VNExpress

Thứ tư, 24/4/2024

Thương mại điện tử Việt Nam năm qua đạt quy mô 5 tỷ USD, tăng gấp 12 lần so với 4 năm trước. Báo cáo của Google và Temasek dự báo, năm 2025, thị trường kỳ vọng đạt 23 tỷ USD. Tuy nhiên đây chỉ là ước đoán trước khi Covid-19 bùng phát.

Ngay sau Tết, đại dịch kéo cả nền kinh tế bước vào "kỳ nghỉ đông" trọn quý và đạt đỉnh điểm trong ba tuần giãn cách xã hội. Các cửa hàng kinh doanh sản phẩm, dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa. Gần như toàn ngành bán lẻ và các doanh nghiệp kinh doanh truyền thống lâm vào cảnh hụt doanh thu. Thương mại điện tử, lúc này, trở thành cứu tinh và thu hút sự quan tâm chưa từng có của doanh nghiệp. Đây được xem là động lực khổng lồ thúc đẩy thương mại điện tử Việt Nam bứt phá vượt cả mong đợi của Google và Temasek.

"Những gì mà chúng ta dự đoán cho ngành thương mại điện tử những năm tới, đang xảy ra ngay bây giờ", ông James Dong - CEO Lazada Việt Nam nói.

Chưa có số liệu thống kê chính thức về tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam trong đại dịch. Tuy nhiên, theo một khảo sát mới đây tại Lazada - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á, tốc độ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và số lượng nhà bán hàng tham gia thương mại điện tử đều tăng trưởng đột biến. Mỗi ngày sàn này tăng gấp đôi số lượng nhà bán hàng. Các tư vấn viên liên tục nhận cuộc gọi và email từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ, hỏi làm thế nào để họ có thể bán hàng trên Lazada ngay ngày mai.

"Đây là tình huống chưa từng có kể từ khi công ty gia nhập thị trường Việt Nam. Chúng tôi coi đây là cơ hội để hiện thực hóa cam kết gắn bó lâu dài cùng sự phát triển của ngành thương mại điện tử Việt, thông qua hỗ trợ tối đa cho người bán trong giai đoạn khó khăn này", ông James Dong nói.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử trong đại dịch không chỉ đến từ số lượng nhà bán hàng và người tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Bản chất nhận thức, động lực chuyển đổi số và khát khao đẩy mạnh kênh bán hàng này đã chứng kiến sự thay đổi rõ nét kể cả sau khi Covid-19 được kiểm soát tốt.

Chị Đoàn Trần Thùy Linh (TP HCM), chủ một thương hiệu cà phê trong top nhà bán hàng doanh số cao nhất Lazada ba năm liền, kể cả trong đại dịch, là minh chứng cụ thể. Nhờ bán hàng trên nền tảng này, tập trung khai thác kênh online, chị đã "lội ngược dòng" để tăng doanh số 20% ngay trong mùa dịch và nổi tiếng với câu chuyện bà mẹ bán hàng trực tuyến nuôi ba con học trường quốc tế.

Hay câu chuyện của chị Trương Thị Tâm (Biên Hòa), chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm. Trước đây chị chỉ tham gia livestream theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", nhưng từ khi dịch bùng phát, chính kênh bán hàng - giải trí này đã mang về cho chị doanh thu gấp 14 lần.

Khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục, hàng loạt ngành hàng từng được cho là không thiết yếu sẽ là động lực tiếp tục kích thích thương mại điện tử bùng nổ, theo ông James Dong. Đó là ngành làm đẹp, thời trang, mỹ phẩm, công nghệ, du lịch... vốn đã bị "cầm cương" quá lâu do đại dịch và đang chờ thời cơ bứt phá trở lại.

Cùng với đó, bước ra khỏi đại dịch, thương mại điện tử còn xuất hiện những ngành hàng, giải pháp mới mà trước đây chỉ mới manh nha ý tưởng. Đó là ngành nhu yếu phẩm với dịch vụ "đi chợ hộ", ngành thực phẩm tươi sống với cam kết giao hàng trong hai giờ đồng hồ. Đó là giải pháp giao hàng không tiếp xúc thông qua tủ khóa thông minh - người dùng tự đến nhận hàng, đảm bảo giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh.

Đại diện Lazada Việt Nam khẳng định, Covid-19 chính là "cú hích" để các doanh nghiệp nhìn nhận nghiêm túc hơn về vai trò của chuyển đổi số. Đây là cánh cửa để doanh nghiệp đến gần hơn với khách hàng, tăng hiệu quả quảng bá, tiếp thị, đồng thời, tối ưu chi phí và đạt mức doanh thu cao trong xu thế phát triển chung của thương mại điện tử Việt Nam.

"Tôi tin kể cả khi đại dịch đi qua, thói quen mua hàng online vẫn sẽ được duy trì. Chưa kể, không chỉ mua sắm, người tiêu dùng hiện tại còn rất ưa thích những hình thức giải trí mới như livestream, game tương tác LazGame... Điều này cũng giúp tăng tỷ lệ người tiêu dùng tiếp cận kênh giải trí - mua sắm trực tuyến. Đối với nhà bán hàng, online sẽ tiếp tục là kênh được đẩy mạnh đầu tư", ông James Dong nói.

