Thứ hai, 1/10/2018, 14:05 (GMT+7)

Lễ hội nhuốm màu huyền bí của người Dao

Bên cạnh lễ nhảy lửa, dân tộc Dao ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) còn có phong tục lạ khác là lễ cúng Bàn Vương.

Đồng bào người Dao là dân tộc có nhiều phong tục mang đậm dấu ấn tâm linh. Trong đó có lễ cúng Bàn Vương - vị thủy tổ đã sinh ra 12 nhánh dân tộc Dao là các họ: Bàn, Triệu, Đặng, Phượng, Lý, Lê, Phùng, Trúc, Trần, Trương, Hoàng, Sàm.

Lễ hội Bàn Vương của người Dao
 
 

Trong tuần văn hóa du lịch “Qua miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” lần thứ tư, ngày 29/9 vừa qua, chính quyền và nhân dân xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã tổ chức tái hiện lại nghi lễ cúng Bàn Vương của dân tộc Dao. 

Bàn thờ treo bộ tranh thờ “Tam thanh” - 3 vị thần trong tín ngưỡng người Dao cai quản 3 nơi là Ngọc thanh (thần cai quản trên trời), Thượng thanh (thần cai quản trần gian) và Thái thanh (thần cai quản âm phủ).

Theo truyền thuyết, tuy là vua nhưng Bàn Vương vẫn giữ thói quen sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Ngài luôn căn dặn các con phải chăm chỉ lao động sản xuất. Có một lần, Bàn Vương cùng tùy tùng lên núi săn bắn, đuổi theo một con sơn dương bị thương, chẳng may bị sơn dương húc, ngài ngã vào cây gù hương và mất tại đó. Thi thể Bàn Vương bị vướng trên nhành cây, các con bèn chặt cây làm thân trống, đuổi bắt con sơn dương để lấy da làm trống tế lễ Bàn Vương. Từ đó. cứ đến khoảng tháng 2 Âm lịch hàng năm, con cháu người Dao từ đời này sang đời khác phải nhớ ngày cúng giỗ Bàn Vương, thể hiện sự biết ơn với tổ tiên đã sinh ra họ.

Người dân các thôn chuẩn bị lễ vật, chờ đến giờ tốt để dâng lên Bàn Vương. 

Các thầy cúng bắt đầu thay lễ phục, giúp nhau sửa soạn mũ áo.

Chân dung một trong số sáu thầy cúng của buổi lễ.

Ông Triệu Chòi Quyên, thầy cúng trong xã, cho biết: "Các thầy cúng sẽ hát những bài ca cúng để nhờ thần linh, thổ địa nghênh đón Bàn Vương xuống đàn, nhận lễ vật của con cháu dâng lên".

Sau mỗi lời khấn bằng tiếng Dao, thầy cúng và người dân các thôn cùng quỳ lạy Bàn Vương.
Các điệu múa chuông, múa bắt rùa... lần lượt được các thầy cúng thực hiện sau khi mời để tái hiện lại tiểu sử của Bàn Vương năm xưa như vóc dáng, cách hái lượm săn bắn. Việc này theo các thầy cúng vừa để thể hiện ý chí, sức mạnh sinh tồn của người xưa, vừa để nhắc nhở con cháu ngày nay cần cù, chịu khó làm ăn như cha ông trước đây.
Nối tiếp sau nghi lễ là phần hội với trò chơi vật chày, cho phép tất cả những người có mặt tại buổi lễ tham gia, kể cả khách du lịch. 

Theo ông Quyên, vật chày là một trò chơi dân gian thể hiện sức mạnh, sự kết hợp khéo léo, sự bí ẩn của cả người gánh và người vật. Sau khi thầy cúng làm phép nhờ thần linh giúp đỡ, dù rất đông người cùng tham gia nhưng không thể ấn nổi đầu chày chạm đất. Điều này thể hiện việc bản làng năm đó được các vị thần phù hộ, nâng đỡ.

Người dân tới dâng lễ và tham gia lễ hội Bàn Vương.

Kiều Dương