Thứ tư, 15/5/2019, 09:00 (GMT+7)

Ông Trần Đăng Khoa - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em cho biết so với khu vực, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn ở mức cao. Năm 2016, tỷ lệ trẻ nhẹ cân là 13,8%, suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm 24,3%. Ở vùng núi, số trẻ suy dinh dưỡng cao gấp gần 3 lần so với đồng bằng. Tỷ lệ này ở nông thôn cũng cao gấp đôi.

Theo ông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ Việt thấp còi, trong đó, chế độ dinh dưỡng có thể coi là tác nhân chính. Một phần do các mẹ thiếu hiểu biết cách chăm con như cho bé cai sữa sớm, ăn không đủ chất sau khi cai sữa.

Theo Chiến lược toàn cầu về nuôi dưỡng trẻ nhỏ của Tổ chức Y tế Thế giới, tình trạng dinh dưỡng giữa bà mẹ và trẻ nhỏ có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sức khỏe, trí tuệ, thể chất bé sẽ có cơ hội phát triển tối đa trong tương lai nếu mẹ biết tận dụng 1.000 ngày đầu đời (từ lúc bắt đầu mang thai cho đến khi bé 2 tuổi). Ngược lại, dinh dưỡng không hợp lý trong thời gian này là nguyên nhân chính dẫn đến thấp còi, béo phì, các bệnh không lây nhiễm ở tuổi trưởng thành.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chiều cao của trẻ 3 tuổi phản ánh chiều cao tương ứng khi trẻ 18 tuổi, dự đoán bằng cách cộng thêm khoảng 77-80 cm vào chiều cao lúc 36 tháng. Chiều cao của trẻ phụ thuộc 20% vào di truyền, còn dinh dưỡng và môi trường chiếm 80%, sau 2 tuổi, tốc độ tăng trưởng không quá nhanh khoảng 6cm mỗi năm, mật độ xương cũng tăng lên. Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển chắc khỏe của xương, tiền đề để phát triển chiều cao ở độ tuổi dậy thì.

Ngoài việc phát triển thể chất, trẻ cần được quan tâm và chăm sóc cho sự phát triển trí não khoa học và toàn diện theo từng giai đoạn phát triển. Bộ não hình thành ngay trong quá trình mang thai. 5 năm đầu đời là giai đoạn phát triển vượt bậc.

Theo ông Khoa, trước đây, kinh tế khó khăn nên việc chú trọng bổ sung dinh dưỡng còn nhiều hạn chế. Hiện, đời sống các gia đình đã cải thiện, kiến thức về thực hành dinh dưỡng, bổ sung vi chất ở trẻ em có chuyển biến nhưng thái độ thực hành chưa cao. Nếu không thực hành bài bản, thực hành đúng cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng ở trẻ em không những tác động trực tiếp đến trẻ, làm giảm chất lượng cuộc sống cá nhân và còn trở thành gánh nặng y tế của quốc gia.

Bổ sung dinh dưỡng đúng cách: Thời gian mang thai là chặng đường đầu tiên, toàn bộ dinh dưỡng mẹ ăn trong thời gian này sẽ hình thành hệ miễn dịch để trẻ phát triển. Vì vậy, mẹ bổ sung vitamin, sắt, omega 3, canxi với liều lượng theo khuyến cáo của bác sĩ, môi trường sống lành mạnh để bé phát triển tối ưu.

Bé nên được bú sữa ngay trong khoảng thời gian một giờ đầu sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Thời kỳ trẻ ăn dặm, phụ huynh tham khảo bác sĩ để bổ sung vi chất đúng cho từng độ tuổi.

Cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất sẽ là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, khiến bé dễ mắc bệnh, khi bị bệnh thường lâu khỏi hơn, cơ thể suy nhược. Để phòng suy dinh dưỡng trong giai đoạn vàng, chế độ ăn của bé phải bảo đảm đủ năng lượng và có đủ các dưỡng chất hỗ trợ tăng trưởng chiều cao là chất đạm, canxi, kẽm, sắt, iốt, vitamin A, D, E. Ngoài chế độ ăn bình thường, phụ huynh cần bổ sung thêm những dưỡng chất cần thiết nhằm giúp bé tăng cân khỏe mạnh.

Bên cạnh dinh dưỡng, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Trẻ sơ sinh đến dưới 3 tuổi cần ngủ dài hơn, trung bình từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày, hormone tăng trưởng giúp phát triển chiều cao được tiết ra nhiều từ 23h đến 2h.

Tổ chức chương trình phổ biến kiến thức: Hoạt động cung cấp, chia sẻ, trao đổi thông tin, kiến thức giữa cộng tác viên, nhân viên y tế và các nhóm đối tượng (chủ yếu là bà mẹ có con dưới 5 tuổi, các thành viên trong gia đình) nhằm thuyết phục động viên và giúp đỡ họ có cách thức hành đúng trong chăm sóc và nuôi trẻ tại nhà.

Bên cạnh việc công bố Hướng dẫn quốc gia về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú, Bộ Y tế cũng đang tiến hành xây dựng thực đơn dinh dưỡng trực tuyến, phù hợp với từng đối tượng, áp dụng tại từng vùng miền khác nhau để cộng đồng có thể tra cứu và sử dụng. Với bản thực đơn này, người dân có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về bữa ăn dinh dưỡng cũng như từng loại thực phẩm thay thế để phù hợp với mỗi địa phương nhằm tự thiết kế cho mình bữa ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng.

Vừa qua, Amway Việt Nam phối hợp cùng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Vụ SKBMTE), Bộ Y tế tiếp tục triển khai Chiến dịch Nutrilite Power of 5 nhằm giúp các em phát triển khỏe mạnh ngay từ những năm đầu đời, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện thể chất và trí tuệ. Lễ ký kết Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 2019-2020 là sự kiện nằm trong dự án này.

Ông Huỳnh Thiên Triều, Giám đốc Điều hành Amway Việt Nam chia sẻ: "Dinh dưỡng trẻ em là một trong những vấn đề trọng tâm trong phát triển của Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng. Là một tập đoàn toàn cầu về dinh dưỡng – sức khỏe – sắc đẹp, chúng tôi luôn muốn được đồng hành cùng chính phủ để góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia".

Dự án sẽ cung cấp miễn phí 1.024.344 hộp sản phẩm Nutrilite Little Bits cho 85.362 trẻ nhỏ tại Nghệ An và Hà Giang. Chương trình nhằm giúp các em phát triển khỏe mạnh ngay từ những năm đầu đời, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ.

Tiếp đó, đội ngũ chuyên gia sẽ tổ chức những lớp nâng cao năng lực kiến thức, thực hành về dinh dưỡng cho cán bộ y tế, phụ nữ có thai.

Lý giải lý do các chương trình trách nhiệm xã hội của Amway đều hướng đến trẻ em, ông cho biết: "Trẻ dù sinh ra ở bất kỳ đâu cũng đều có quyền được lớn lên khỏe mạnh và chăm sóc dinh dưỡng. Một thế hệ khỏe mạnh, phát triển sẽ tạo dựng nên những gia đình hạnh phúc, một cộng đồng, một quốc gia phát triển, năng động. Chúng tôi truyền thông điệp này để góp phần vào sự phát triển của thế hệ tương lai".