Thứ năm, 25/4/2019, 02:08 (GMT+7)

Cappadocia ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng với thung lũng nấm đá được xem là nơi phải đến để ngắm khinh khí cầu.

Tháng tư, nhiệt độ trung bình ở Cappadocia là 10-25 độ C và thay đổi từng giờ. Sáng sớm chúng tôi phải mặc áo len nhiều lớp để giữ ấm nhưng đến trưa có thể mặc đồ ngắn vì nhiệt độ lúc này đã lên rất nhiều.

Theo lịch trình, 5h sáng, cả đoàn tập trung dưới khách sạn và lên xe di chuyển ra thung lũng Cappadocia. Nhiệt độ ngoài trời lúc này chỉ vài độ C, trời còn nhá nhem không rõ cảnh vật bên đường. Nhưng đó không phải những gì cả đoàn quan tâm lúc này, bởi tâm trí chúng tôi đang rong ruổi đâu đó trên "thung lũng nấm".

Chiếc xe 16 chỗ dừng lại ở một bãi đất bằng phẳng, xung quanh là những khối đá với nhiều hình thù kỳ lạ. Tài xế nói chúng tôi đang ở trong thung lũng Cappadocia thuộc tỉnh Nevsehir miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cách thủ đô Ankara 290 km.

Mỗi năm có hàng triệu du khách từ khắp thế giới đổ về Cappadocia để bay khinh khí cầu. Thung lũng được hình thành từ lớp đá trầm tích và đá núi lửa - kết quả của những vụ phun trào cách đây khoảng 3 triệu năm trước.

Cappadocia có khung cảnh thiên nhiên ấn tượng, địa hình ở đây chủ yếu là các rặng núi hình nấm bị gió và mưa phong hóa theo thời gian.

Từ những năm 1980, thung lũng Cappadocia trở thành khu du lịch nổi tiếng thế giới. Nhiều người cho rằng nếu đến Thổ Nhĩ Kỳ mà chưa ngắm Cappadocia từ trên cao là một sự nuối tiếc. Cùng với Albuquerque, New Mexico, Mỹ hay Luberon, Pháp, danh sách 7 điểm bay khinh khí cầu đẹp nhất thế giới của CNN cũng gọi tên Cappadocia.

Năm 1985, UNESCO đã công nhận nơi này là di sản thiên nhiên của thế giới.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, bay khinh khí cầu được xem là trải nghiệm mạo hiểm, vì vậy du khách phải ký một số giấy miễn trừ trách nhiệm mặc dù tỷ lệ rủi ro thấp.

Hướng dẫn viên của chúng tôi cho biết, ở Cappadocia có khoảng 20 hãng khai thác dịch vụ bay khinh khí cầu, mỗi sáng phục vụ hàng trăm lượt khách kể cả trong mùa đông. Thời điểm lý tưởng nhất để bay khinh khí cầu là từ tháng 3 đến tháng 12. Lúc này, thời tiết xanh trong, ít gió.

Việc bay khinh khí cầu phải được sự cho phép của trung tâm dự báo khí tượng. Nhiệt độ lý tưởng để bay khinh khí cầu là dưới 28 độ C, không có gió to. Khi cảnh báo không còn cờ đỏ, cờ hồng mà chuyển sang cờ xanh thì du khách mới được bay.

Trước khi bay, chúng tôi được hướng dẫn nhanh một số quy tắc an toàn như không được tự ý nhảy ra khỏi giỏ mây, tay luôn bám chắc thành giỏ, cúi thấp người khi sắp tiếp đất hoặc khi thấy chòng chành.

Khoảng 5h30, những chiếc khinh khí cầu đầu tiên khẽ rời mặt đất. Chiếc quạt công nghiệp thổi mạnh vào chiếc khinh khí cầu của chúng tôi để làm phồng "quả bóng" khổng lồ đầy màu sắc. Một ngọn lửa phụt mạnh trong đêm tờ mờ. Quả cầu căng khí và bắt đầu nhấc bổng chúng tôi lên khỏi mặt đất.

