Thứ sáu, 13/4/2018, 00:08 (GMT+7)

Ngôi trường trong mơ của làng Ca Dong trên núi

Gần nửa năm sau bão Damrey, nhiều gia đình trên những dãy núi ở Nam Trà My, Quảng Nam vẫn đang gắng gượng làm lại cuộc sống.

Con bé Mộc Lan ba tháng tuổi, đã nằm chết trên lưng ba.

Anh Ngọ cõng cái xác con bé đội mưa xuống huyện. Anh cùng mấy người dân quân khiêng con bé lớn Chi Nhược và người vợ đang hấp hối, đi dọc con đường đã bị đất đá vùi lấp để xuống bệnh viện. Mưa lớn quá, có người thương hai ba con lấy ô ra che. "Con chết rồi, che làm chi nữa" – sau này người ta kể, anh kêu lên ai oán.

Mộc Lan vẫn nằm trên lưng ba. Anh biết con mình đã chết, nhưng không còn chỗ để đặt đứa trẻ xuống. Nhà anh đã bị cuốn đi sau cơn lũ. Người vợ tím tái nằm trong cáng, con bé lớn Chi Nhược đầu đập vào đá máu đầm đìa. Xóm làng cũng không còn ai. Mỗi người đang tự chạy lo mạng mình, mạng con cái. Làng anh, "nóc Ông Tuân" đã bị xóa sổ.

Rồi Mộc Lan cũng được đặt nằm xuống cạnh mẹ. Vợ anh Ngọ không chờ đến được bệnh viện. Hai người được gói trong một tấm bạt, rồi ai đó chụp cho họ bức ảnh mẹ và con đầu tiên. Tấm ảnh ấy, về sau anh Ngọ cắt ra hình Mộc Lan, nằm nghiêng, mắt nhắm nghiền, da đã xám và vẫn lấm lem bùn đất đặt lên ban thờ. Con bé chưa kịp chụp bức ảnh nào khi còn sống.

Đó là chiều 6/11/2017. Nóc Ông Tuân biến thành bãi tha ma. Hơn một trăm gia đình mất nhà cửa. Bão Damrey quét qua, nhìn từ ảnh chụp vệ tinh, xóm nghèo của người Ca Dong biến thành một vết xước lớn màu nâu trên bản đồ, giữa màu xanh của núi. 

Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Vùng đất này, trớ trêu, hay xuất hiện trên truyền thông với những cú "trúng số", khi một người dân vô tình đào được một củ sâm Ngọc Linh cao tuổi, bán được cả trăm triệu đồng. Họ nổi tiếng vì một thứ sản vật hiếm hoi, đến mức gần như là truyền thuyết.

Nhưng mỗi năm đào được hai củ sâm Ngọc Linh cao tuổi không giải quyết được bài toán kinh tế địa phương. Quyết toán ngân sách gần nhất, cả năm 2016, Nam Trà My thu ngân sách được 24,9 tỷ đồng - tức là tương đương với thu ngân sách trung bình của Quận 1, TP HCM trong 16 tiếng đồng hồ. Trong số đó, một tỷ lệ lớn đến từ thu thuế tài nguyên của các công trình thủy điện trên địa bàn.

Và rất nhiều vùng dân cư nơi này, như những người Ca Dong sống trên nóc Ông Tuân, không có khả năng phòng vệ trước những biến động của thiên nhiên.

Những dấu vết để lại trên sườn núi sau cơn lũ tàn bạo chỉ là những chái nhà ghép lợp bằng dăm ba tấm tôn mỏng phủ lên khung gỗ. Những con bò ăn cỏ bên sườn núi, chỉ có da bọc xương. Có một năm gần đây, huyện Nam Trà My làm thống kê đàn gia súc trên địa bàn và phát hiện ra chỉ trong vòng nửa năm, số gia súc đã giảm hơn 10.000 con, tức là một nửa số trâu, bò, dê, lợn,... đã biến mất. Người dân không biết cách nuôi, hay không chống được dịch bệnh. Trâu bò chết rồi, cũng không dám nuôi lại, sợ nợ nần không lấy đâu tiền trả.

Anh Đảng kể về ngày cơn lũ vùi mất đứa con đầu lòng              

Người Ca Dong bao đời sống trên những "nóc" quanh dãy Ngọc Linh, "mắt sáng da nâu, hiền như củ mì củ mài, lành như con sóc con nai" - theo cách mô tả của nhà thơ Ngarivê. Họ gọi tên những đỉnh núi nơi mình đang sống theo tên của người già làng được kính trọng, đã lập nên làng mới. Nóc Ông Tuân là một nơi như thế. Xóm làng của họ, cho đến tận những thập kỷ gần đây, vẫn bình yên và biệt lập với nhịp sống chung ngoài xã hội. Người Ca Dong từng được xếp chung vào một nhóm với người Xê Đăng, và phải mãi tới vài năm trước mới có những nghiên cứu tìm hiểu kỹ về tộc này, phân định họ.

