Thứ tư, 7/2/2018, 00:00 (GMT+7)

Làng tranh Đông Hồ trên đường hóa thân 'làng vàng mã'

Nghề làm tranh Đông Hồ, một đại diện tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt, đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả bày ra trên bàn hai bức Đám cưới chuột - một trong những biểu tượng văn hóa Việt Nam. Một bức là tranh ông làm. Một bức là tranh mua ở cửa hàng lưu niệm tại Sài Gòn.

Chỉ nhìn thoáng qua cũng đủ cho người ngoài nghề nhận ra sự khác biệt: một bức bằng giấy dó mỏng và nát hơn, chất keo điệp đã tróc ra thành mảng hầu như không óng ánh, in chờm nét nọ sang nét kia. Màu sắc của bức "lưu niệm" cũng nhợt nhạt kém tự nhiên hơn nhiều so với bức "nhà làm", thậm chí còn bỏ hẳn một số chi tiết không in màu.

Nhìn kỹ hơn, nhiều chi tiết tranh đã bị thay đổi và các chữ viết Hán tự cũng không chính xác.

Tranh của nghệ nhân làng Đông Hồ (trái) và tranh bán ở cửa hàng lưu niệm (phải) chụp trong cùng ánh sáng

"Tranh Đông Hồ không chỉ có hình ảnh mà phần chữ Hán đi kèm cũng vô cùng quan trọng. Để làm nổi bật sự thống trị của tầng lớp phong kiến, người xưa phóng đại con mèo lên với nhiều đường nét to lớn, dữ tợn như hổ. Chính vì thế mà trên đầu con hổ phải có một chữ Miêu cho người xem tranh biết đó là con mèo" – ông Quả giải thích. Chữ Miêu trong tranh mua ở Sài Gòn viết không đúng. Tương tự, chữ "chú rể" cạnh chú chuột cưỡi ngựa đi đầu hàng dưới hay nhiều chữ khác trong tranh, tất cả đều thiếu nét và mờ mịt.

"Thực ra không nên nói là tranh giả hay tranh thật, mà là họ làm rối, không có tâm, chạy theo lợi nhuận, không có kỹ thuật và không hiểu biết về tranh".

Ông Quả nói bức tranh mua ở cửa hàng kia "hoàn toàn không đạt yêu cầu dù tối thiểu". Nhưng nó được bán với giá cả trăm nghìn. Trong khi tranh ông làm bán bằng một phần ba, vẫn bị người làng chê đắt, bị người mua buôn ép giá.

Đằng sau hai bức "tranh Đông Hồ" bày trên bàn và số phận trái ngược của chúng, là câu chuyện của một ngôi làng huyền thoại. 

Ký ức của nghệ nhân Lê Huy Hoán trôi về một ngày mùa Đông tám thập niên về trước. Gà chưa gáy sáng canh năm mà bến đò Đuống đã nườm nượp thuyền lớn thuyền nhỏ xuôi dòng về neo đậu. Mười sáu tháng Chạp, đình tranh Đông Hồ lại mở phiên đón khách.

Hội thương lái không đi thuyền không đến. Nếu người của phường tranh Thanh - Nghệ mang theo nước mắm, phường Bình Lục mang lụa sồi, Đồng Hới mang chiếu cói, thì phường Phú Thọ mang trà mạn còn Vĩnh Bảo vác theo những bao thuốc lào.

Dân làng Hồ vốn nổi tiếng tài hoa mà phóng khoáng. Mua tranh trả tiền hay đổi bằng sản vật, với họ, cũng không khác biệt.

Mấy anh em Hoán độ giáp Tết này cũng đã quen với việc dậy trước khi gà gáy để phụ thầy mẹ gánh tranh ra sân đình ngồi bán. Cậu lấy kẹp tre giăng bốn cô Tố nữ và bộ Tứ bình Kiều lên dây gai, còn mấy bức ngắn và nhỏ như Lợn đàn, Trâu sen, Vinh hoa phú quý,... Hoán chồng lại thành từng trăm một để trên cái chiếu buồm trên sân đình cho khách buôn tùy ý chọn lựa.

Mỗi vụ Tết, thương lái mua của nhà Hoán vài muôn tranh là chuyện thường. Nên dù cả năm có duy nhất tháng Chạp để mở phiên chợ bán, nhà Hoán cũng phải làm hàng từ độ trước Trung thu, có khi còn không đủ.

Nghệ nhân làng Đông Hồ đang chế tạo bản khắc gỗ cho một bức tranh mới.

