Thứ bảy, 3/11/2018, 13:04 (GMT+7)

Julen Lopetegui: 2 giấc mộng tan trong 4 tháng

HLV người Tây Ban Nha trải qua những tháng ngày tối tăm nhất sự nghiệp khi lần lượt bị đội tuyển quốc gia rồi Real Madrid sa thải. 

Sau thất bại muối mặt ở phút chót trên sân của Alaves ở La Liga hôm 6/10, đội trưởng Sergio Ramos đăng đàn để khẳng định: "Chúng tôi sẽ chiến đấu cho tới chết, bởi nó nằm trong DNA của Real Madrid". Đội phó Marcelo phụ họa: "Chúng tôi sẽ sát cánh cùng HLV trưởng tới chết". Nhưng, ai là người phải "chết"?

Đại kình địch Barca đã "giúp" câu hỏi trên có đáp án sớm, sau khi vùi dập Real 5-1 trên sân Nou Camp hôm 28/10. Một ngày sau trận đấu, ban lãnh đạo Real ra thông báo sa thải HLV trưởng Julen Lopetegui.

Mất tất cả trong bốn tháng

Lopetegui tại vị trên chiếc ghế nóng ở Bernabeu chỉ là 138 ngày. Đây là thời gian ngắn kỷ lục của một HLV Real trong hai thời kỳ Florentino Perez làm Chủ tịch. Nhà tài phiệt người Tây Ban Nha nổi tiếng với thói quen biến Real thành "lò xay HLV", nhưng những Vanderlei Luxemburgo hay Rafa Benitez... dù gì cũng trụ lại Bernabeu được lâu hơn Lopetegui.

Điều đáng nói, đây là lần thứ hai Lopetegui mất việc chỉ trong bốn tháng. 

Lopetegui bị sa thải khỏi vị trí HLV trưởng tuyển Tây Ban Nha hồi tháng Sáu, sau khi chuyện ông "đi đêm" với Real lộ ra ngoài.

Chỉ hai ngày trước khi tuyển Tây Ban Nha đá trận ra quân World Cup 2018, Real bất ngờ thông báo Lopetegui sẽ là HLV của họ kể từ mùa 2018-2019. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) Luis Rubiales phẫn nộ về điều này, bởi ông chỉ được hay tin năm phút trước khi Real đưa ra thông cáo chính thức.

Chỉ trước đó gần một tháng, Lopetegui còn gia hạn hợp đồng để dẫn dắt đội tuyển Tây Ban Nha tới năm 2020. Vào ngày hợp đồng được ký kết, Rubiales còn dành những lời có cánh cho Lopetegui: "Hôm nay là một ngày hạnh phúc với tất cả. Chúng tôi không thể để Julen và ê-kíp của ông ấy đi được. RFEF tôn trọng và ngưỡng mộ Lopetegui về tính chuyên nghiệp".

Mất một đêm suy nghĩ, Rubiales quyết định sa thải Lopetegui ngay trước thềm World Cup, và để Giám đốc thể thao Fernando Hierro làm HLV tạm quyền. Động thái này vấp phải sự phản đối từ một số cầu thủ, trong đó có đội trưởng Ramos, nhưng nhận được "sự đồng tình lớn từ RFEF". Ngay cả khi Tây Ban Nha  dừng bước từ vòng 1/8, trước chủ nhà Nga, Rubiales vẫn kiên định: “Tôi không hối hận về quyết định sa thải Lopetegui”.

Vậy về phần Lopetegui, ông liệu có hối hận về chuyến “đi đêm” với Real? Ngay sau khi bị RFEF sa thải, Lopetegui đã bay gần 4.000 km từ Sochi, Nga tới Madrid để ra mắt trên cương vị tân HLV trưởng Real. Ông xúc động bày tỏ: “Hôm qua là ngày buồn nhất cuộc đời từ sau khi mẹ tôi vĩnh viễn ra đi. Nhưng hôm nay là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi". Sức hấp dẫn từ việc được làm việc tại CLB hay nhất thế kỷ 20, được làm thầy của những siêu sao hàng đầu thế giới... là quá khó cưỡng. 

Lopetegui xúc động trong lễ ra mắt trên cương vị HLV trưởng Real Madrid, chỉ hai ngày sau khi nhận trát sa thải ở tuyển Tây Ban Nha. 

Nhưng Lopetegui không phải lựa chọn đầu tiên của Perez khi ông tìm người thay Zinedine Zidane, công thần bất ngờ từ chức sau cú hat-trick vô địch Champions League.

HLV người xứ Asteasu thậm chí chỉ là lựa chọn thứ... năm, bởi Real đã liên hệ với Mauricio Pochettino, Massimiliano Allegri, Antonio Conte và Julian Nagelsmann. Khi được Perez tìm tới, Lopetegui nhanh chóng gật đầu dù công việc của ông hiện tại được đảm bảo tới tối thiểu năm 2020, trái ngược với sức nóng khủng khiếp trên băng ghế chỉ đạo ở Real. Lý do đơn giản là ánh hào quang từ Real là quá lớn, là một “lời đề nghị không thể chối từ”, như lời Don Corleone trong tiểu thuyết Bố Già.

