Thứ tư, 12/9/2018, 20:03 (GMT+7)

Cuộc chiến loại bỏ thói quen ăn thịt chó ở Campuchia

Ngành công nghiệp thịt chó đang nở rộ tại thủ đô Phnom Penh, với số nhà hàng tăng cao để phục vụ nhu cầu ngày một lớn từ các thực khách.

Khung cảnh giết mổ chó tàn nhẫn ở các nhà hàng vào ban ngày sẽ biến mất khi thành phố lên đèn, bàn ghế lại được dọn ra cho những thực khách đói bụng, thèm một bữa thịt chó. Nhân viên tại những quán như vậy ở Phnompenh thường tỏ ra tức giận khi có ai đó tiếp cận để hỏi về giấy phép kinh doanh, hay đơn giản chỉ để nói chuyện.

Chó bị nhốt trong lồng sắt trước khi bị đem giết. Ảnh: Lee Fox-Smith.

Người trong cuộc nói gì

Hoạt động kinh doanh vốn luôn diễn ra âm thầm này đang dần công khai, như hệ quả cơn sốt thịt chó tại Campuchia. Những nhà hàng đang mọc lên như nấm để phục vụ các thực khách, từ khắp Phnom Penh đến khu du lịch Siem Reap và nhiều tỉnh xa xôi trên đất nước Campuchia.

Pheap mở nhà hàng thịt chó 12 năm nay trên mặt đường ngay ngã tư lớn ở Phnom Penh. Bà có một lượng đông đảo khách hàng trung thành và kiếm lời ổn định. 

Pheap không ăn thịt chó, nhưng mỗi ngày bán hết 40 kg. "Phần lớn khách là dân địa phương, có người Campuchia, Việt Nam và đôi khi là vài người Trung Quốc. Một số khách VIP cũng ghé qua, họ cử vệ sĩ vào đây mua. Thịt chó rất ngon, từ da đến chân, xương đều giòn", chủ nhà hàng tiết lộ.

Một thực khách nói: "Thịt chó giống như thuốc men vậy. Dù có tính nhiệt, thịt chó lại có nhiều lợi ích cho cơ thể chúng ta, mà lại ngon hơn thịt lợn".

Không giống những nhà hàng sơ chế thịt chó ngay trước cửa, bà Pheap cho nhân viên làm các công đoạn này ở căn nhà phía sau.

"Trước kia, không nhiều người làm nghề này. Cha mẹ tôi chỉ bán xôi và cháo", bà Pheap nói. Ngày nay nhiều người mở nhà hàng hơn nhưng giá vẫn không giảm, do cung không đủ cầu. Bà chủ này giải thích, thịt chó không phải thứ cứ ra chợ mua là có, giá cũng tăng gấp đôi trong vòng 5 năm trở lại đây.

Một hàng bán thịt chó tại Phnom Penh. Ảnh: Jack Board.

Pheap thừa nhận mình dần trở thành một bà chủ bất đắc dĩ. Trong khi nhiều người cho rằng thịt chó có thể chữa bệnh như thuốc, một niềm tin có phần mê tín hình thành trong tâm thức bà Pheap, rằng những tai ương xảy đến với gia đình là do nghề nghiệp của mình.

"Tôi định bỏ nghề sớm. Tôi cố gắng làm nhiều điều vì hạnh phúc gia đình, nhưng dù có nỗ lực ra sao, kết quả cũng không được như ý", bà Pheap bắt đầu nghĩ những bất hạnh xảy đến có nguyên nhân sâu xa từ chuyện kinh doanh.

"Tôi có thể nói mình thành công trong buôn bán, nhưng nó không phải điều khiến tôi hạnh phúc. Tâm tôi không an", bà nói.

Thương lái là những người đưa thịt chó từ các trang trại ở khắp các tỉnh của Campuchia tới cho các nhà hàng. Nhưng nhiều người trong nghề và những nhà hoạt động xã hội đều khẳng định không có trang trại nuôi chó nào tại đất nước này.

Những con chó bị nhốt trong lồng chật chội, chịu đói khát trong nhiều giờ. Ảnh: Lee Fox-Smith.

Một thương lái giấu tên giải thích rằng chồng cô phải đi khắp cả nước, thường xuyên tới gần biên giới Việt Nam để tìm chó sống. "Chồng tôi sẽ đi từ nhà này đến nhà khác, đôi khi có người khó khăn sẽ bán chó", cô tiết lộ với Channel NewsAsia rằng vợ chồng mình trả giá 2,25 USD một kg.

Trong hơn hai năm làm nghề, cô thường giao khoảng 20 - 30 kg thịt chó mỗi lần cho các nhà hàng, giờ đơn hàng có thể tới 50 - 60 kg. Người này bác bỏ chuyện trộm chó nhà: "Việc tìm nguồn cung cấp khó khăn nhưng chúng tôi thực sự đã bỏ tiền ra mua chó".

Thực trạng tại Campuchia

Ăn thịt chó không phải một tập tục truyền thống trong văn hóa Campuchia. Thực trạng trên khiến những nhà hoạt động xã hội bất bình nhưng lại đổ tiền về túi những tiểu thương kinh doanh thứ hàng hóa gây tranh cãi này.

Dù không có số liệu chính thức, mọi cá nhân liên quan đến ngành công nghiệp thịt chó - cả ủng hộ và phản đối - đều khẳng định với Channel NewsAsia rằng nhu cầu của người dân đang gia tăng và các nhà hàng mới mở ra liên tục.

