Cách tiến hóa duy trì nòi giống độc đáo của loài cây có tên khoa học Hamamelis mollis ở Trung Quốc được tiến sĩ Simon Poppinga và các đồng nghiệp ở Đại học Freiburg, Đức đăng trên tạp chí Royal Society Interface hôm 7/8.
Là một trong những tổ chức sống không di chuyển, cây xanh phải đối mặt với thách thức phát tán hạt giống ra môi trường xung quanh. Vì mục tiêu này, một số loài cây đã tiến hóa để hạt hoặc rất nhẹ để gió cuốn đi hoặc thật ngon để các loài động vật thay chúng làm công việc vận chuyển.
Tuy nhiên, loài cây Hamamelis mollis chọn cách bắn hạt ra môi trường. Dùng camera có khả năng ghi 30.000 ảnh mỗi giây để quay lại quá trình phát tán hạt của loài cây này, tiến sĩ cho hay, lực phát tán mạnh tương tương với lực một khẩu súng của thế kỷ 19 tác động lên đạn trong nòng.
Lực này tạo ra gia tốc gấp khoảng 2.000 lần gia tốc rơi tự do do trọng lực của Trái Đất tạo ra tại cùng vị trí. Tuy nhiên, thay vì dùng chất nổ như con người, loài cây này từ từ nén các hạt bên trong quả. Hạt của chúng cũng tiến hóa có hình dạng giúp giảm sức cản của không khí để đạt được khoảng cách xa nhất. Hạt có thể được phát tán với vận tốc lên đến 12,3 m/s. Hạt từ quả trên cao có thể bay xa 18 m.
Để chuẩn bị cho quá trình phát tán hạt, phần vỏ cứng bên ngoài của quả sẽ dần teo lại trong khi phần nhân bên trong trải qua một sự thay đổi phức tạp về hình dạng nhằm tăng áp lực lên hạt khi quả khô đi. Toàn bộ quá trình này từ từ kết thúc bằng một cú bắn hạt đột ngột và uy lực đi kèm âm thanh tách vỡ lớn.
Theo nhóm nghiên cứu, phần ấn tượng nhất trong quá trình phát tán này là chuyển động quay được truyền cho hạt khi chúng được giải phóng khỏi quả khô. Hạt của một cá thể cây không cùng hướng xoay. Một nửa số hạt quay theo chiều kim đồng hồ, nửa kia quay theo hướng ngược lại. Tiến sĩ Poppinga chưa nắm chắc cách hạt của cây này có được chuyển động xoay trên. Nguồn gốc của tiếng nổ và cơ chế chính xác của "chốt" giữ hạt nguyên vị trí trước khi được bắn đi vẫn chưa được xác định.
Vũ Phong (Theo iflscience)