Nhưng rồi lần hiếm hoi người Ca Dong ở Nam Trà My lên báo, mà không phải đào được củ sâm, lại là ngày chái nhà đơn sơ của họ vùi ngập trong đất đá.

Chiều 6/11/2017, trong cơn mưa tầm tã, người ta nghe một tiếng nổ lớn vang lên. Đỉnh núi vỡ tan thành cơn lũ.

Chiều hôm ấy, thằng cu Đội đang chơi cùng chúng bạn ở nhà hàng xóm, anh Đảng vẫn nhớ. Thằng cu Đạm em nó cũng nhớ. Vì anh Đội sẽ không về chơi cùng nó nữa. Bây giờ, thỉnh thoảng ngủ dậy, nó vẫn hỏi: "Ba ơi anh con đâu?".

Những mái nhà tạm được dựng lên ở Khe Chữ 

Anh Đảng ngồi một mình trong túp lều bằng gỗ phủ bạt. Chỗ trú mới được dựng tạm sau cơn lũ. Căn lều tối. Anh không buồn nhấc tấm liếp che cửa lên cho ánh sáng lọt vào. Chai bia nhựa đã vơi đặt bên cạnh. Bàn thờ của cu Đội dựng tạm trên vách. Cu Đạm đã đi lớp mầm non. Vợ anh loay hoay sau nhà như tránh gặp người lạ. Chị chưa vượt qua được bi kịch mất con.

Họ đã được bộ đội giúp di chuyển và định cư sau cơn lũ. Những người dân nóc Ông Tuân bây giờ làm lại cuộc sống cách làng cũ chừng 3 cây số, ở một vùng gọi là "Khe Chữ". Đó là một thung lũng phẳng rộng chừng 50 héc ta, không có nguy cơ sạt lở. Chính quyền huyện đã vận động cả những gia đình chưa bị lũ cuốn bỏ căn nhà cũ bên sườn núi để tới đây.

Xóm làng mới của người Ca Dong vẫn ngổn ngang. Những căn nhà gỗ đang được dựng lại từ tiền hỗ trợ, xếp lớp cạnh những túp lều tạm từ vài tháng trước. Những con người vẫn mang ánh mắt thẫn thờ.

Bản đồ thể hiện vị trí của Khe Chữ so với 2 trung tâm hành chính gần nhất

Những lớp học dựng trên một miếng đất cao nằm ở góc làng. Hai phòng học được dựng tạm bằng khung sắt và bạt nylon. Trang thiết bị của lớp mẫu giáo đáng kể nhất là hơn chục chiếc ghế cũ, được chuyển đến từ điểm trường cũ. Phía ngoài là một loạt cặp sách mới tinh giống hệt nhau, dấu vết điển hình của một đoàn từ thiện nào đó vừa đi qua. Nhưng bên trong, lũ trẻ đi chân đất lấm lem trên cái nền đất mới san. Những quần áo đã rất cũ, ngả màu.

Thằng cu Đạm ngồi trên một chiếc ghế ở góc lớp. Nó mặc một cái áo có hình sóc chuột Chipmunks có lẽ từng là màu trắng. Cô giáo nói cu Đạm không có biểu hiện gì bất thường về tâm lý. Ba Đảng nói nó nhớ anh Đội lắm. Nhưng trong những bức hình của lớp học, thằng bé trong chiếc áo Chipmunks vẫn vui vẻ với chúng bạn. Ở đây, giữa những tấm bạt quây nylon được gọi là "lớp học" này, nhiều ánh sáng hơn là ở căn nhà nơi ba mẹ nó đang im ắng trong nỗi đau.

Thằng Đạm được vui hơn bạn Chi Nhược. Anh Ngọ bế Chi Nhược đi lang thang trong làng. Vợ và con gái nhỏ đã mất, anh chỉ còn bé lớn ở bên mình. Con bé bị đá đập vào đầu, may mắn sống sót qua ngày hôm ấy, được đưa xuống bệnh viện sản nhi Đà Nẵng để điều trị. Nhưng bây giờ, ngay cả khi việc làm lại cuộc sống vẫn đầy bộn bề, anh Ngọ không cho con đi lớp. Anh thanh minh, nó khóc quá. Anh cứ ôm con cả ngày. Con bé ở nhà với ba, không khóc, nhưng cũng không thấy cười.

Bà nội Chi Nhược sống ở nhà bên, nhìn người lạ không chào, không cười, không giao tiếp bằng ánh mắt. Người phụ nữ vừa mất con vừa mất cháu, đứng dựa vào vách, nhìn về phía làng mới, không nói năng.

Cô giáo mầm non nói cũng muốn Chi Nhược đến lớp, nhưng đã một thời gian không thấy anh Ngọ đưa con qua. 

Điểm trường Khe Chữ có hai thầy cô. Cô Ngọ dạy mầm non và thày Khánh dạy tiểu học. Tất cả hy vọng tương lai của Khe Chữ, gói trong những tấm bạt quây khung thép này: một lớp mầm non, một lớp tiểu học và phòng của hai thày cô. Giữa những tấm bạt ấy, cô Ngọ và thầy Khánh vẫn đang cố duy trì không khí như bao điểm trường miền núi khác. Bọn trẻ chân đất trong quần áo cũ nô đùa, ê a đọc ngọng chính tả, tô chữ nắn nót trên vở ô li, và đồng thanh chào người lớn.

