![]() |
Ảnh: Lao Động. |
Bà Hiền mất cả buổi sáng để chờ đợi xét nghiệm, siêu âm rồi cả buổi chiều để chờ lấy kết quả. Sau vài phút xem các kết quả xét nghiệm, bác sĩ kết luận các chỉ số bình thường và cho một đơn thuốc để trị cao huyết áp. Như để thanh minh cho việc phải làm quá nhiều xét ngiệm, vị bác sĩ này nói, đây cũng là dịp tốt để kiểm tra sức khoẻ tổng thể. "Nhưng với những người đã nghỉ hưu như tôi thì số tiền gần 500.000 đồng cho một lần kiểm tra như vậy là quá lớn" - bà Hiền nói.
Phần lớn bệnh nhân đến gặp thày thuốc, dù bệnh nhẹ hay nặng cũng đều "được chỉ định" làm xét nghiệm, có khi cả chục chỉ số. Việc có làm hay không gần như phụ thuộc hoàn toàn vào "lệnh" của bác sĩ.
Mất một khoản tiền không nhỏ, song rất nhiều trường hợp tờ kết quả xét nghiệm đã thành "giấy lộn" khi người bệnh chuyển đến một cơ sở y tế khác. Bà Nguyễn Thị Loan (Nam Định) bị u mỡ ở gan vào khám và phẫu thuật tại Bệnh viện Quân đội 108 (Hà Nội). Sau khi làm một loạt xét nghiệm tốn gần 2 triệu đồng, có người bà con mách về Việt Đức mổ tốt hơn nên bà quyết định chuyển viện. Ở bệnh viện mới, bác sĩ từ chối nhận kết quả cũ mà bắt làm lại các xét nghiệm: "Chúng tôi không thể mổ cho bà theo các kết quả của bệnh viện khác, nếu xảy ra chuyện gì bà tự chịu trách nhiệm nhé" - bác sĩ bảo.
Vì sao các cơ sở y tế lại không thừa nhận kết quả xét nghiệm của nhau? Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần xây dựng hệ thống xét nghiệm theo tiêu chuẩn để từ đó các kết quả phải đạt chuẩn. Hiện nay, các phòng xét nghiệm đều chưa đạt chuẩn nên dẫn đến tình trạng bệnh viện tuyến trên phủ nhận các kết quả của tuyến dưới, thậm chí các bệnh viện trung ương cũng không thừa nhận kết quả xét nghiệm của nhau.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, các bệnh viện (cả công lẫn tư) đang "sống" nhờ dịch vụ xét nghiệm nên càng làm nhiều càng tốt. Việc quản lý xét nghiệm của nhiều cơ sở cũng có vấn đề. Khoa chẩn đoán hình ảnh của một bệnh viện lớn ở Hà Nội được khoán mỗi tháng phải nộp 100 triệu đồng. Vì thế, khoa này đã móc nối với các phòng khám tư đưa bệnh nhân vào làm xét nghiệm để tăng thu. Vậy là, sau khi đã nộp đủ tiền khoán, khoa đã dùng máy móc của Nhà nước để kiếm lợi.
Theo thống kê của Bộ Y tế, số lượng các xét nghiệm sinh hoá, huyết học, vi sinh, chẩn đoán hình ảnh trong năm 2006 đều tăng 16-30% so với 2005. Riêng siêu âm và nội soi tăng cao nhất, 25-30%. Bình quân một người bệnh nội trú phải làm 5,4 xét nghiệm sinh hoá; 6,9 xét nghiệm huyết học; 0,5 lần chụp X-quang.
Riêng ở bệnh viện ngoài công lập, các xét nghiệm cũng tăng rất cao so với năm trước. Xét nghiệm sinh hoá tăng 57%, huyết học tăng 91%, vi sinh tăng 94%, X-quang tăng 46%, siêu âm chẩn đoán tăng 48%... Ông Lý Ngọc Kính, Vụ trưởng Vụ Điều trị Bộ Y tế, cho biết, các bệnh viện ngoài công lập trong năm 2006 đã khám và chữa bệnh cho gần 3 triệu lượt người bệnh, cả 3 triệu lượt đều được làm xét nghiệm.
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cơ quan chức năng rất khó phát hiện việc lạm dụng xét nghiệm. Sở đã nhận được thông tin về việc một số người bệnh khi khám chữa bệnh phải làm quá nhiều xét nghiệm. Đến kiểm tra và tìm hiểu thì được biết, việc xét nghiệm này đều được người bệnh đồng ý.
Ông Cường cũng cho rằng, với những người khám chữa bệnh theo dịch vụ thì dễ xảy ra lạm dụng, còn khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế thì rất khó vì mỗi chi phí đều có cơ quan bảo hiểm giám định chặt chẽ.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Trung tâm Chẩn đoán y khoa (Medic Center) TP HCM, cho rằng, cần có sự liên thông giữa các cơ sở y tế với 2 điều kiện cơ bản là: Bảo đảm chất lượng và mạng lưới thông tin giữa các cơ sở đó. Muốn thực hiện được điều này, cần có sự tham gia bắt buộc của các phòng xét nghiệm, kể cả tư nhân, có quy trình kiểm tra chất lượng xét nghiệm. Về tổ chức, cần có hệ thống từ Bộ Y tế đến các cơ sở.
Vụ trưởng vụ Điều trị Lý Ngọc Kính cũng cho biết, trong năm nay, Bộ Y tế sẽ xây dựng và hoàn thiện về quy trình kiểm chuẩn xét nghiệm theo hướng đồng bộ và tiếp cận với các chuẩn của khu vực và thế giới.
(Theo Lao Động)