Campuchia chỉ là một trong những thị trường tiêu thụ thịt chó tại châu Á. Tổ chức Xã hội Nhân đạo Quốc tế (HSI) ước tính có khoảng 30 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm tại các quốc gia châu Á, gồm cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... Những người bảo vệ động vật mới tạo dựng được thành công bước đầu trong công cuộc phản đối tiêu thụ thịt chó ở Indonesia vài tháng gần đây. Nhưng tại Campuchia, có quá ít tài liệu về ngành công nghiệp gây tranh cãi cả về sức khỏe lẫn đạo đức này.

Những nỗ lực ngăn chặn

Những nhà hoạt động xã hội tại Campuchia đang nỗ lực hết sức để can thiệp vào ngành công nghiệp thịt chó, tìm hiểu cách thức đường dây kinh doanh này hoạt động và tổ chức nhiều chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Kelly O’Meara, đại diện HSI, nhận định: "Toàn bộ quá trình thật rùng rợn, từ khi chó bị buôn bán, nhốt trong cũi chật chội, vận chuyển đường xa rồi bị làm thịt. Những con chó bị đối xử rất tệ, bị giết chết theo những cách tàn nhẫn sẽ lây nhiễm bệnh tật".

Lee Fox-Smith là một nhà hoạt động xã hội, cùng tiến sĩ Lucy Haurisa, một người yêu động vật, đã chung tay nỗ lực ngăn chặn ngành kinh doanh thịt chó phát triển. Họ đi khắp những vùng miền của Campuchia để tìm hiểu về đường dây buôn thịt chó và phương án để chấm dứt nó.

Lee đã thâm nhập nhiều lò mổ và bếp ăn của nhà hàng thịt chó, thu thập những bằng chứng cho thấy các con vật bị nhồi nhét trong cũi sắt, bỏ mặc ngoài trời và đói khát như thế nào.

"Chúng tôi chứng kiến những người thợ trong một lò mổ dìm chết những con chó. Cách xử lý phổ biến nhất vẫn là thui hoặc luộc", Lee nói. Điều kiện nuôi nhốt cũng khắc nghiệt với lũ chó, chúng bị giết ngay trong bếp ăn.

"Điều kiện vệ sinh tại những nhà hàng này thật ghê sợ, đầy rẫy những mầm bệnh. Ở Siem Reap, họ dùng côn đập chết chó bị trói trong bao tải", tiến sĩ Haurisa chia sẻ. Những lò mổ chó đều không có xà phòng hay chất khử trùng để nhân viên sử dụng, không thể kiểm soát được nguy cơ lây nhiễm bệnh nguy hiểm.

Mục tiêu của những nhà hoạt động xã hội đồng hành cùng Lee là xác định đường dây cung cấp thịt chó, cô lập các lò mổ, tổ chức các chương trình thiến chó quanh khu vực để buộc những thương lái phải đi xa hơn tìm mối. Từ đó, ngành kinh doanh thịt chó sẽ bị tác động trực tiếp.

Họ cũng tính đến thực hiện chiến dịch về sức khỏe cộng đồng, kêu gọi sự tham gia của các nhà sư, bác sĩ và giáo viên tại mỗi địa phương ở Campuchia.

Ngoài ra, những nhà hoạt động cũng tổ chức cứu trợ những con chó bị bắt để giết thịt và tìm phương án bền vững. Kim chỉ nam cho họ là không tìm kiếm và giải cứu chó tràn lan, thay vào đó thực hiện thiến chó, xịt thuốc và tiêm vắc-xin phòng bệnh, từ đó kiểm soát lượng chó sinh sôi. Tình trạng nhập khẩu chó từ những quốc gia khác cũng là vấn đề lớn cho họ.

"Chúng ta mới chỉ xử lý phần nổi của tảng băng chìm, vẫn cần một kế hoạch chi tiết cho tất cả", Lee cho hay.

Chuyển biến tích cực

Nhu cầu gia tăng, mức lãi hấp dẫn hơn thịt bò hay lợn khiến nhiều người mở cửa hàng thịt chó nhằm tăng thu nhập. Dy Mong, chủ một nhà hàng, lại đưa ra một quyết định dũng cảm - chuyển từ bán thịt chó sang đồ chay.

Vợ chồng Mong đã bán thịt chó nhiều năm mà không màng đến những vấn đề sức khỏe hay nguồn gốc của thứ hàng hóa họ kinh doanh. Nhà hàng của họ nay chuyển về một điểm du lịch nổi tiếng ở Phnom Penh, vẫn hút khách khi phục vụ ẩm thực chay.

"Tôi hạnh phúc hơn nhiều vì mô hình kinh doanh này sẽ phát triển bền vững trong tương lai", Mong nói.

Dy Mong và vợ - chị Syna, chụp ảnh cùng chó Gigi trước cửa nhà hàng chay Sabay Vegelicious. Ảnh: Jack Board.

Đây chỉ là một dự án khởi đầu của những nhà hoạt động xã hội, đối với một ngành công nghiệp gây tranh cãi nhưng chính quyền chưa can thiệp mạnh mẽ. Sự thay đổi của những người như vợ chồng anh Mong cho thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực trong nhận thức của cộng đồng.

Gigi, con chó nhỏ của nhà anh Mong, đã biết chào khách đến dùng cơm. Cuộc đời của nó có lẽ không được như vậy nếu gia chủ tiếp tục kinh doanh thịt chó. "Tôi không nghĩ chúng ta nên ăn thịt loài vật này. Bởi chúng cũng thông minh như chúng ta, chỉ là không thể có tiếng nói cho bản thân chúng", Mong chia sẻ.

Bích Chi