Thứ năm, 14/12/2017, 10:00 (GMT+7)

Guardiola - khi thành công đến từ lòng tin

Một lần nữa, thế giới phải thán phục tài nghệ của Pep Guardiola, nhưng lần này là phục... sát đất. 

Khác xa với một La Liga chỉ có hai ứng viên vô địch, một Bundesliga mà Bayern Munich thường xuyên một mình một ngựa, giải đấu hiện tại của Guardiola là Ngoại hạng Anh - cuộc chơi khắc nghiệt nhất, nơi hội tụ những HLV hàng đầu thế giới.

Sau mùa giải đầu tiên làm quen, ông tiến hành những điều chỉnh. Và khi cỗ máy Man City đã vận hành trơn tru, nó nghiền nát tất cả. Đánh bại Man Utd cuối tuần trước, thầy trò Guardiola cô đơn trên đỉnh bảng, với 11 điểm nhiều hơn đội bám đuổi gần nhất. Đây là cách biệt khủng khiếp nhất trong năm giải vô địch hàng đầu châu Âu.

Vậy mà đã có lúc, sự nghiệp lẫy lừng ấy của Guardiola tưởng như đã chết ngay từ trong trứng nước. Trở lại với kỷ niệm trong những ngày đầu tiên trên ghế cầm quân của Guardiola, chúng ta sẽ có lý giải cho thành công của Man City mùa này, hay rộng hơn là của Guardiola xuyên suốt một thập niên vừa qua.

Barca của chủ tịch Laporta từng bị cho là liều lĩnh khi từ chối Mourinho, để chọn Guardiola làm HLV năm 2008.

Đó là mùa hè 2008, Barca quyết định đánh một canh bạc: từ chối đề án của Jose Mourinho, một HLV đã thành danh và đang được săn đón, để chọn Guardiola làm HLV trưởng. Bị Barca khước từ, Mourinho ôm mối hận và sang cầm quân cho Inter Milan. Còn Guardiola bước ra ánh sáng với một câu hỏi cực lớn từ truyền thông và công chúng: liệu Barca có sai lầm khi trao cơ đồ cho một HLV còn rất non kinh nghiệm.

Áp lực đến rất nhanh. Barca thua ngay trận mở màn mùa giải trên sân của Numancia (0-1). Trận sân nhà tiếp theo, họ cũng chỉ kiếm được kết quả 1-1 trước Racing Santander. Trên nhật báo Diario Sport, 86% người tham gia trưng cầu cho rằng lẽ ra Barca phải bổ nhiệm Mourinho.

Dù lẻ loi, vẫn có tiếng nói bảo vệ dành cho Guardiola. Và người ấy là Johan Cruyff. Và khi "Thánh Johan" cất tiếng phản biện, những lời cay nghiệt cũng dần ít lại. Cruyff viết trên tờ El Periódico de Catalunya: "Barca của Guardiola thực sự rất, rất đáng xem. Tôi không biết quý vị có xem cùng trận đấu với tôi hay không, nhưng đấy là một trận đấu đầy cảm hứng mà tôi chưa từng thấy tại Camp Nou suốt một thời gian dài".

Guardiola trong trận trình làng cùng Barca - trận thua 0-1 trên sân Numancia, tháng 8/2008. Ảnh: EFE.

Cruyff lúc này hãy còn minh mẫn, là một "Thái thượng hoàng" ở Barca, vì những đóng góp to lớn trên cả hai cương vị cầu thủ lẫn HLV. Và ông tỏ ra hài lòng khi Guardiola tin dùng những cầu thủ từ đội trẻ như Pedro hay Sergio Busquets, những người mà trước khi Guardiola đến vẫn còn chơi bóng ở giải hạng Tư. Và vì nhìn thấy triết lý của ông có cơ hội bừng sáng một lần nữa, Cruyff biết ông phải cất tiếng bảo vệ người học trò cũ. 