Thời ấy, làm cô dâu mới, đi chợ Tết có thể quên mua hoa, mua pháo, nhưng hễ quên mua mấy tờ tranh gà, tranh lợn, hay cá chép làng Hồ là bố chồng sẽ lắc đầu chê đoảng. Sắm đôi tranh mới mong bình an tài lộc, hết năm lại bóc đi thay đôi khác. 

"Tranh Đông Hồ đơn giản, mang tính ước lệ và tượng trưng, phóng khoáng và hài hước, người thoáng trông thì không chuẩn xác nhưng đến nhìn kỹ mới thấy nó rất người" - cụ Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân cao tuổi nhất làng lần mở từng trang giấy dó óng ánh sắc điệp. Cụ chỉ vào từng bức một và giải thích cái cách cổ nhân phê phán tục đa thê thế nào qua tờ Đánh ghen, hay nạn quan liêu hối lộ ở bức Đám cưới chuột. Ước mơ bình dị của dân ta hiện lên qua cặp tranh Vinh hoa Phú quý, rồi cả những trò chơi sinh hoạt ngày thường và những câu chuyện dân gian hay nhân vật lịch sử...

Tranh Đông Hồ, dù có xanh có đỏ nhưng không bao giờ là cái sắc xanh đỏ lòe loẹt chói chang, mà đặc trưng bởi các chất liệu được dùng để tạo nên màu vẽ: màu đen từ tro đốt lá tre, màu vàng từ nước hoa hòe, màu đỏ từ gỗ vang, màu xanh từ vỏ cây tràm, còn giấy làm từ cây dó rừng, sau còn phải bôi thêm lớp bột nghiền từ vỏ điệp để đẹp bền óng ả.

Mỗi bức tranh thường có bốn đến năm màu, nên phải có từng ấy ván in, mỗi ván chỉ in được một màu. In hết trăm tờ với màu vàng, hong cho đến khi khô mới in màu xanh, màu đỏ.... Màu đen bao giờ cũng in sau cùng, gọi là in nét. Nhìn thì đơn giản, nhưng chỉ những ai trong nghề mới biết cách làm mực, xoa màu, dập ván sao cho mịn giấy, đều màu, khít nét.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đang "vờn mực" một bức tranh mới.

Ban đầu người làng chỉ khắc ván gỗ in tranh để thờ cúng và chúc tụng nhau trong ngày Tết, nên còn được gọi là tranh Tết. Sau một đồn mười, mười đồn trăm, treo tranh Đông Hồ dần trở thành cái thú chơi xuân cho cả miền Bắc Việt.

Nhiều người ví tranh Đông Hồ như hội tụ cái đẹp của trời, của đất và cả của người. Còn dân làng Mái thì chỉ biết cặm cụi với nghề, không chỉ vì họ yêu cái đẹp mà còn bởi nhờ nó mà ngót nghét hai chục dòng họ lớn nhỏ trong làng được bao đời ấm no.

Nhưng rồi chiến tranh nổ ra. Người ta bắt đầu lo về sự sống chết hơn là cái đẹp.

Bà Nguyễn Thị Sa ngày ấy mới lên năm nhưng vẫn nhớ cái hình ảnh cả làng mang từng bó tranh, ván gỗ gửi sang nhà bà cụ Thỏ, cũng là cái nhà gác duy nhất trong làng hồi ấy, "để nhỡ có về vẫn còn đường sinh nhai".

Giặc Pháp tràn về, châm một mồi lửa thiêu trụi cả kho tranh, trụi cả cái nhà gác của bà Thỏ và tất cả các mái nhà rơm của dân làng Hồ.

Những bản khắc gỗ có tuổi đời trăm năm bị dùng làm thớt.

Hòa bình lập lại nhưng mãi đến năm 1969, nhà nước mới cho phục hồi  nghề. Bà Sa, cũng là trưởng ban chỉ huy đội sản xuất của Hợp tác xã lúc ấy được lệnh chọn lựa những lao động già cả trong làng để đầu công cho tổ làm tranh, do nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam làm tổ trưởng.

"Lay lắt duy trì được đến cuối những năm 80 thì giải tán vì nhà nước chỉ lệnh in tranh chứ không cho chúng tôi đầu ra. Mà cũng không ai bỏ tiền ra mua tranh hồi ấy làm gì, đến gạo ăn còn chẳng đủ".

Các nhà thấy hết hy vọng khôi phục lại nghề nên bỏ ván gỗ, chẻ gỗ ra đun, hay che mái chuồng gà, rồi xoay sang làm "những cái ra tiền".