Tuy nhiên, theo người đại diện Lazada, kinh doanh thương mại điện tử không đơn giản chỉ là tạo ra gian hàng, đưa sản phẩm lên thì tự khắc có người mua.

"Giai đoạn hậu Covid-19, do ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, việc làm và thu nhập, người tiêu dùng dường như suy xét nhiều hơn trước các khoản chi tiêu không thiết yếu, mà một trong số đó, là khoản phí giao hàng khi mua sắm trên nền tảng số. Phí giao hàng cao hoặc điều kiện sử dụng mã giảm giá vận chuyển phức tạp tại một số nền tảng TMĐT hiện nay đã phần nào khiến người tiêu dùng ngập ngừng hơn trong quyết định mua sắm, vô hình trung dẫn đến tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng thành công thấp" – ông James Dong cho biết. Điều này khiến cho sự cạnh tranh giữa các nhà bán hàng online càng gay gắt hơn khi số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số tăng đột biến. Với cùng một mô hình quản trị, từ lộ trình phát triển sản phẩm, tiếp thị, thu hút khách hàng, bán hàng đến chăm sóc khách hàng, hậu mãi..., bài toán đặt ra là làm thế nào để doanh nghiệp bán hàng online có thể tăng lợi thế cạnh tranh.

"Các nhà bán hàng, các doanh nghiệp cần xác định rõ rằng thương mại điện tử không phải 'đũa thần' có thể phù phép doanh thu tăng thần tốc ngày một ngày hai". Để kinh doanh hiệu quả trên thương mại điện tử, theo người đứng đầu Lazada, doanh nghiệp cần chuẩn bị chắc ba yếu tố: kế hoạch triển khai lộ trình kinh doanh; ngân sách và nguồn lực nhân sự; cuối cùng là tâm thế liên tục cải tiến dịch vụ. Sự khác biệt giữa kinh doanh offline và online đến từ khả năng tận dụng các công cụ hỗ trợ quản trị và tăng doanh thu để giúp bán hàng online nhanh chóng, thuận tiện và hiệu quả hơn.

"Trong bối cảnh mà phí giao hàng và giá cả trở thành mối quan tâm của người tiêu dùng, thì việc triển khai hàng loạt ưu đãi miễn phí giao hàng của Lazada trong thời điểm này không chỉ tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong của chúng tôi mà trên hết là phục vụ cho mục đích và tầm nhìn chúng tôi đang hướng đến, đó là việc hỗ trợ các nhà bán hàng vừa và nhỏ kinh doanh hiệu quả trên Lazada" – ông James Dong chia sẻ – "Chính sách miễn phí giao hàng được chúng tôi kỳ vọng sẽ giúp tái kích cầu mua sắm, từ đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể duy trì kết quả kinh doanh về mức bình thường và chuẩn bị tăng tốc. Chúng tôi mong rằng với tất cả sự nỗ lực đầu tư cho chính sách miễn phí giao hàng, khách hàng sẽ luôn cảm thấy hài lòng và có trải nghiệm mua sắm tuyệt vời với Lazada".

Để có thể làm được điều này, "chìa khóa" của Lazada chính là nền tảng logistics vững chắc - hiện doanh nghiệp này sở hữu công ty riêng về logistics, giao nhận với đội ngũ nhân viên giao hàng cơ hữu. Đây là những động lực giúp nền tảng đủ khả năng triển khai hàng loạt chương trình, chiến dịch thúc đẩy bán hàng thời dịch, hỗ trợ người bán, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngay trong giai đoạn dịch Covid-19, Lazada đã thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc tích cực phối hợp với các cơ quan ban ngành nhằm hỗ trợ cho 45.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) lên sàn, trợ cấp vận hành gian hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn bằng nhiều chương trình ưu đãi... Bên cạnh việc tổ chức những hoạt động đào tạo online liên tục, nền tảng này còn hỗ trợ tăng cường hiển thị gian hàng của các doanh nghiệp nhỏ, tạo nhiều chương trình quảng bá, tiếp thị như livestream, shoppertainment... giúp tăng tiếp cận người dùng. Đồng thời, nền tảng này cũng hỗ trợ nhà bán hàng tiếp cận nguồn huy động vốn với điều kiện tương đối cởi mở giúp họ xoay vòng vốn thuận tiện hơn. Quá trình thanh toán cho nhà bán hàng cũng được rút ngắn xuống tối thiểu và gần như ngay lập tức thông qua ví điện tử eM. Công ty này cũng đang thảo luận với cơ quan chức năng và một số tổ chức tài chính nhằm triển khai chương trình cấp tín dụng ưu đãi cho nhà bán hàng của Lazada.

Ông James Dong khẳng định, đại dịch tạo ra thay đổi chưa từng có trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên với Lazada, chiến lược phát triển lâu dài không thay đổi. Trước mắt, trong năm nay, nền tảng này vẫn tập trung đẩy mạnh và nâng cao trải nghiệm của nhà bán hàng lẫn khách hàng. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, song song đẩy mạnh và nâng cao tính năng livestream...

"Chúng tôi cam kết gắn bó lâu dài với thị trường Việt Nam, không vì lợi ích tài chính ngắn hạn. Cùng với sự phát triển của cộng đồng nhà bán lẻ trực tuyến, chúng ta có thể xây dựng môi trường thương mại điện tử lành mạnh, trưởng thành và đủ động lực phát triển bền vững", ông James Dong nhấn mạnh.