Cảm giác bay trên khinh khí cầu khiến tôi hồi hộp như lần đầu đi máy bay nhưng khinh khí cầu "cất cánh" rất nhẹ và chậm rãi. Chúng tôi dần bay lên trên "thung lũng nấm". Phải ngồi trên khinh khí cầu bạn mới cảm nhận hết những thay đổi thú vị này. Khi đứng dưới đất, bạn sẽ thấy mình vô cùng nhỏ bé giữa những cột đá cao sừng sững. Nhưng khi đã bay lên độ cao khoảng 600 m, bạn sẽ thấy cả thung lũng như thu nhỏ dưới chân mình.

Khoảnh khắc chúng tôi mong chờ nhất là bình minh trên vùng đất Anatolia huyền thoại. Chưa bao giờ tôi thấy mình gần mặt trời như thế theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đường chân trời ửng hồng rồi chuyển nhẹ qua màu cam, một dải nắng vàng óng quét ngang đường chân trời. Chúng tôi lặng đi giữa khung cảnh hùng vĩ nhuốm màu huyền bí của Cappadocia. Cả một vùng trời đỏ tía được chấm điểm bởi hàng trăm chiếc khinh khí cầu màu sắc đang lơ lửng giữa không trung. Thật không ngoa khi nhiều người nói bay khinh khí cầu ở Cappadocia là việc nhất định phải thử một lần trong đời.

Sau khoảng một giờ bay lượn trên không trung, chiếc khinh khí cầu nhẹ nhàng đáp xuống thùng xe đã chờ sẵn. Lộ trình bay khoảng 2,5 km thường bắt đầu từ thị trấn Goreme và kết thúc ở làng Cavusin.

Ngắm bình minh từ trên khinh khí cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ
 
 

"Tuyệt vời! Choáng ngợp! Ngoài sức tưởng tượng!" là những câu tôi nghe được khi mọi người rời khỏi khinh khí cầu. Dưới mặt đất, nhân viên của công ty đã chuẩn bị một bữa tiệc nhỏ với champagne để chúc mừng chuyến bay an toàn. Sau đó mỗi người sẽ nhận được giấy chứng nhận đã hoàn thành chuyến bay khinh khí cầu trên thung lũng Cappadocia.

Trên thực tế, việc chụp hình từ khinh khí cầu khó hơn tưởng tượng của tôi rất nhiều. Có một nghịch lý thú vị là phần lớn hình ảnh lung linh bạn thấy trên Internet lại không chụp từ khinh khí cầu mà từ những sân thượng trên cao ở làng Goreme, pháo đài Uchisar, Derinkuyu...

Cappadochia không chỉ có khinh khí cầu, nơi đây còn nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác bạn nên ghé thăm như: Goreme - ngôi làng sầm uất, sôi động bậc nhất nơi đây; ngôi làng nấm nằm giữa thung lũng Thầy tu; pháo đài Uchisar và đặc biệt là Derinkuyu - thành phố ngầm lớn nhất thế giới hiện nay.

Derinkuyu có niên đại khoảng hơn 2.000 năm trước, được xây dựng bởi những người Cơ Đốc đầu tiên đến Cappadocia.

Fairy chimney - những cột đá thông khí nhô lên cao chính là niềm tự hào của người dân Cappadocia. Để đảm bảo đủ không khí cho khoảng 20.000 người có thể sinh hoạt ở độ sâu hơn 600 m dưới lòng đất, người dân đã thiết kế ra hệ thống ống thoát khí đặc biệt này. Khó có thể tưởng tượng các cột đá lẻ tẻ phía trên mặt đất lại ôm trong lòng cả một thành phố rộng lớn như vậy.

Trong lòng thành phố có đến 18 tầng với đầy đủ phòng ngủ, phòng bếp, phòng ăn đến nhà nguyện, trường học và hầm chứa rượu. Bên trong thành phố, người ta còn đào những giếng nước sâu hàng chục mét để lấy nước. Ngày nay, du khách có thể đến thăm Derinkuyu, nhưng chỉ được phép quan sát một phần gồm giếng nước, hầm thông gió, hội trường, nhà bếp, khu vực sinh sống và khu vực giữ tù nhân.

Rời Cappadocia, chúng tôi tiếp tục hành trình Amazing Tour đi qua những điểm nổi tiếng khác của Thổ Nhĩ Kỳ như: Antalya, thành phố bên bờ Địa Trung Hải được mệnh danh là thủ đô du lịch của "xứ sở thảm bay"; Konya, một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới; Istanbul, thành phố nằm trên hai châu lục...

Hải An