Cậu bé Lê Huy Hoán tóc xanh trái đào ngày nào nay đã sắp bước sang tuổi cửu tuần. Ký ức về những ngày Đông Hồ nườm nượp khách mua tranh, những khuông giấy điệp treo nhà nhà người Việt, vẫn tồn tại trong ký ức dân tộc. Nhưng cụ Hoán, cụ Sa, cũng như phần lớn những người cùng thời đều đã bỏ nghề. Làng Đông Hồ giờ đã thành "làng vàng mã".

Cụ Lê Huy Hoán ngồi xếp vàng mã ở tuổi 88.

Chín giờ sáng, khi cụ Sa đang ngồi hồi tưởng về phiên chợ tranh giáp Tết, cũng là lúc vợ chồng Chung-Tuyền, con cụ đang tất bật chuẩn bị cho một phiên chợ khác: hàng mã. 

"Phiên chợ" hàng mã kéo dài quanh năm. Làng Hồ đã hết thời lội bùn đến gối. Làng Hồ bây giờ nhà nào cũng ba đến năm tầng, xe tải lớn nhỏ đậu quanh nhà, mái tôn quây kín từ tường lên nóc để tránh nước mưa, ướt giấy.

Nhà chị Tuyền cũng không ngoại lệ. Ngoài căn nhà ba tầng khang trang và hai mảnh đất được xây riêng dùng làm xưởng sản xuất, nơi làm việc của trên dưới 15 nhân công thường xuyên, anh chị còn có thêm nhiều người làm thuê ở khắp các xã lân cận. Vài năm nay có điều kiện, anh chị còn mở thêm một cửa hiệu tạp hóa để con dâu kinh doanh.

Nhà chị lúc nào cũng nườm nượp xe máy, ôtô của lái buôn về lấy hàng chở đi nơi khác. Song ngày đôi ba lần, anh chị cũng mang hàng đi Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định bằng xe tải của riêng gia đình mình. Mùa nào anh chị bán đồ ấy, tháng làm hết vài tấn giấy là thường. Cả làng già trẻ lớn nhỏ không ai là thiếu việc để làm. Mùa nào anh chị bán đồ ấy: tháng Bảy âm lịch thì tào quan, quần áo, tiền vàng, tháng Chạp thì thuyền, ngựa, mũ ông Táo ông Công.

Hỏi chị Tuyền lãi được nhiều không, mỗi vụ được bao nhiêu tiền, chị chỉ cười không nói, nhưng nhìn cơ ngơi, xe cộ và số nhân công ở xưởng cũng tự mường tượng được con số.

Một sản phẩm hàng mã phức tạp của làng Đông Hồ ngày nay

Nghề tranh và nghề mã chưa bao giờ tách rời khỏi nhau. Khi nghề tranh thịnh vượng, nghề mã là nghề "tranh thủ". Những năm nghề tranh rơi rụng, dân làng lại tìm về với nghề mã như một kế sinh nhai và cho đến nay đã trở thành nghề chính của không chỉ làng Đông Hồ mà còn nhiều địa phương lân cận. Hàng hóa thì đa dạng hơn cả trăm lần và nhiều chi tiết tỉ mỉ, bắt mắt như thật, vì "trần sao âm vậy".

Dẫu không làm hàng mã, chị Tuyền anh Chung cũng không còn đường để quay về với cái cày cái cuốc, mỗi vụ kiếm trăm cân thóc, phần cũng vì đất ruộng giờ đều đã thành khu công nghiệp hay làm đất thổ cư. Bạt ngàn mương máng, ruộng đồng, nay là dãy phố san sát những tòa nhà đồ sộ nhiều tầng, bên trong chật ních ôtô, xe máy, tủ lạnh, bếp ga, tivi, két sắt, điện thoại iphone... cả thật lẫn giả, không thiếu cái gì.

Như hầu hết các gia đình trong làng, nhà cụ Hoán cũng bỏ nghề làm tranh từ những năm hợp tác xã và chuyển sang làm hàng mã. Mảng sân đất phơi trắng giấy điệp năm xưa bây giờ lúc nào cũng ùn ùn xe tải ra ra vào vào, nóc nhà cũng không còn treo ngô treo sắn nữa mà toàn treo túi bóng bên trong nào ngựa, nào nhà tầng, nào xe hơi, tivi, tủ lạnh.

Cụ Hoán ở cùng cháu trai đích tôn trong căn nhà-xưởng ngót nghét nhìn mét vuông toàn giấy ấy. Để tiết kiệm công sức và thời gian vận chuyển, anh cháu trai cụ còn làm luôn thang máy từ tầng 1 lên tầng 2, cũng là cái kho để hàng. Ông cụ Hoán xưa ngồi in tranh từ ngày lên 8, nay 88 tuổi lại cùng gái, trai, dâu, rể, cháu, chắt ngồi ghim tai mũ ông Công, quệt keo hồ dán thuyền, dán ngựa.

