Trong tuyên bố chung được công bố sau 2 ngày thảo luận tại Seoul, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để tránh nguy cơ về một cuộc đua phá giá đồng nội tệ mang tính toàn cầu. Các nguyên thủ cũng cam kết sẽ đưa ra những chính sách phủ hợp, nhằm cải thiện tình trạng mất cân bằng thương mại, vốn đang là trở lực chính đối với sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.
![]() |
Lãnh đạo các nền kinh tế dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: AFP |
Tiếp nối tinh thần của Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính diễn ra hồi cuối tháng 10, lãnh đạo G20 cam kết cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo hướng có lợi hơn cho các nền kinh tế đang phát triển. G20 cho rằng một IMF hiện đại phải phản ánh đúng hơn những thay đổi của kinh tế thế giới, thông qua việc mang lại tiếng nói lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi.
Trong tuyên bố bế mạc hội nghị, đại diện Liên minh châu Âu cho biết họ thỏa mãn với những kết quả đạt được tại cuộc đối thoại lần này. Các bên cũng đưa ra cam kết về thúc đẩy hơn nữa việc tiến hành vòng đàm phán Doha về tự do thương mại toàn cầu, phấn đấu đưa ra những cơ sở đầu tiên để kết luận vòng đàm phán trong năm 2011.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo G20 cũng đã đặt bút ký vào đồng thuận mang tên "Chia sẻ phát triển Seoul", nơi mà các nước giàu cam kết hợp tác với các quốc gia đang phát triển nhằm đẩy mạnh thương mại, phát triển và đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được, 2 ngày thảo luận của lãnh đạo G20 tại Seoul chưa thể khiến giới quan sát hài lòng bởi một trong những vấn đề chính yếu đặt ra trước thềm hội nghị là căng thẳng trong quan hệ tiền tề, thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa được giải quyết.
Mặc dù các bên đã đạt được thỏa thuận giảm thâm hụt cán cân thương mại giữa Mỹ và 2 nền kinh tế xuất khẩu hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Đức) xuống dưới 4% trong tương lai gần, nhưng đây thực tế chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên “mâu thuẫn”.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Barrack Obama tiếp tục chỉ trích chính sách “ghìm” giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. “Tỷ giá đồng tiền phải phản ánh đúng thực tế nền kinh tế”, ông Obama khẳng định.
“Các nền kinh tế mới nổi cần phải cho phép tỷ giá vận động theo cơ chế thị trường. Đây cũng là điều tôi đã trao đổi với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc. Nước Mỹ sẽ theo dõi rất sát những tiến triển của đồng nhân dân tệ trong thời gian tới”, Tổng thống Mỹ nói thêm.
Theo quan điểm của Washington, việc đồng bản tệ được định giá thấp đã giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có được lợi thế “không chính đáng” so với những doanh nghiệp toàn cầu khác và mang lại kho dự trữ ngoại hối khổng lồ cho nước này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn khẳng định chính sách tiền tệ mà họ đang theo đuổi là chính đáng và sẽ kiên định thực hiện chính sách này.
Bên cạnh câu chuyện tỷ giá thì thâm hụt thương mại cũng là một vấn đề gây nhức nhối lớn trên bàn đàm phán Seoul. Có cái nhìn tương đối ôn hòa về vấn đề Trung Quốc, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng nền kinh tế đông dân nhất thế giới đang dần thay đổi để hướng tới trạng thái cân bằng và có lợi hơn cho sự phát triển chung. “Đây không phải là vấn đề mà người ta có thể giải quyết được chỉ trong một đêm”, Thủ tướng Anh khẳng định với hãng tin BBC.
Nhật Minh