Nhà cô Ngọ cách trường mấy chục cây số. Muốn về thăm chồng con, cô phải đi nhờ xe qua con đường ngổn ngang đất đá dọc Trà Vân, con đường mà những chiếc xe SUV một cầu sẽ nằm im bất lực giữa đường khi trời đổ mưa nhẹ. Đường lầy lội bùn, gập ghềnh đất, khúc khuỷu cua và đầy những con dốc dài trơn trượt. Nó đi qua những nơi như nóc Ông Tuân, từng là xóm làng nhưng giờ là một bãi đất lởm chởm với những vết nứt toác hằn vào sườn núi. Chính quyền huyện đang gấp rút bê tông hóa con đường ấy, để nối Khe Chữ với trung tâm huyện cách đó 25 cây. Nhưng mỗi tuần, cô Ngọ chỉ về thăm nhà được một lần.

Cô giáo trẻ sống ở đó, cũng trong một căn phòng tạm bợ bằng tôn và bạt, chia sẻ cơn bĩ cực với dân Khe Chữ. Và mong ngóng một ngôi trường mới trong tưởng tượng.

Nhiều đoàn tình nguyện đã đến đây và nói với thầy cô về mong muốn xây một ngôi trường mới cho Khe Chữ. Nhưng ngôi trường vẫn chỉ đang tồn tại trong những lời hứa. Thầy cô tạm xoay xở với mấy cái lớp học khung sắt thành đã thành quen. "Khó khăn à?", cô Ngọ ngập ngừng khi được hỏi. Cô không trả lời được rành rọt khó khăn là gì. Vì ở Khe Chữ này, mọi thứ đều là con số 0, ngôi trường của cô một viên gạch cũng không có, nên không biết khó khăn là gì. "Không có khó khăn gì thì có cần xây trường mới nữa không", ai đó đùa. "Có chứ, em cần chứ", cô hoảng hốt đáp lời.

"Trường mới" của Khe Chữ trong hình dung của các thầy cô và chính quyền địa phương, chỉ là ba phòng học cho khoảng 60 đứa trẻ, phòng riêng cho thầy Khánh và cô Ngọ sinh hoạt, nhà vệ sinh, một cái bếp và một phòng ăn. Chi phí xây dựng trong hình dung, cũng sẽ lạc lõng nếu đặt vào phần lớn các bản cáo bạch ở bất kỳ địa phương thịnh vượng nào. Nhưng ở đây, khi mà nhu cầu xây dựng cơ bản đang la liệt từ nhà cửa, đường sá đến nước sạch, huyện không có ngân sách, thì mấy căn phòng gạch có lát nền cho trẻ con chơi cũng chưa biết ngày nào có.

Huyện biết tình trạng khó khăn, nên viết đơn xin mấy nơi tài trợ. Nhưng mãi chưa thấy "trường mới" trong tầm tay.

Lớp học tạm của các em học sinh tiểu học ở Khe Chữ

VnExpress hứa với Nam Trà My một ngôi trường.

Khi các thành viên của báo trở ra từ Khe Chữ, trên chiếc xe bốn bánh đang rít lên khó nhọc giữa bùn nhão, chúng tôi đã hỏi nhau: Một ngôi trường có phải là thứ mà Khe Chữ đang thực sự cần? Hàng trăm con người đã mất hết, và trong số các hạng mục xây dựng cơ bản cần khẩn trương, thì một ngôi trường khang trang chưa nằm trong nhóm đầu.

Nhưng rồi một thống nhất được đưa ra: ngôi trường giữa cái thung lũng ấy có ý nghĩa nhiều hơn công năng của một công trình kiến trúc. Một nơi tươm tất để những ông bố bà mẹ gửi con đến mỗi sáng, cho chúng học chữ, chơi với nhau, hay ít nhất là để cười, sẽ tiếp thêm sức mạnh để Khe Chữ làm lại từ đầu

Chúng tôi gọi điện cho anh Ngọ, động viên anh đưa Chi Nhược đến lớp. Nhà mới đã dựng xong. Anh còn rẫy phải làm. Con bé cần được nô đùa với bè bạn. Cô giáo cũng đang ngóng.

Lời hứa về ngôi trường mới được đưa ra, vì Khe Chữ cần hy vọng. Và quan trọng hơn, vì khả năng thấu hiểu các vấn đề xã hội trong những độc giả thân thiết của VnExpress từ lâu đã được chứng minh. 

Chỉ cần một trong số mười độc giả biết đến những gì đã diễn ra ở Nam Trà My, sẵn sàng đặt một viên gạch xuống Khe Chữ, những đôi chân trần trẻ con sẽ không còn lem luốc.

Bài: Đức Hoàng
Đồ họa: Tiến Thành