Ông viết: "Khởi đầu tồi tệ nhất trong nhiều năm. Chỉ ghi một bàn sau hai trận, lại từ một quả phạt đền, đấy là những con số không gì chối cãi. Nhưng trên phương diện chuyên môn, chúng ta cần phải có một cái nhìn thấu đáo. Guardiola không phải là kẻ thiếu chuyên môn và liều mạng, anh ta quan sát, phân tích trước khi đưa những quyết định".

Cruyff nói đúng về phương pháp làm việc của Guardiola: phân tích, tư duy, phản biện, ghi chú và ra quyết định. Văn phòng làm việc của Guardiola tràn ngập những mảnh giấy ghi chú trong lúc ông tua đi tua lại các đoạn băng ghi hình. Và dù phản biện đến mức độ nào, Guardiola vẫn khắc cốt một điều: phải duy trì triết lý của Cruyff. Bởi vì không có triết lý của Cruyff soi đường, Barca sẽ không có Cup C1, sẽ không có một lối chơi được thế giới ngưỡng mộ, và không có... Guardiola của ngày hôm nay.

Cũng trong thời gian cao điểm của áp lực ấy, có tiếng gõ cửa phòng làm việc của Guardiola. "Mời vào", Guardiola nói. Người gõ cửa là Andres Iniesta. "Thưa thầy, xin chớ lo. Chúng ta đang đi đúng hướng. Rồi chúng ta sẽ chiến thắng tất cả. Hãy cứ tiếp tục đi theo hướng này, được không? Chúng tôi đang rất vui, cả trong tập luyện lẫn thi đấu. Xin làm ơn đừng thay đổi gì cả", Iniesta nói.

Một lời đề nghị đơn giản, nhưng xuất phát từ trái tim. Nó khiến Guardiola cảm động đến mức không biết phản ứng như thế nào. Iniesta là một người kiệm lời nên đã phát ngôn thì ít khi thừa, dù chỉ một chữ. Vậy mà lúc ấy, anh nói một tràng vì muốn HLV cảm thấy ổn hơn. Guardiola càng bất ngờ hơn nữa khi Iniesta kết thúc cuộc nói chuyện ấy với một câu văng tục, đại ý là: "Phang chết bỏ chúng nó đi!".

Guardiola không bao giờ quên Cruyff đã bảo vệ bằng những con chữ, và Iniesta trấn an ông bằng những câu nói. Và ông càng không quên là cả Cruyff lẫn Iniesta đều đúng. Kết thúc mùa 2008-2009, Barca quả nhiên đã "phang chết bỏ" mọi đấu trường và mọi đội thủ để giành cú ăn sáu kinh điển. Đến khi Guardiola rời Barca, ông mang theo 14 danh hiệu. Tức là: trong tổng cộng 17 danh hiệu Barca có thể đạt được cùng Guardiola, họ chỉ để vuột 3 danh hiệu mà thôi!

Guardiola thừa nhận ông ít nhiều may mắn khi luôn có niềm tin từ những học trò là cầu thủ chủ chốt trong đội bóng do ông dẫn dắt, như Iniesta, Lahm hay Silva.

Guardiola mãi không quên trong giai đoạn gian khó, lời chân tình của vị minh sư và người học trò đã giúp ông nhiều như thế nào. "Người ta vẫn nghĩ HLV phải nâng tinh thần của các học trò lên, HLV phải luôn dẫn đầu. Nhưng ở Nou Camp và sau này là Bayern, điều ngược lại đã diễn ra. Mọi người luôn nghĩ HLV là người mạnh mẽ nhất, là ông chủ, trên thực tế đó là khâu yếu mềm nhất. Chúng tôi luôn ở đó, vụn vỡ, bị hoài nghi bởi những cầu thủ dự bị, bởi truyền thông và các CĐV", HLV của Man City chia sẻ.

Người đặt tay lên vai Guardiola khi ông ở Bayern là Philipp Lahm. Khi ấy, truyền thông xứ Bavaria cũng rất thất vọng vì cách đá có phần mềm mại, thậm chí ẻo lả của Bayern. Những ai đã thích mê cái khí chất đàn ông rực lửa dưới thời Jupp Heynckes rõ ràng không "cảm" được thứ bóng đá của Guardiola. Nhưng Lahm thì tin ông thầy người Catalan đang mang đến những thứ rất mới mẻ cho Bayern, khai sáng cho anh và các cầu thủ thấy thứ bóng đá mà cả đội chưa từng biết. Và lời trấn an của Lahm giúp Guardiola vượt qua một rào cản quan trọng.

