhà nước được thành lập năm 1992 theo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em (từ năm 2016 gọi là Luật trẻ em). Theo điều 95 "Quỹ BTTEVN có chức năng vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết để thực hiện các mục tiêu về trẻ em được nhà nước ưu tiên".

Quỹ BTTEVN có Hội đồng Bảo trợ gồm những người có uy tín, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, tự nguyện tham gia bảo trợ và vận động nguồn lực cho Quỹ. Hiện nay, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm chủ tịch Hội đồng Bảo trợ.

Trải qua gần 30 năm thành lập với phương châm "Tận tâm - Minh bạch - Kịp thời - Cùng tham gia" toàn hệ thống Quỹ các cấp đã vận động được hơn 6.800 tỷ đồng giúp đỡ hơn 32 triệu lượt trẻ em hưởng lợi trên khắp mọi miền đất nước, thông qua nhiều chương trình ý nghĩa.