Nhưng rồi, sự nghiệp của Lopetegui đi xuống theo chiều thẳng đứng. Dẫn dắt tuyển Tây Ban Nha và Real Madrid được xem là đỉnh cao trong nghiệp cầm quân ở cấp độ ĐTQG và CLB trong bóng đá. Vậy mà Lopetegui đã đánh mất cả hai công việc đáng mơ ước ấy chỉ trong vòng bốn tháng.

Vật tế thần

Thất bại sấp mặt tại Nou Camp trong trận El Clasico khiến ban lãnh đạo Real cạn kiên nhẫn với Lopetegui. 

Dưới thời Lopetegui, Real hướng tới lối chơi kiểm soát bóng, chuyền nhiều và trọng dụng các cầu thủ người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lựa chọn ấy không mang lại thành công như kình địch Barca ở giai đoạn thăng hoa cùng tiki-taka, hay chính đội tuyển Tây Ban Nha của Lopetegui tại vòng loại World Cup 2018.

Trước trận El Clasico, Barca và Real lần lượt dẫn đầu về thời lượng kiểm soát bóng trung bình (lần lượt 69,8% và 68,1%), cũng như số đường chuyền (6.545 và 6.173) ở La Liga mùa này. Vào trận, Barca tỏ ra nhỉnh hơn trong phần lớn thời gian, trừ khoảng 20 phút đầu hiệp hai khi Real vùng lên tấn công. Kết cục là Barca đại thắng 5-1, với thời lượng kiểm soát bóng vẫn nhỉnh hơn Real (53% so với 47%).

Tại La Liga, Real đá 10 trận và chỉ giành được 14 điểm với hiệu số bàn thắng bại.... 0 (ghi 14 bàn, thủng lưới 14 bàn). Điều đó chưa từng xảy ra với đội bóng này từ năm 1947. Sau El Clasico, Real tụt xuống thứ chín trên bảng điểm và bị Barca bỏ cách tới bảy điểm. Tại Champions League, Real vẫn giữ được đầu bảng sau ba trận, nhưng họ đã để thua đội bóng bị đánh giá thấp hơn - CSKA Moscow. Đó là còn chưa kể tới thất bại 2-4 dưới tay đội bóng cùng thành phố Atletico Madrid trong trận tranh Siêu Cúp châu Âu hồi đầu mùa giải.

Mất Ronaldo, ghi bàn trở thành nỗi ám ảnh với Real, khi trong tay Lopetegui chỉ có những chân sút làng nhàng như Mariano (áo trắng trong ảnh), còn Bale, Benzema thì không ổn định. 

Là HLV trưởng, Lopetegui mặc định phải chịu trách nhiệm chính và trước tiên về kết quả bết bát của đội bóng. Real dưới thời ông đã trải qua 465 phút không thể ghi bàn, cho tới khi Marcelo chọc thủng lưới Levante tại vòng chín La Liga. Nhưng đó lại là... một trận thua dành cho đội bóng Hoàng gia, và pha làm bàn của Marcelo chỉ mang ý nghĩa giải tỏa sức ép tinh thần sau gần tám tiếng đồng hồ khô hạn bàn thắng.

Tại Madrid lúc này, nhắc tới bàn thắng là người ta nghĩ đến... Cristiano Ronaldo – người đã có bảy bàn và bốn pha kiến tạo qua 10 trận đấu cho Juventus tại Serie A. Lopetegui nhận lời dẫn dắt Real khi đương kim chủ nhân Quả Bóng Vàng vẫn thuộc biên chế đội bóng. Nhưng khi Lopetegui bắt tay vào công việc, Ronaldo... đã là người của Juventus. 

Người cha 88 tuổi Antonio Lopetegui đã bày tỏ bức xúc thay con trai trên tờ El Mundo: "Cristiano Ronaldo có tự cao không? Có, nhưng chúng ta ai chẳng có khuyết điểm. Nhưng quan trọng là anh ta là một cầu thủ xuất chúng, một cầu thủ ghi được 50 bàn/mùa. Giờ thì Real Madrid có cây săn bàn nào không? Không có ai cả!".

Courtois là một thương vụ lớn, theo chính sách mỗi năm mua một ngôi sao của Perez, nhưng không thật sự cần thiết với Real mùa này. 

"Có đủ tin đồn suốt cả mùa hè, nào là Neymar rồi những cái tên đình đám khác..., để rồi rốt cuộc chẳng có ai tới cả. Real Madrid đã cướp đi của con trai tôi 50 bàn thắng!", ông Antonio ca thán thêm. 

