Thứ sáu, 2/11/2018, 20:00 (GMT+7)

Bà Quý là "dân góp" từ Ninh Bình vào Đà Lạt. Những năm 1980 gia đình bà đi vùng kinh tế mới và an cư tại thành phố cao nguyên này. Trong nhiều lý do khiến vùng đất bazan níu chân bà chính là lối sống thu vén, lo xa của người Bắc khá hợp với sự tĩnh lặng nơi đây.

Hơn ba thập niên chứng kiến nhiều đổi thay của thành phố cao nguyên xinh đẹp nhưng với bà, Đà Lạt có những thứ cố hữu đôi khi trở nên bảo thủ tạo ra những thiếu hụt so với các địa phương lân cận như công trình tiện ích, dịch vụ công cộng khá nghèo nàn.

"Những năm 2007-2010, tôi thường mơ ước được đi siêu thị một lần trong đời. Nói ra ai cũng có thể cười nhưng hồi đó, siêu thị ở đây quy mô không khác cửa hàng tạp hóa tại các thành phố lớn. Thậm chí không tìm được món tôi cần", bà nói.

Vài năm sau, một sự kiện mà theo bà Quý trở thành "cột mốc lịch sử" không chỉ mỗi người dân nơi đây mà với cả tỉnh Lâm Đồng. Tháng 8/2013, đại siêu thị BigC Đà Lạt đi vào hoạt động. Những người dân như bà Quý háo hức đón chờ thời khắc này hằng tháng trời. Nó như làn gió mới làm thay đổi lề lối sinh hoạt của người dân địa phương.

"Đi siêu thị chưa?" trở thành câu cửa miệng của bất kỳ ai trong khu dân cư khi gặp nhau. Ở thành phố vốn ít náo nhiệt, có nhiều yếu tố mới lạ thậm chí còn không đủ sức thu hút sự hiếu kỳ của người dân. Vậy mà nhà nhà, người người nô nức đi mua sắm chen như nêm, bà nhớ lại.

Sau đại siêu thị này, Đà Lạt có thêm một số trung tâm thương mại nhưng hoạt động theo mô hình chợ đầu mối. Không có các khu mua sắm đúng nghĩa, sự mặc định trong dân chúng - đi siêu thị tức là đi Big C.

Một báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, đến năm 2020 chỉ tính riêng mặt hàng nông, lâm, thủy sản phân phối qua các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm tới 40% thị phần trong nước. Như vậy, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ngày càng được người dân ưu tiên lựa chọn hơn so với chợ truyền thống.

Xu hướng tất yếu, nhu cầu hiện hữu, Lâm Đồng không thể đứng ngoài cuộc sự phát triển của nền kinh tế. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, hạ tầng tiện ích không chỉ thể hiện mong muốn của mỗi người dân mà còn cải thiện bộ mặt kinh tế, xã hội và đặc biệt là thu hút khách du lịch cho địa phương.

Một đề án triển khai phân bố hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo không gian thị trường và địa bàn hành chính của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được chính quyền thông qua.

Theo thống kê, hiện nay cả tỉnh có 77 chợ, bình quân 6,4 chợ trên một đơn vị cấp huyện và bình quân 0,62 chợ mỗi xã, phường, thị trấn. Chỉ số này thấp hơn so với bình quân các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và cả nước. Trong khi đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh luôn tăng với tốc độ cao, cho thấy sức mua và nhu cầu của người dân ngày càng tăng mạnh. Do đó, quy hoạch để phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm là điều cần thiết.

Cả tỉnh Lâm Đồng chỉ có hai siêu thị độc lập, một siêu thị nằm trong trung tâm thương mại, trong đó một siêu thị nằm ở Đà Lạt. Con số này kém xa so với mục tiêu 12 siêu thị và 20 trung tâm thương mại của thành phố.

"Để phát triển hoạt động thương mại thì kết cấu hạ tầng thương mại đóng vai trò rất quan trọng. Nó quyết định sự phát triển của lưu thông hàng hóa, thiết lập ổn định các kênh lưu thông hàng hóa nội tỉnh, đưa hàng hóa ra các tỉnh và xuất khẩu. Đồng thời là nền tảng nâng cao văn minh thương mại, đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế", ông Bùi Thế - Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng nói với báo chí về mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại.

Nhờ chính sách phát triển du lịch, vài năm nay Đà Lạt thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản như TTC, Novaland, Vingroup... với các khách sạn, resort nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 4-5 sao liên tục được xây dựng và vận hành nhằm đáp ứng cho gần 6 triệu lượt khách du lịch đến mỗi năm.

Tuy nhiên, phân khúc trung tâm thương mại tại Đà Lạt vẫn đang bị bỏ ngõ. Thị trường đa phần tập trung vào các loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, phân nhóm phân nhánh thay vì tập trung và đồng bộ hóa nhằm tối ưu công năng và tiết kiệm thời gian cho du khách.

Trước khoảng trống thị trường, nhiều chủ đầu tư đã rục rịch đưa Đà Lạt vào tầm ngắm, trong đó phải kể đến Trung tâm Nhân ái Đại Hưng Phát. Với kinh nghiệm nhiều năm phát triển dự án siêu thị, làng nghề, chủ đầu tư nhận định nơi khan hiếm nhất sẽ là nơi tiềm năng nhất. Đó là lý do doanh nghiệp này đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho một dự án đặc biệt.

Tham gia thị trường sau so với các một số ông lớn tại địa phương, song dự án Đà Lạt Travel Mall lại không theo lối mòn trong phát triển mô hình trung tâm thương mại. Theo đó, Đà Lạt Travel Mall là khu tổ hợp đại trung tâm thương mại và khách sạn chuyên biệt cho khách du lịch quy mô diện tích 5.000m2 có tổng vốn 231 tỷ đồng.

