Trao đổi với VnExpress, ông Quốc cho biết thêm, Sở nhận được rất nhiều nguồn thông tin khác nhau về cùng một người phụ nữ quốc tịch Đức có tên là Phan Kim Hạnh, bị nghi là mất tích tại rừng đước thuộc Năm Căn, Cà Mau.
Ban đầu là từ Lãnh sự quán Đức gửi Sở Ngoại vụ TP HCM đề nghị hỗ trợ tìm kiếm công dân của nước mình ngay sau khi người nhà của chị Hạnh cầu cứu. Ngoài ra còn một e-mail của một người tên Liem, tự nhận là Việt kiều Mỹ gửi về. Và sau này là nguồn thông tin từ hai công dân khác tự nhận có quen biết chị Hạnh nhưng chị này có năm sinh, địa điểm, đi, ở khác nhau... "Chúng tôi đã kiểm tra và khẳng định tất cả đều là tin vịt, ngay cả nhân vật tên Liem phát thư cầu cứu cũng không xác định được", ông Quốc nói.
Cũng theo Phó giám đốc Sở ngoại vụ thành phố, sau khi nhận được công văn của Sở Ngoại vụ - Du lịch Cà Mau đề nghị cấp thêm những thông tin cần thiết như: hộ chiếu, hình ảnh, các loại giấy tờ khác liên quan đến bản thân và thông tin về thân nhân của chị Hạnh tại VN... Sở đã làm việc với lãnh sự Đức. "Phía họ đã xin lỗi, thừa nhận đã bị lừa vì thông tin họ đưa ra cũng chỉ căn cứ vào email của một người tên Liem. Chúng tôi đã hoàn toàn kết thúc việc tìm kiếm", ông Quốc cho biết.
Trước đó, vào đầu tháng 8, các cơ quan như: Tổng lãnh sự Đức, UBND tỉnh Cà Mau... nhận được email của một người xưng tên Liem, ngụ tại Mỹ nhờ tìm kiếm tung tích chị Phan Kim Hạnh (sinh năm 1979, quốc tịch Đức) đã mất liên lạc khoảng 1 tuần trước đó. Theo thư của người này, chị Hạnh đã đi vào vùng rừng đước Năm Căn cùng hai người đàn ông trên chiếc ghe nhưng khi trời tối thì bị chết máy và bị mất liên lạc.
Ngay sau đó, lãnh sự Đức đã có công hàm nhờ hợp tác tìm kiếm người mất tích nói trên. Phía UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo lực lượng công an, bộ đội biên phòng... cấp bách tìm kiếm. Kết quả cho thấy, những thông tin về nhân vật mất tích trên là không có cơ sở.
N. Hải