Trong ba tháng của phiên chợ hè, Real chỉ đưa về hai cái tên đáng kể, gồm thủ môn Thibaut Courtois và hậu vệ phải Alvaro Odriozola. Nhưng đó là hai sự bổ sung không thật sự cần thiết, bởi ở các vị trí ấy, Real đã có những nhà vô địch Champions League ba năm liên tiếp là Keylor Navas và Dani Carvajal. Sự góp mặt của Courtois và Odriozola, về lâu dài, là tốt và tăng tính cạnh tranh cho đội bóng. Nhưng ở tuyến trên, Real không thể trông cậy vào một Vinicius Jr. - viên ngọc thô chưa từng chơi bóng ở châu Âu, và một Mariano Diaz - sao trẻ mới chỉ tỏa sáng một mùa tại Lyon, để chinh chiến tại nhiều đấu trường. 

Sự ra đi của Ronaldo mang ý nghĩa không chỉ về số lượng bàn thắng. Trong những khoảnh khắc khó khăn, cầu thủ người Bồ Đào Nha thường xuyên là người được đồng đội hướng tới nhờ phẩm chất của một siêu sao, và khả năng tạo ra khác biệt. Ý chí chiến đấu, khát khao chiến thắng mãnh liệt, và cách anh không ngừng khích lệ đồng đội... cũng là thứ mà Real đánh mất khi Ronaldo ra đi.

Lopetegui khó tạo ra đột biến với một đội ngũ thừa mà thiếu. 

Antonio kể con trai ông "vui mừng với những cầu thủ của Real bởi họ luôn cống hiến tất cả những gì họ có". Nhưng thực tế lại là chuyện khác. Các trụ cột siêu sao của Real đồng loạt xuống phong độ. Ở tuyến đầu, Benzema và Bale ngày càng làm CĐV tiếc nuối Ronaldo sau giai đoạn thăng hoa đầu mùa giải. Bộ ba Luka Modric - Toni Kroos - Casemiro đánh mất đi sự cơ động và linh hoạt của một hàng tiền vệ được đánh giá là “mạnh nhất châu Âu”. Trong đó, Modric, cầu thủ vừa giành giải “The Best”, dường như không còn toàn tâm toàn ý tại Bernabeu sau khi Zinedine Zidane, Ronaldo ra đi và những tin đồn chuyển sang Inter.

Hàng thủ của Real cũng có vấn đề, nhất là ở bộ đôi trung vệ. Thủ lĩnh  Ramos không còn chắc chắn như thường lệ, trong khi nhà vô địch thế giới Raphael Varane liên tục mắc sai lầm.

Lopetegui không có đủ cái uy để các cầu thủ cũng như ban lãnh đạo Real nể phục, như cách họ từng nể phục Zidane.

Tờ Marca đã liệt kê hàng loạt vấn đề của Lopetegui tại Real: không chịu sử dụng tài năng trẻ đắt giá Vinicius Jr. như mong muốn của chủ tịch Perez, trọng dụng các cầu thủ xuống phong độ như Varane hay Bale, không khai thác được tối đa tài năng của những ngôi sao như Kroos hay Modric...

Tại Liga mùa giải 2017-2018, Real cũng khởi đầu chậm chạp và sớm hụt hơi trên đường đua vô địch. Nhưng HLV của họ thời đó là Zidane - người có đủ ánh hào quang từ khi còn là cầu thủ và đã giành hai danh hiệu Champions League liên tiếp trên băng ghế huấn luyện. Ông thầy người Pháp còn có mối quan hệ thân thiết với Perez cũng như sự ủng hộ tuyệt đối của cầu thủ.

Trong khi đó, sự nghiệp cầm quân của Lopetegui chưa có dấu ấn gì đặc sắc, chưa kể việc ông còn bị dư luận Tây Ban Nha ác cảm vì hành động “tham bát bỏ mâm” với đội tuyển quốc gia. Vậy nên, trát sa thải với Lopetegui sau thời gian ngắn kỷ lục đến như một kết cục tất yếu, dù ông vẫn tự tin nói cứng "Tôi có sức mạnh để vượt qua sóng gió" sau thảm bại ở El Clasico.

Ở Real Madrid, bất kể ban lãnh đạo và chủ tịch Perez đưa ra các quyết sách như thế nào, HLV luôn là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi đội bóng khủng hoảng. Lopetegui chỉ là một nạn nhân trong thực tại khách quan ấy. 

Lopetegui có những hạn chế về chiến thuật, nhưng liệu ông có phải kẻ tội đồ duy nhất tại Madrid? Tờ Marca bình luận: "Hãy thử tưởng tượng một kim tự tháp với ba tầng là những vấn đề tại Madrid. Ở dưới đáy là các cầu thủ, rồi tới Lopetegui. Ở đỉnh tháp sẽ là ngài Chủ tịch". Zidane từng bày tỏ: "Làm HLV tại Real áp lực hơn những nơi khác, bởi nhiệm vụ của bạn là phải luôn giành chiến thắng".

Và khi Real không thắng, như một lệ thường, HLV là kẻ phải ra đi ngay cả khi "Perez đã có một loạt hành động mang tính hủy diệt đội tuyển Tây Ban Nha và Real hay nhất trong lịch sử" - như lời cựu cầu thủ Marc Crosas. 

Thịnh Joey