Dự án nằm trên quốc lộ 27C, tại cửa ngõ Đông Bắc đường Phan Chu Trinh, công trình hoàn thành được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Đà Lạt.

Trung tâm Nhân ái Đại Hưng Phát - chủ đầu tư dự án cho hay, Đà Lạt Travel Mall không đơn thuần là khu trung tâm thương mại và khách sạn cung cấp không gian ăn uống, shopping, lưu trú đơn thuần. Nơi đây là không gian cung cấp những trải nghiệm văn hoá và ẩm thực bản địa cho du khách.

"Chúng tôi sẽ phát triển loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm làng nghề độc đáo, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư sở hữu gian hàng đào tạo nâng cao tay nghề và trang thiết bị phát triển các loại hình làng nghề truyền thống ngay tại Đà Lạt Travel Mall", đại diện chủ đầu tư nói.

Từ tổ hợp này, du khách chỉ mất khoảng 5-10 phút để đi bộ đến những địa danh quen thuộc khi đến với Đà Lạt như: dinh Bảo Đại, công trường Diên Hồng, hồ Xuân Hương, chợ Đà lạt, thung lũng tình yêu... Bên cạnh đó, ngay sát bên trung tâm thương mại là nhà xe Thành Bưởi - tuyến xe chuyên đưa khách từ các tỉnh miền Nam lên Đà Lạt.

Đơn vị phát triển, phân phối là Công ty CP Địa ốc Tiềm Năng DNU. Hiện dự án xây dựng đến tầng 3 và sẽ khánh thành trong quý hai năm 2019. Theo DNU, khi đưa vào sử dụng, Đà Lạt Travel Mall sẽ trở thành một trong 2 tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn lớn nhất tại Đà Lạt.

Để phù hợp với đối tượng là du khách, chủ đầu tư phân bố các khu vực chuyên biệt tại các tầng của dự án.

Tầng hầm được dành cho khu food court - "thiên đường ẩm thực" có quy mô lớn nhất tại Đà Lạt với các món đặc sản của thành phố và các vùng miền đất nước.

Theo đó, một nửa diện tích khu foodcourt là nơi tập trung các quán ẩm thực bản địa đặc trưng của Đà Lạt như: bánh tráng nướng, quán bánh căn, lẩu gà hột é, heo rừng, bún riêu Đà Lạt hay cơm Lam... Tại không gian ẩm thực bản sắc địa phương này, du khách sẽ được thưởng thức trọn vẹn phong vị ẩm thực của thành phố sương mù.

Ngoài khu ẩm thực Đà Lạt, khu foodcourt còn quy tụ các món ngon đặc sản 3 miền như: phở, bún chả, bún ốc... của Hà Nội, thịt trâu nướng gác bếp, cơm Lam, gà nướng mắc khén Tây Bắc, mỳ quảng, bún cá, cá nục cuốn bánh tráng, bún bò Huế, bánh lọc, chè heo quay, bánh hỏi lòng heo miền Trung. Ngay đến phong vị ẩm thực Nam Bộ như lẩu mắm, cá kèo, hủ tiếu Nam Vang, cơm Tấm, bún bò... cũng không thiếu món gì.

Đại diện công ty CP Địa ốc Tiềm Năng DNU chia sẻ, khách du lịch, đặc biệt những người đến Việt Nam, thứ đầu tiên mà họ muốn thưởng thức chính là văn hoá và ẩm thực bản địa. Ẩm thực chiếm 50% trải nghiệm một chuyến du lịch trọn vẹn của khách du lịch nhất là khách nước ngoài. “Và foodcourt tại Đà Lạt Travel Mall sẽ mang đến cho khách du lịch một trải nghiệm ẩm thực truyền thống Đà Lạt – Việt Nam trọn vẹn nhất”, vị đại diện đơn vị phân phối nói.

Nếu du khách muốn thưởng thức vị cà phê Việt Nam hoặc các mặt hàng tiêu dùng, chỉ cần rảo bước lên tầng trệt và tầng một, hàng nghìn mặt hàng thương mại sẵn sàng để mọi người lựa chọn.

Đến Đà Lạt, nhiều người thường muốn thăm các không gian làng nghề truyền thống nằm rải rác ở các khu vực khác nhau trong thành phố. Tại Đà Lạt Travel Mall - chỉ cần lên tầng 2, khách hàng có thể trải nghiệm quy trình sản xuất hoặc đơn giản là mua các sản phẩm của tranh thêu XQ, làng dệt thổ cẩm, làng lụa Lâm Hà, khu làm rượu vang Đà Lạt, khu làm tranh trúc chỉ...

Khách sạn tiêu chuẩn nội thất 3 sao được bố trí trên tầng 3 và 4 có tầm nhìn ra đồi thông và trung tâm thành phố. Đặc biệt, khu vực Sky Bar bao quát toàn cảnh Đà Lạt sẽ là điểm nhấn không thể bỏ qua khi du khách đến với tổ hợp thương mại du lịch này.

Toàn dự án có gần 120 ki ốt thương mại phân bổ từ tầng hầm tới tầng 2, 3. Mỗi ki ốt tại Đà Lạt Travel Mall có giá từ khoảng một tỷ đồng.

Chủ đầu tư cho hay, dự án mở bán chính thức trong tháng 11 này. Hiện gần 50% sản phẩm được các tiểu thương Đà Lạt Center, chợ đêm Đà Lạt đặt cọc giữ chỗ. Thậm chí có nhà đầu tư chi nhiều tỷ đồng để giữ 4-5 ki ốt.