"Cái nghề là phải nuôi sống con người, nếu không đủ cái ăn thì phải bỏ nghề, phải đi theo thời đại thôi cô ạ" - cụ Hoán nói, khi được hỏi có buồn không.

Vàng mã làng Đông Hồ được chất lên xe chờ chuyển đi 

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Hữu Sam, người được cử làm tổ trưởng Tổ tranh những năm còn tồn tại Hợp tác xã nông nghiệp,  nhưng chỉ gặp đựợc bức di ảnh cụ bày nơi hướng án. Cụ rời cõi tạm năm ngoái, ở tuổi 88. 

Người nghệ nhân đa tài và có tâm nức tiếng đất Bắc một thời nay chỉ còn hiện hữu trong những ván khắc cụ để lại và ký ức của người con trai, Nguyễn Hữu Quả.

"Khi tổ tranh tan rã, thầy tôi bỏ tiền túi ra mua và xin lại ván khắc của các nhà, dẫu cơm còn không có đủ để nuôi vợ nuôi con. Cụ không đành lòng nhìn cái nghiệp 500 năm này bị xẻ ra làm củi đun, làm thớt băm bèo hay đậy nóc chuồng gà, chuồng lợn" - ông Quả nhớ về người cha.

Ông Nguyễn Hữu Quả, một trong ba người của Đông Hồ còn giữ nghề làm tranh.

Được học làm tranh từ ngày lên 5, lên 7, không biết tự bao giờ cái triết lý nghề tranh đã thấm vào ông Quả như một phần da thịt, "muốn đẩy ra cũng không đẩy được". 

Ngoài gần 300 bộ ván tranh cổ từ đời trước để lại, có bộ hơn 200 tuổi, ông còn tiếp tục bổ sung và sưu tầm từ các bảo tàng ở Pháp nhiều bức tranh bị người Pháp lấy về nước trong chiến tranh để làm ván gỗ phỏng lại.

Nhưng tình yêu nghề của những cố nhân không đủ để những bức tranh Đông Hồ từ làng Mái tìm được chỗ đứng nơi buổi thị trường nhiễu nhương.

Không khó để tìm mua tranh Đông Hồ ở các cửa hàng lưu niệm tư nhân trên cả nước. Một tờ tranh đơn khổ 27×32 bán ở phố Hàng Trống có giá 80 đến 120 nghìn đồng, chưa kể những bức tứ bình, mặc thủy, tranh khắc gỗ hay bản to hơn, giá hàng triệu.

Nhưng phần lớn trong số đó là những bức tranh "không đúng", được sản xuất công nghiệp. Tranh của nghệ nhân Đông Hồ làm thì bán giá thấp hơn, thậm chí anh em ông Quả giờ phải chấp nhận làm những sản phẩm biến dị theo yêu cầu của thị trường. 

Cụ Lê Huy Hoán: "Nếu không đủ cái ăn thì phải bỏ nghề, phải đi theo thời đại thôi".

Ông Quả tâm sự độ này có nhiều người về đặt tranh, nhưng họ đã không ưng con lợn sề, gà Hồ hay đám cưới chuột nữa, họ muốn cậu bé vinh hoa ôm gà đầu đội mũ lưỡi trai, tay cầm điện thoại "tự sướng", con chó trong bản khắc ông mới làm cũng phải làm giống chó Tây "cho hợp thị hiếu, không thì khách họ không mua".

Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, hỏi ông Quả về khởi sắc của làng nghề sau sự kiện ấy, ông chỉ cười, "truyền thông đâu phải là thứ rót tiền vào ào ào là xong, họa hoằn dăm bảy chục năm nhớ về một tí, hứng lên thì bảo tồn, hết hứng lại thôi".

Cùng năm đó, dự án khảo sát, quy hoạch và khôi phục Đình tranh Đông Hồ được khởi dựng với số vốn gần 60 tỷ đồng. Song hơn 4 năm trôi qua, ghé thăm đình làng hiện tại tôi vẫn chỉ thấy im lìm những bóng cây đa phủ tường rêu lạnh.

Ông Quả tự hỏi, rằng khi dự án hoàn thành, trong 3 nghệ nhân còn làm tranh, liệu có ai còn sống?

Bài: Thanh Lam
Ảnh: Cường Đỗ Mạnh