![]() |
Anh Kiên chỉ nơi các nữ sinh bị tai nạn. Ảnh: T.L. |
Anh Nguyễn Anh Kiên ở thôn Thượng Kiều, xã Quốc Tuấn, cho biết, khi anh đang ngồi trong một quán nước tại khu vực Miếu Đôi, nơi diễn ra lễ hội đua thuyền, thì thấy chiếc thuyền đua màu vàng có nhiều em học sinh trèo lên, sau đó bị chòng chành rồi lật. Thấy toàn các em gái không biết bơi, lập tức anh và một vài thanh niên khác lao xuống để cứu.
Tuy nhiên, nỗ lực của họ chỉ cứu được 5 trong số 7 nữ sinh bị nạn. Còn lại hai em Nguyễn Hồng Phương và Đỗ Thị Hoa (cùng ở xã Lê Lợi) bị chìm nghỉm. Phải hơn 4 giờ sau xác các em mới được tìm thấy ở tận đáy con kênh.
Em Nguyễn Thị Vân, học sinh lớp 9C, trường THCS Lê Lợi, huyện An Dương, người may mắn sống sót sau tai nạn, kể lại: Chiều hôm đó được nghỉ học nên em và 6 bạn nữ cùng lớp đã rủ nhau đi xem đua thuyền tại lễ hội. Thấy một chiếc thuyền đua để không tại khu vực cống Đập, các em cùng leo lên định chèo ra ngoài.
![]() |
Em Vân kể lại câu chuyện. Ảnh: T.L. |
Lúc này, một số học sinh nam của trường khác thấy vậy cũng đồng loạt nhảy xuống thuyền. Do số lượng người quá đông, chiếc thuyền bị tròng trành và lật, khiến toàn bộ học sinh trên bị rơi xuống nước. Các em nam biết bơi nên vào được bờ, riêng các em nữ đều không biết bơi nên chìm dần, may mắn có anh Kiên và một vài người khác lao xuống cứu.
Theo một số nhân chứng tại khu vực đó, khi các em bị nạn đã cố gắng kêu cứu, nhưng do không có người của ban tổ chức lễ hội ở đó nên không kịp thời cứu được hết. "Nếu ban tổ chức lễ hội chuẩn bị chu đáo, không lơ là công tác bảo vệ, quản lý chặt chẽ thuyền bè và xử lý kịp thời các tình huống xấu thì đã không xảy ra vụ tai nạn thương tâm như trên", một người dân thôn Thượng Kiều bức xúc.
Hai em Nguyễn Hồng Phương và Đỗ Thị Hoa đều là học sinh ngoan, có học lực khá.
Hà Thành