Còn ở Man City bây giờ, người đóng vai trò của Iniesta và Lahm chính là David Silva, một đồng hương Tây Ban Nha - một người hiểu hơn ai hết thứ bóng đá mỹ cảm của Guardiola có thể mang một đội bóng đi xa đến đâu. Người ta chỉ ra một sự trùng hợp: khi Guardiola làm việc ở Tây Ban Nha, đội tuyển Tây Ban Nha thống trị thế giới. Khi Guardiola làm việc tại Đức, Đức là nhà vô địch World Cup. 

Cầu thủ chủ chốt của hai đội tuyển ấy đều là học trò của Guardiola. Và họ chơi thứ bóng đá tuyệt vời hơn so với trước khi được thụ giáo Guardiola, ở cái tuổi ngỡ không thể tiến bộ được nữa.

Guardiola chinh phục các học trò bằng tư tưởng khai phóng, hướng tới thứ bóng đá mỹ cảm. Ảnh: DPA.

Ít ai nghĩ Lahm thấp bé nhẹ cân, đá cánh chuyên nghiệp hơn chục năm lại tỏa sáng tuyệt vời ở vị trí... tiền vệ trung tâm. Tương tự, một David Silva đã ngoài 30 vẫn có thể tiến bộ thành tiền vệ tấn công hay nhất nhì Ngoại hạng Anh hiện tại, và lại còn ghi toàn những bàn cực kỳ quan trọng. Sau bàn mở tỷ số trong trận đấu với Man Utd, tối qua, anh lại lập cú đúp vào lưới Swansea City trong chiến thắng 4-0 ở vòng 17 giải Ngoại hạng Anh. Nhưng trước khi Silva tiến bộ kinh khủng, chính anh đã giúp Guardiola vượt qua rào cản của sự hoài nghi. Silva đã ở Anh đủ lâu để biết truyền thông nơi đây thay đổi nhanh như thế nào trong việc đánh giá một nhà cầm quân. Anh từng nói với Guardiola: "Hôm nay cả nước chửi Big Sam (Allardyce), ngày mai họ lại khen khi ông ấy giúp một CLB nào đó trụ hạng. Đừng để truyền thông làm ông phải mất ngủ".

Chung quy lại, thành công của Guardiola xuất phát từ niềm tin. Thứ niềm tin giữa những kỳ tài, những người đã dành trọn đời họ cho bóng đá. Guardiola chưa bao giờ đổ lỗi cho học trò của ông bất cứ điều gì. Guardiola hay nhường lại vinh quang cho họ nhiều hơn, vì biết ông sẽ chẳng là gì nếu không có họ. Guardiola từng là một cầu thủ, thậm chí là một cầu thủ xuất sắc, ông biết cầu thủ của ông cần gì và có thể làm gì. Nên Lahm từ hậu vệ cánh vẫn có thể đá tiền vệ trụ, hay một tiền vệ trung tâm như Fabian Delph vẫn có thể đá cánh. Rồi Silva nhỏ bé từ giữa sân lao vào vòng cấm như một trung phong.

Và ở phía ngược lại, cầu thủ cũng làm mọi cách để thực thi ý tưởng của Guardiola. Họ không phải là những chiến binh sẵn sàng chết vì Guardiola, như cách cầu thủ vẫn nói về Mourinho. Nhưng họ có thể vứt bỏ sự hiền lành thường ngày, xộc thẳng vào phòng làm việc và nói những lời trấn an để ông thầy cảm thấy khá hơn.

Lịch sử thật kỳ lạ, đôi khi được viết lên bởi những tiếng chửi thề, hay một câu nói trong lúc dầu sôi lửa bóng: Lo làm quái gì. Rồi mọi việc sẽ ổn thôi, sếp! 

Hoài Thương