Thứ ba, 2/10/2018, 20:00 (GMT+7)

30 phút rung chuyển trong động đất, sóng thần của thành phố ở Indonesia

Thảm họa kép diễn ra trong thời gian ngắn nhưng tạo ra sức hủy diệt rất lớn cho thành phố duyên hải Palu. 

Hai trận động đất xảy ra hôm 28/9 ở đảo Sulawesi, Indonesia với cường độ lần lượt 6,1 và 7,5 độ. Đồ họa: Reuters.

Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNBP) hôm nay xác nhận số người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,5 độ kích hoạt sóng thần cao 6 m ở đảo Sulawesi, Indonesia hôm 28/9 là 1.234 người và con số có thể còn tăng lên, theo Reuters

Trong thảm họa kép diễn ra chỉ trong nửa giờ đồng hồ đó, nhiều nạn nhân đã bị những cơn sóng khổng lồ cuốn trôi, khiến việc tìm kiếm và thống kê thiệt hại gặp nhiều khó khăn.

Trận động đất mạnh

Vào 15h ngày 28/9 (giờ địa phương), trận động đất đầu tiên mạnh 6,1 độ xảy ra ngoài khơi tỉnh Trung Sulawesi, gần bãi biển Toa Toa, cách thành phố Palu 55 km về phía bắc. Người dân Palu có thể cảm nhận được những rung chấn nhẹ.

Đến 18h cùng ngày, thảm họa bắt đầu xảy ra, khi va chạm trong vết đứt gãy ngoài khơi tạo ra trận động đất mạnh 7,5 độ, khiến Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) phải ban bố cảnh báo sóng thần sau đó vài phút.

Đến khoảng 18h34, BMKG dỡ bỏ cảnh báo sóng thần khi cảm biến thủy triều ngoài khơi chỉ ghi nhận mực nước biển dâng lên 6 cm. Nhưng đúng lúc đó, ba đợt sóng thần cao khoảng 6 mét dồn dập ập vào vịnh Palu chỉ trong vòng ba phút. 

Quyết định của BMKG châm ngòi cho làn sóng chỉ trích rằng họ đã dỡ bỏ cảnh báo quá sớm, khiến nhiều người chủ quan trước sóng thần. 

Nhân viên cứu hộ đưa thi thể nạn nhân ra khỏi khách sạn Roa-Roa bị sập trong động đất ở Palu. Ảnh: Reuters.

Cơ quan này cũng dự đoán sóng thần cao khoảng 3 m, song thực tế khi tràn vào thành phố Palu, ngọn sóng cao gấp đôi. Thành phố mất điện trong trận động đất trước đó nên hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt. Hiện chưa rõ liệu người dân có nhận được cảnh báo sóng thần hay không bởi những video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy hàng chục người dân và các phương tiện vẫn lưu thông trên một con đường ven biển khi sóng thần tràn vào bờ.

Do thông tin liên lạc bị gián đoạn, nhà chức trách ở thủ đô Jakarta không thể lập tức xác nhận có xảy ra sóng thần hay không và bác bỏ những video về thảm họa xuất hiện trên mạng xã hội. Ba giờ sau trận động đất, truyền thông quốc tế mới xác nhận sóng thần đã ập vào Palu.

Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của BNPB, nói với phóng viên rằng do kinh phí hạn chế, không có phao nổi cảnh báo sóng thần nào của Indonesia hoạt động từ năm 2012 đến nay.

Sóng thần ập vào thành phố Palu chỉ 30 phút sau trận động đất 7,5 độ. Đồ họa: Reuters.

Hậu quả

Nugroho cho biết thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra rất nặng nề và trên diện rộng. Hàng nghìn ngôi nhà, bệnh viện, trung tâm mua sắm và khách sạn đã bị phá hủy. Cây cầu lớn nhất thành phố bị cuốn trôi và đường cao tốc chính dẫn tới Palu bị chia cắt do sạt lở.

Theo dữ liệu từ BNPB, động đất thường xuyên xảy ra ở Sulawesi và những trận động đất lớn xảy ra quanh Palu vào các năm 1927, 1938, 1968 và 1996. Hơn 250 dư chấn được ghi nhận ở tỉnh Trung Sulawesi từ sau trận động đất hôm 28/9.

Palu nằm trên vết đứt gãy Palu-Koro, chạy theo hướng bắc nam dọc vịnh Palu. Các phân đoạn của vết đứt gãy này ở Palu đã được các nhà địa chất dự đoán là nơi xảy ra dịch chuyển giữa các mảng kiến tạo cao nhất ở Indonesia, khoảng 4 cm mỗi năm, khiến khu vực này có nguy cơ động đất cao hơn.

Toàn cảnh thảm họa động đất sóng thần ở Indonesia
 
 
Toàn cảnh vụ động đất, sóng thần ở Palu.

Chuyên gia Hamza Latief ở Viện Công nghệ Bandung cho rằng Palu chịu hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều lần những khu vực xung quanh do lớp nền được bồi đắp từ phù sa của thành phố này. Những khu vực có địa tầng vững chắc thường chỉ rung chuyển trong động đất, nhưng với những nơi như Palu, các lớp trầm tích dịch chuyển nhiều hơn và trở nên nhão, hay còn gọi là hiện tượng "đất hóa lỏng". Các công trình bình thường được xây dựng trên nền móng như vậy khó có thể trụ vững trước động đất.

Những hình ảnh vệ tinh chụp bờ biển Palu cho thấy vết đứt gãy đã dịch chuyển trong động đất. Theo số liệu năm 2017, dân số của Palu, thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi, là 379.800 người. Thảm họa xảy ra đúng vào dịp thành phố kỷ niệm 40 năm thành lập. Vịnh Palu chỉ rộng 2 km có thể đã khuếch đại độ cao của sóng thần khi nó tràn vào thành phố.

Hàng chục người bị mắc kẹt trong khách sạn và một trung tâm mua sắm bị sập ở Palu, trong khi hàng trăm người bị chôn vùi trong các vụ sạt lở và đất hóa lỏng ở một số khu vực.

Thị trấn Donggala

Một con tàu bị sóng thần cuốn trôi vào làng Wani ở thị trấn Donggala. Ảnh: Reuters.

Donggala, một thị trấn nằm dọc bờ biển với dân số 299.200 người theo số liệu năm 2017, đã bị cắt đứt liên lạc với bên ngoài từ khi thảm họa xảy ra hôm 29/8. Cùng với Palu, thị trấn này cũng phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do động đất và sóng thần.

Thảm họa "quá quen thuộc"

Những trận động đất lớn ở Indonesia từ năm 2004 đến nay. Đồ họa: Reuters.

Indonesia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, một khu vực có nhiều hoạt động địa chấn nên đã quá quen thuộc với những trận động đất và sóng thần. Một trận động đất ngoài khơi đảo Sumatra năm 2004 đã kích hoạt sóng thần trên Ấn Độ Dương, giết chết 226.000 người.

Một loạt động đất ở đảo Lombok, cách Sulawesi vài trăm km về phía tây nam, hồi tháng 7 và 8 đã giết chết hơn 500 người và khiến hơn 445.000 người trở thành vô gia cư. 

Huyền Lê